"Trong giai đoạn vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chủ quản làm về lĩnh vực an toàn thông tin đã có những chính sách tốt về thị trường cũng như khuyến khích các công ty trong việc phát triển. Chúng ta có Luật An ninh mạng, một loạt các thông tư nghị định, hướng dẫn, những quy chuẩn về những dịch vụ, sản phẩm. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì từ trước đến nay chưa từng có. Có thể nói, chính sách phát triển công nghiệp an ninh mạng hiện nay của Việt Nam cũng đã sát sườn hỗ trợ doanh nghiệp như các nước khác trong khu vực.
Ngoài ra, câu chuyện thúc đẩy phát triển ngành an ninh mạng phải từ hai phía. Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý cũng như ban hành các định hướng để giúp cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng nhất là bản thân nội tại của doanh nghiệp. Từ những chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước thì doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng đội ngũ phát triển của mình.
Về việc xây dựng thương hiệu, ngay từ những ngày đầu phát triển phần mềm diệt virus, Bkav đã có những chứng chỉ chất lượng cách đây hơn 10 năm. Chứng chỉ đánh giá kiểm định về phần mềm diệt virus. Đấy là thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xâm nhập thị trường nước ngoài thì cần phải có thương hiệu quốc gia. Thời gian qua, Bkav đã tổ chức các cuộc thi an ninh mạng quy mô thế giới hay công bố những nghiên cứu trên phạm vi thế giới. Điều đó cũng phần nào đóng góp xây dựng thương hiệu quốc gia về lĩnh vực an ninh mạng cho Việt Nam.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ là trung tâm kết nối các doanh nghiệp để chúng ta tạo ra được sức mạnh tổng hợp, cùng xây dựng thương hiệu quốc gia. Đây cũng là một trong những yếu tố để giúp chúng ta xây dựng chiến lược Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng".
"Cơ chế chính sách làm sao để chúng ta phát triển nền công nghiệp an toàn thông tin, mục tiêu trở thành cường quốc an ninh mạng, nằm trong Top 10 các quốc gia giỏi về an ninh mạng thì không phải dễ làm. Để phát triển nền công nghiệp nào đó, chúng ta tập trung vào ba yếu tố: ngân sách, thị trường sản phẩm và nhân lực.
Hơn lĩnh vực nào khác, lĩnh vực an toàn thông tin đòi hỏi phải có người giỏi, người tài. Đối với người giỏi người tài, có hai yếu tố tranh luận khá nhiều là đào tạo và đãi ngộ. Quan điểm của tôi là người tài rất khó đào tạo. Quan trọng, chúng ta sử dụng họ thì chúng ta mới giữ được người tài. Đãi ngộ tốt thì doanh nghiệp mới có người tài tham gia vào lĩnh vực đó. Vì vậy, cần phải có cơ chế sử dụng người làm về an toàn thông tin, làm sao cho họ có thể sống được, làm việc được, chuyên tâm trong lĩnh vực đó.
Mặt khác, chúng ta đang sống trong thời bình, phát triển kinh tế. Quan điểm của tôi là làm về an toàn thông tin để phục vụ cho đời sống hàng ngày, phục vụ cho kinh doanh. Để phục vụ cho kinh doanh cần phải nhớ đến vấn đề “cost effective” (chi phí hiệu quả). Chúng ta không thể đầu tư một cửa rất xịn để bảo vệ chiếc xe đạp. Phải Cost Effective!".
"Để trở thành cường quốc về an ninh mạng, trước hết cần đẩy mạnh bức tranh an toàn thông tin, năng lực phòng ngự của các tổ chức cũng như nguồn lực an toàn thông tin trong nước. Cùng với đó là cần làm sao đưa bức tranh an toàn thông tin Việt Nam ra thế giới cũng như khu vực thông qua các giải pháp sản phẩm. Ngoài ra, cần có giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, các đơn vị nước ngoài thành lập đơn vị nghiên cứu, phòng lab ở Việt Nam.
