Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1
Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 2

Thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu xem xét lại về các lựa chọn để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững và thúc đẩy phát triển xã hội bao trùm, trong đó đặc biệt là xu hướng tăng trưởng xanh cũng như tập trung các nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Cụ thể, xu hướng tăng trưởng xanh và nền kinh tế xanh trên thế giới đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Tiến trình phát triển nền kinh tế xanh đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và ở mức độ cao hơn. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế (hay “phục hồi xanh”) - hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là lựa chọn hàng đầu được Liên hợp quốc khuyến khích và các vùng lãnh thổ, quốc gia phát triển tiên phong thúc đẩy. Tiếp nối các Chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI (LTS), Thỏa thuận kinh tế xanh (Green Deal), Thỏa thuận kinh tế xanh mới (Green New Deal) được công bố với kỳ vọng đẩy mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng xanh thêm một bước mới.

Điển hình là Liên minh châu Âu (EU), ngày 21/7/2020, Liên minh châu Âu thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lịch sử trị giá 750 tỷ Euro (858 tỷ USD) đi kèm với khoản ngân sách của EU trị giá 1.074 tỷ Euro cho giai đoạn 2021 – 2027. Các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết sẽ dành khoảng 30% tổng số ngân sách trên (khoảng 550 tỷ Euro) tập trung cho các mục tiêu về môi trường trong 7 năm sắp tới.

Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ là tổ chức đại diện vay vốn từ thị trường tài chính bằng cách phát hành trái phiếu dài hạn để tận dụng lợi thế về xếp hạng tin nhiệm cao của khối. Theo đó, gói phục hồi xanh sẽ tập trung vào 2 nội dung.

Thứ nhất, triển khai Thỏa thuận Xanh châu Âu cho giai đoạn 2020-2024 với gói đổi mới chính sách toàn diện “Fit for 55” (Fit for 55 là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, đề cập đến mục tiêu của EU là giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2030. Gói Fit for 55 bao gồm một loạt các đề xuất nhằm mục đích đưa luật pháp của EU phù hợp với mục tiêu năm 2030) để chuyển đổi toàn bộ khối thành một xã hội công bằng, thịnh vượng, nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Thứ hai, dùng 37% Quỹ Phục hồi và Chống chịu (Recovery and Resilience Facility) - tương đương với khoảng 672,5 tỷ Euro cho các dự án xanh.

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 3

Ở Mỹ, từ năm 2018, các chính trị gia Mỹ đã liên tục đề xuất các gói tăng trưởng xanh khác nhau. Một trong những đề xuất đáng chú ý là Gói tăng trưởng xanh do Thượng Nghị sỹ Edward Markey và đại biểu Quốc hội Alexandria Ocasio-Cortez của Đảng Dân chủ đưa ra ngày 7/2/2019 với tên gọi Gói tăng trưởng xanh mới (Green New Deal). Hầu hết các gói tăng trưởng xanh được đề xuất đều đưa ra hai mục tiêu trọng tâm, thực hiện song song là cắt giảm khí thải carbon và giảm bất bình đẳng kinh tế Mỹ.

Cụ thể Gói tăng trưởng xanh của Markey và Ocasio-Cortez đề xuất mục tiêu đưa Mỹ tới năm 2030 không còn khí thải nhà kính, trở thành nước sử dụng 100% năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo việc làm với mức lương đủ sống và an ninh kinh tế cho các đối tượng dễ bị tổn thương; đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, dịch vụ nhà ở an toàn, tiện nghi, nước, không khí, và thực phẩm sạch với chi phí hợp lý.

Hàn Quốc cũng đã triển khai Thỏa thuận kinh tế xanh mới. Tháng 4/2020, Hàn Quốc đã đưa ra gói tăng trưởng xanh với các mục tiêu: đưa nền kinh tế Hàn Quốc tới năm 2050 đạt phát thải khí thải nhà kính bằng 0, tới năm 2040, giảm 40% bụi mịn; phát triển các ngành công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo việc làm, không chỉ là việc làm cho các lao động trình độ thấp mà cả việc làm trình độ cao trong các ngành công nghiệp xanh và công nghệ cao.

