Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 1
Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 2

Thưa Chủ tịch, sau ba năm triển khai Đề án Thành phố thông minh, đến nay Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng nào?

Đối với thành phố Đà Nẵng, mục tiêu xây dựng đô thị thành phố thông minh được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Do vậy, Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 6439/QĐ-UBND) đặt ra mục tiêu sớm hơn so với mục tiêu chung toàn quốc tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là: đến năm 2020 thành phố sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; đến năm 2025 thông minh hóa các ứng dụng; đến năm 2030 thông minh hóa ứng dụng cộng đồng; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN theo mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Tuy vậy, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ rất mới, khó, cần triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp và phải làm liên tục nhiều năm. Cụ thể, một số kết quả tiêu biểu theo ba trụ cột: hạ tầng, dữ liệu và ứng dụng thông minh.

Về hạ tầng số, đã hình thành hạ tầng mạng đô thị dùng riêng, băng thông rộng; kết nối tất cả các cơ quan Đảng và Nhà nước; Trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho triển khai các ứng dụng thông minh; Hệ thống họp trực tuyến dùng chung và tiếp tục được nâng cấp, mở rộng; Trung tâm Mini IOC và các trung tâm chuyên ngành (OC) giao thông, an ninh, môi tường, điện. Dự kiến quý 1/2023 đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thành phố (thay cho Trung tâm Mini IOC). Đến nay, Đà Nẵng đã phủ sóng dịch vụ 4G rộng khắp thành phố, bắt đầu thí điểm triển khai 5G; đồng thời đang thí điểm mạng dùng riêng Lora để hỗ trợ kết nối cảm biến IoT.

Về cơ sở dữ liệu số, đã hình thành kho dữ liệu số dùng chung (giai đoạn 1) để nhận, làm sạch và chia sẻ dữ liệu số toàn thành phố; Cổng dữ liệu mở với gần 600 bộ dữ liệu công khai/cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; hoàn thành cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh; hoàn thành giai đoạn 1 cơ sở dữ liệu đất đai; 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quận huyện, cơ sở dữ liệu xã phường.

Một trong số nội dung chính của Chính quyền đô thị ở Đà Nẵng là “phân cấp”, “ủy quyền” và không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường; Đề án Thành phố thông minh đã bước đầu cung cấp thông tin, dữ liệu số để theo dõi, giám sát trong Chính quyền đô thị ở Đà Nẵng được kịp thời, chủ động, hiệu quả hơn.

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 3

Thành phố thông minh để tạo ra nền kinh tế thông minh. Cụ thể, ở đây nền kinh tế thông minh có vai trò như thế nào trong việc kích hoạt, tạo nền tảng để các thành phần kinh tế của Đà Nẵng được khơi thông, phát huy hết tiềm năng và trở nên thông minh hơn, thưa ông?

Theo Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh ban hành tại Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11/1/2018, kinh tế thông minh là một trong 6 trụ cột thành phố thông minh. Năm 2021, Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó triển khai chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong Đề án Chuyển đổi số, kinh tế số được xác định bao gồm kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và các ngành, lĩnh vực. Do đó, phát triển kinh tế số là động lực phát triển mới của Đà Nẵng; thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ số và dữ liệu số, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới. Đây là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Những năm gần đây, ngành công nghiệp ICT và kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP thành phố. Cụ thể, kinh tế số năm 2021 đóng góp 12,57% GRDP thành phố (toàn quốc gần 9%). Thành phố hiện có 2,27 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của cả nước (0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân); tổng nhân lực công nghệ số thành phố có hơn 45.000 người.

Các doanh nghiệp công nghệ số của thành phố đã từng bước làm chủ công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển nhiều sản phẩm Make in Da Nang, nhiều năm liền đạt giải quốc gia. Các mô hình kinh tế số của Đà Nẵng được nhân rộng thành công tại các địa phương khác trong nước và quốc tế.

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 4

Là người đứng đầu chính quyền thành phố, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Đề án Thành phố thông minh đối với công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và trong việc thực hiện các dịch vụ tiện ích của người dân?

Tại thành phố Đà Nẵng, công tác quản lý điều hành từng bước chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường số, bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số.

Thành phố đã hình thành Trung tâm Mini IOC với 18 dịch vụ đô thị thông minh; hình thành các Trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông, quan trắc môi trường, điều khiển điện chiếu sáng công cộng; chuẩn bị đưa vào vận hành Trung tâm IOC thành phố và 7 IOC quận, huyện trong quý 1/2023, khi đó sẽ có bước thay đổi đáng kể việc triển khai sử dụng thông tin/dữ liệu số trong quản lý, điều hành chính quyền đô thị.

Về ứng dụng công nghệ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, phải kể đến Cổng dịch vụ công, với hầu hết thủ tục hành chính triển khai mức 4 (mức cao nhất, nhận hồ sơ và trả kết quả qua mạng), với đầy đủ tính năng tư vấn, hướng dẫn (Tổng đài 1022, Chat/Vocebot), thanh toán, ký số... Đặc biệt là hình thành Kho dữ liệu số cho mỗi công dân gắn với mã QR cá nhân, sử dụng dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ giấy phải nộp (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…). Cổng góp ý để người dân phản ánh mọi vấn đề liên quan đến đời sống xã hội; gọi xe cấp cứu 115 công nghệ, Cổng thông tin đất đai và kiến trúc, ứng dụng truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm, ...

