Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 1
Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 2

Vào năm 1916, tại Hải Phòng, cùng với việc lập ra doanh nghiệp đóng tàu mang tên Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Công ty, cụ Bạch Thái Bưởi đã chọn thương hiệu cho công ty không phải là một cái lô-gô, mà là hẳn một lá cờ hiệu màu vàng với hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.

Theo cụ Bạch giải thích với khách hàng và đồng bào cả nước trong bố cáo thành lập doanh nghiệp, màu vàng của lá cờ tượng trưng cho màu da người Việt, mỏ neo thể hiện lĩnh vực kinh doanh hàng hải, ba ngôi sao tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam của xứ An Nam, thể hiện ý chí thống nhất quốc gia của toàn thể dân Việt.

Trong kinh doanh vận tải thủy, cụ Bạch phải đối mặt với hai đối thủ rất mạnh và đáng gờm. Đó là các chủ tàu người Pháp và người Hoa. Và cuộc đụng độ không cân sức đã xảy ra. Cụ Bạch hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai. Các chủ tàu người Hoa lại trường vốn và đã quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng đủ mọi cách. Trong tình thế đó, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới một thứ “vũ khí” mà người ngoại quốc không thể có khi làm ăn trên đất Việt. Đó là tinh thần dân tộc trong mỗi khách hàng hành khách của mình.

Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 3

Cụ Bạch cho người trực tiếp tới các bến tàu, ngày nay gọi là nhân viên tiếp thị, dùng lời nói nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi về tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. Cụ cho treo trên mỗi tàu một cái hộp, và tuyên bố ai thấy việc làm của cụ là đáng khuyến khích thì bỏ những đồng xu lẻ vào đó, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả, không chỉ thu được những đồng tiền thiện nguyện tại chỗ, mà cụ Bạch còn lôi kéo được hành khách dần dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Vậy là Bạch Thái Bưởi đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc trong tâm huyết của khách hàng như một vũ khí “cạnh tranh lành mạnh” để chiến thắng đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Khi bị cạnh tranh với người Hoa hay người Pháp, bắt buộc phải chọn ngày thì cụ xin chạy ngày chẵn âm lịch vì cụ biết tâm lý khách Việt không thích đi ngày lẻ. Gặp mùa trẩy hội Chùa Hương, cụ mở thêm tuyến Phủ Lý - Bến Đục để phục vụ khách đi vãn cảnh chùa. Tháng 8 Âm lịch có hội đền Kiếp Bạc, Hải Dương, cụ cho tăng cường tuyến Đáp Cầu - Kiếp Bạc. Mỗi khách đi tàu đều được cụ tặng một chiếc quạt giấy, để quạt mát vào mùa hè, vừa làm quà lưu niệm chuyến đi.

Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 4

Tài tình nhất, độc đáo nhất trong cách tiếp thị quảng cáo “tàu Bưởi” là lần đầu tiên ở Việt Nam, cụ Bạch đã đưa ca nhạc vào việc quảng cáo. Như sau cụ cả trăm năm, con cháu đưa các ca sĩ nổi tiếng và các ban nhạc đình đám vào quảng cáo sản phẩm trên tivi, trên Youtube, Tiktok… ngày nay.

Cụ Bưởi đã tập hợp một số nhóm hát xẩm có tiếng tăm nhất ở một số đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, trả lương cho họ, để đưa hát xẩm lên tầu hát giải trí cho khách. Lời các bài hát xẩm có nội dung kêu gọi tình đồng bào, tương hỗ giúp đỡ nhau, kèm với những ca từ quảng cáo hãng tàu Bưởi một cách rất nhẹ nhàng và dễ đi vào lòng khách hành.

Hãy nghe một bài xẩm trên tàu Bưởi của cụ Bạch Thái Bưởi, để thấy cụ Bạch đã nâng nghiệp vụ quảng cáo lên mức nghệ thuật theo cả nghĩa đen và bóng của từ đó thế nào:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu...”

Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 5

Nghệ thuật quảng cáo của cụ Bạch là “nhằm trực diện” vào nơi sâu thẳm của trái tim mỗi khách hàng: lòng yêu nước và tự hào dân tộc.  Nhận định về cụ Bạch Thái Bưởi, hội Khai Trí Tiến Đức cho rằng: “Cụ là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của Cụ đáng phô bày cho quốc dân, sự nghiệp của Cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”.

Những “bậc trượng phu nơi thương trường” như cụ Bạch nay còn đâu? Khắp nơi chỉ rặt bọn tiểu nhân hàng xén chiếm đất, phá rừng, lấn biển của giang sơn gấm vóc, khắp nơi là những lô kít test Việt Á, là bán chui cổ phiếu, là bỏ giá viết “tâm thư” chạy lấy người, là “giải cứu” đồng bào với giá vé đắt 5-7 lần giá trị thực.

Kể ra chẳng xiết những “tư bản tiểu nhân” và càng thương tiếc những nhà tư sản dân tộc yêu nước thương nòi như cụ Bạch, những người không mong tài sản của riêng mình có bao nhiêu, được xếp hạng mấy của Fobes, mà chỉ đêm ngày tận tâm tận lực mong sao cho dân giàu nước mạnh, thịnh vượng, an khang!

Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 6

VnEconomy 26/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Người đầu tiên ở Việt Nam dùng ca nhạc trong quảng cáo - Ảnh 7