Hàn Quốc sẽ đầu tư 135 tỷ USD vào lĩnh vực số và tăng trưởng xanh, trong đó 96,3 tỷ USD từ ngân sách nhà nước, 21,2 tỷ USD từ ngân sách địa phương và 17,3 tỷ USD từ khu vực tư nhân. Các gói phục hồi xanh của Hàn Quốc có sự gắn kết giữa số hóa và xanh hóa, chú trọng đến công nghệ thân thiện với môi trường.

Nhìn chung, trong năm 2021, nhiều nước đã cập nhật Chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (PTR0) với các giải pháp quyết liệt hơn, như: cơ cấu lại - chuyển dịch toàn diện nền kinh tế theo hướng xanh; cải cách hệ thống thể chế, chính sách, tiêu chuẩn; huy động các nguồn lực tài chính đầu tư thông minh vào những dự án không hối tiếc trong sản xuất, tiêu dùng, kết cấu hạ tầng, công nghệ mới; khuyến khích chính quyền địa phương tham gia vào chương trình phục hồi xanh thông qua đầu tư cho giao thông công cộng, cải tạo công trình xây dựng tại các đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 4

Vậy tại Việt Nam, chính sách và chiến lược phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đã và đang thực hiện ra sao, thưa ông?

Sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó (với ngưỡng thu nhập bình quân đầu người là 12.695 USD), Việt Nam cần có tốc độ tăng trưởng bình quân vượt trội hơn so với bình quân giai đoạn 1990-2020. Để so sánh, Hàn Quốc, với mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 1951 tương đương với Việt Nam vào năm 1990, đã phải mất 42 năm sau đó để trở thành quốc gia thu nhập cao.

Để vào nhóm quốc gia có thu nhập cao, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tích lũy thêm vốn sản xuất, vốn vật chất (hạ tầng) và vốn con người; đồng thời, phải sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn, tạo ra mức tăng năng suất cao hơn để có thể đạt được thành tựu về kinh tế như Hàn Quốc.

Chiến lược cũng cho thấy chuyển đổi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý tốt hơn, trong đó có quản trị các nguồn tài nguyên và con người. Việt Nam sẽ phải  chuyển từ phương pháp tiếp cận kinh tế từ số lượng thường là lãng phí nguồn lực (do các nhà sản xuất thường sử dụng nhiều tài nguyên đất, nước, gỗ, năng lượng và các nguồn lực khác cho mỗi đơn vị sản phẩm hơn so với các quốc gia khác) sang một mô hình phát triển chú trọng chất lượng quản lý vốn tài nguyên một cách bền vững hơn.

Đến nay Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho 2 giai đoạn khác nhau, giai đoạn 2011-2021 và giai đoạn 2021-2030. Cả hai chiến lược của hai giai đoạn này đều coi các cơ chế, chính sách là hết sức quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh.

Để so sánh hai chiến lược của hai giai đoạn, so với giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 chú ý nhiều hơn đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số nội dung xã hội như văn hóa tiêu dùng xanh, lối sống xanh và chuyển đổi xanh bao trùm.

Bên cạnh đó, chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn sau này đưa ra các giải pháp triển khai chiến lược theo 2 nhóm có tính xuyên suốt và theo ngành ưu tiên để xác định rõ trọng tâm và tăng hiệu quả huy động nguồn lực.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 có các quy định, hướng dẫn cụ thể, có tính ràng buộc cao hơn trong thực hiện, chú ý đến giám sát và đánh giá hơn, chú ý đến các giải pháp huy động nguồn lực tài chính xanh nhiều hơn.