Ứng dụng sử dụng thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành quản lý đô thị gồm: theo dõi các cơ quan xử lý công việc được giao; giám sát cung cấp dịch vụ công, giám sát an toàn thông tin, giám sát giao thông, giám sát bãi đỗ xe, quan trắc môi trường (mực nước hồ, sông, không khí,..), giám sát tàu thuyền, báo cáo điện tử và số liệu điều hành; sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại các văn phòng công chứng để ngăn chặn hiện tượng một tài sản thế chấp nhiều lần, nhiều nơi,...

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 5

Quá trình triển khai Đề án Thành phố thông minh có gặp phải những khó khăn, thách thức nào không, thưa ông?

Việc triển khai Đề án Thành phố thông minh đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, tuy nhiên thành phố nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Một là, triển khai chuyển đổi số, thành phố thông minh để giải quyết các “bài toán” lớn, khó trong thời gian trước đó không thực hiện được do chưa có quy định phù hợp và chưa có tiền lệ. Các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây chưa có quy định áp dụng công nghệ số/thông minh, do đó đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số. Đến nay Chính phủ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để các địa phương được thuận lợi trong quá trình triển khai; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, quản lý thành phố thông minh.

Hai là, cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung. Các cơ sở dữ liệu nền quốc gia, các ứng dụng của một số bộ ngành Trung ương được triển khai ở địa phương nhưng đóng kín, chưa chia sẻ lại cho địa phương sử dụng. Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của một số sở, ngành, quận, huyện chưa có nhiều dữ liệu, tính khả dụng của dữ liệu còn thấp, do đó việc chia sẻ về kho dữ liệu dùng chung và triển khai dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu mở thành phố còn hạn chế.

Ba là, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan của thành phố còn mỏng, chưa đảm bảo năng lực trong tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh.

Bốn là, khi Đà Nẵng bắt đầu triển khai mô hình Chính quyền đô thị từ giữa năm 2021, việc triển khai Kiến trúc và Đề án Thành phố thông minh để hỗ trợ vận hành Chính quyền đô thị là một bài toán mới, khó cần phải xem xét trong từng nhiệm vụ để triển khai.

Năm là, việc triển khai một số tiểu dự án thuộc Đề án Thành phố thông minh cần sự hưởng ứng, tham gia của người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tiểu thương, hộ kinh doanh. Tuy nhiên việc vận động các tổ chức, người dân tham gia các tiểu dự án này còn gặp nhiều khó khăn.

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 6

Vậy, Đà Nẵng đã có những giải pháp, hay chiến lược nào để giải quyết những khó khăn, thách thức đó?

Vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã tổ chức đánh giá kết quả 3 năm triển khai Đề án Thành phố thông minh, theo đó đã chỉ đạo các định hướng, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế và triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Thành ủy Đà Nẵng đã giao cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tích cực, quyết liệt chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh, giai đoạn 2022-2025 để đảm bảo tính đồng bộ của các hợp phần thành phố thông minh; hướng đến xây dựng thương hiệu Đà Nẵng - Thành phố thông minh.

Các cơ quan, địa phương của thành phố chủ động triển khai sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến; tạo lập dữ liệu số đầy đủ, chính xác và thực hiện chia sẻ về Kho dữ liệu dùng chung thành phố và mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.

Đối với các cơ quan chức năng của thành phố, tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách để thu hút và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thực hiện chính sách miễn giảm 50% phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia, tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan của thành phố.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực và kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để hỗ trợ triển khai đề án thành phố thông minh.

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 7

Với những kết quả đã đạt được, giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện những nội dung cụ thể nào để tiếp tục lộ trình xây dựng thành phố thông minh, thưa Chủ tịch?

Thời gian tới, Thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án Thành phố thông minh, giai đoạn 2022-2025 (ban hành tại Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 7/4/2022), đồng bộ với triển khai Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; qua đó thành phố ưu tiên một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tiếp tục phát triển hạ tầng mạng di động 5G, hạ tầng IoT phục vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; đảm bảo lộ trình đến năm 2025 hoàn thành phủ sóng mạng 5G tại 50% khu vực dân cư thành phố. Đặc biệt, Đà Nẵng đang triển khai thủ tục đầu tư Trung tâm quản lý thiên tai thông minh (Trung tâm ENSURE) thích ứng với thiên tai và dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục hoàn thành nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu thành phố; xây dựng Quy hoạch mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố.

Hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung đảm bảo khả năng xử lý đa dạng các loại dữ liệu (có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc); phát triển nền tảng phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng chính sách. Hình thành Hệ thống cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị đồng bộ, thống nhất trên nền GIS với đầy đủ các lớp dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng,... theo Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 của UBND thành phố về ban hành Danh mục dữ liệu không gian dùng chung thành phố.

Đà Nẵng cũng sẽ triển khai các bước tiếp theo sau khi đề án Tổ chức, vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh phục vụ chính quyền đô thị được phê duyệt; đảm bảo vận hành, khai thác hiệu quả phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các cơ quan, địa phương.

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm giám sát chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh và các trung tâm điều hành quận huyện.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và y tế; sử dụng thống nhất phần mềm quản lý trường học trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố để hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện về học sinh, điểm học bạ làm nền tảng triển khai chuyển đổi số trong giáo dục; triển khai toàn diện bệnh án điện tử trong các bệnh viện công, chia sẻ, liên thông giữa các bệnh viện.

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 8

VnEconomy 22/01/2023 13:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đà Nẵng và hành trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh - Ảnh 9