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 5

Vì sao chiến lược tăng trưởng xanh được xem là “con đường tất yếu” và là sự lựa chọn phù hợp nhất để kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Chiến lược tăng trưởng xanh) vào ngày 1/10/2021. Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính: (1) giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) xanh hóa các ngành kinh tế; (3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Mục tiêu của tăng trưởng xanh là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chống chịu. Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tăng trưởng xanh là con đường giúp chúng ta tránh khỏi hệ lụy phát triển xong phải đi giải quyết các hậu quả của môi trường. Nhiều quốc gia đã đi theo con đường tăng trưởng nâu, ô nhiễm môi trường và đã phải trả lớn rất lớn. Ta mà nhận thức được điểm này sớm thì ta phải quyết liệt thực hiện tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh sẽ phải là tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam vì những lý do sau: (i) tăng trưởng xanh dựa vào nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì vậy sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có năng suất và hiệu quả hơn; (ii) tăng trưởng xanh hướng đến nền kinh tế ít phát thải và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, điều này sẽ giúp đạt được mục tiêu thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; (iii) thực hiện tăng trưởng xanh là hướng đến nền kinh tế các bon thấp giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. (iv) tăng trưởng xanh đồng hướng với phát triển bao trùm tức phát triển nhưng không bỏ lại ai bên lề.

Tăng trưởng xanh là rất phù hợp cả về xu hướng khách quan lẫn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Các chủ trương này đã được xác định tại Đại hội Đảng XIII là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú ý đến hiệu quả, phát triển kinhtế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện kinh tế carbon thấp trên cơ sở của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Việt Nam đã có các cam kết về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu (các cam kết tại COP 26). Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ giúp thực hiện được các mục tiêu này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực chống chịu và năng lực thích ứng, hội nhập của Việt Nam.

Để tạo lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, Việt Nam bắt buộc phải coi tăng trưởng xanh như con đường tất yếu và trụ cột xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển ngắn hạn và trung hạn.

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 6

Vậy theo ông, cần có những kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh như thế nào để Việt Nam đạt được được mục tiêu về nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh như Chiến lược tăng trưởng xanh đã đặt ra?

Để kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam, có 4 nội dung cần thực hiện.

Thứ nhất, xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường tại Việt Nam, gồm: nghiên cứu và đề xuất các điều kiện và lộ trình phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải tại Việt Nam; xây dựng cơ chế, công cụ và cách thức vận hành thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ cơ chế trao đổi quyền phát thải. Các hoạt động này phát triển từ yêu cầu của Chiến lược tăng trưởng xanh về việc phát triển thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường; đồng thời, xuất phát từ thực tế Việt Nam chưa có các quy định, chưa hình thành thị trường, các công cụ trao đổi quyền phát thải.

Xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững, gồm việc nghiên cứu đề xuất lộ trình, phạm vi áp dụng nguồn thu từ thuế và sửa đổi, bổ sung một số nội dung của thuế bảo vệ môi trường nhằm sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh các hoạt động có phát thải carbon (tập trung nhiều trong ngành khai khoáng, năng lượng,...).

Xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; xác định các chương trình, dự án, nhiệm vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng.

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 7

Thứ hai, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh. Rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp): hoạt động này được phát triển trên cơ sở Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đã đưa ra khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp xanh, nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu xanh, quy định về công bố thông tin trước đợt chào bán và công bố thông tin định kỳ của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh. Theo đó, đề xuất nhiệm vụ sẽ chi tiết hóa và bổ sung các quy định về phát hành trái phiếu xanh.

Nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao, hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh.

Thứ ba, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Cụ thể: rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng: các hoạt động này được phát triển trên cơ sở khoản 1, khoản 4 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra khái niệm về tín dụng xanh, yêu cầu quản lý rủi ro môi trường.

Theo đó, đề xuất các nhiệm vụ sẽ chi tiết hóa các thông tin về cấp tin dụng xanh, thể chế hóa việc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng tại các văn bản pháp lý chuyên ngành.

Thứ tư, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh, với các hoạt động chủ yếu gồm: ban hành cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của nước ngoài; nâng cấp, thể chế hóa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và yêu cầu Báo cáo bền vững (BCBV) đối với doanh nghiệp ở các địa phương.

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 8

VnEconomy 19/09/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2023 phát hành ngày 18-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mô hình tăng trưởng xanh kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 9