Theo tôi, thị trường là vấn đề quan trọng. Còn về yếu tố làm chủ công nghệ, đội ngũ chuyên gia Việt Nam có nhiều kinh nghiệm có thể thích ứng và đáp ứng được nhưng vấn đề quan trọng là nguồn lực.
Vấn đề về bài toán nguồn lực, tôi cho rằng cần có giải pháp làm thế nào thu hút các đơn vị, nguồn lực nước ngoài hội tụ ở Việt Nam, từ đó mới có thể xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam cũng như có các cơ chế cho những doanh nghiệp an toàn thông tin nước ngoài muốn làm việc, phát triển ở Việt Nam. Trên cơ sở đó kéo theo nguồn lực an ninh mạng sẽ đi lên và phát triển bền vững, lâu dài.
Dưới góc độ một doanh nghiệp phát triển các sản phẩm về an toàn thông tin, tôi cho rằng để tạo ra một sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin và đưa ra thị trường cả trong nước cũng như hướng tới thị trường quốc tế là bài toán tương đối gian nan.
Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng nếu có thể, doanh nghiệp mong có thêm những chính sách ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy lớn hơn nữa về thuế, đầu tư, về nguồn lực… từ các bộ ngành khác ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan làm về an ninh mạng. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm, giải pháp an ninh mạng ra thị trường quốc tế.
Bản thân doanh nghiệp chúng tôi có vốn đầu tư từ nước ngoài (Nhật Bản). Do đó, chúng tôi mong muốn có thể có chính sách để các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có những ưu đãi, thuận lợi hơn trong hoạt động. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy các đơn vị này đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp về mặt nguồn lực để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển hơn".
"Tôi đã từng phỏng vấn gần 200 bạn tuyển dụng về an toàn thông tin và nhận được phản hồi rằng, chỉ 50% sinh viên trường đại học chuyên đào tạo an toàn thông tin làm về an toàn thông tin trong năm đầu tiên. Sang năm thứ 3-4 thì số lượng lại giảm nữa.
Đội ngũ chuyên gia của Việt Nam so với 5 năm trước đã khác biệt rất nhiều, trưởng thành cả về số lượng cũng như chất lượng. Có nhiều chuyên gia Việt Nam đang đứng top các bảng xếp hạng chuyên môn sâu về an toàn thông tin.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung về công nghệ thông tin thì đãi ngộ về an toàn thông tin chưa được tương xứng, có sự khác biệt về mặt thu nhập. Những người làm an ninh mạng trong khối nhà nước có thu nhập chưa tốt so với mặt bằng chung của lĩnh vực, cũng như chưa tốt so với mức độ quan trọng của nhiệm vụ họ cần hoàn thành.
Khi đó, thay vì nghiên cứu sâu thêm về an toàn thông tin thì nhiều bạn sinh viên đi học một lĩnh vực khác nhanh hơn, thu nhập cao hơn, đi làm việc trong lĩnh vực phần mềm, kiểm thử phần mềm...
Bên cạnh đó, Việt Nam phải cải tiến mức độ nhận thức về an toàn thông tin cho người dân. Thực tế, Việt Nam là trong những quốc gia có người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới nhưng nhận thức của người dân về an toàn thông tin lại không đồng đều.
Tại Singapore, nhận thức an toàn thông tin rất cao nên người dân tự bảo vệ rất tốt cho bản thân trước các đợt tấn công mạng. Còn ở Việt Nam, theo thống kê trong năm 2021, thiệt hại của người dùng từ các đợt tấn công mạng lên tới hơn 1 tỷ USD.
Tôi cho rằng mức độ phòng thủ an toàn an ninh mạng của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nhóm chuyên gia của quốc gia đó. Do đó, tôi mong muốn năng lực quốc phòng an ninh mạng phải được đưa vào chiến lược chung.
Hiện Việt Nam đã có một chiến lược chung về quốc phòng toàn dân. Tôi nghĩ cũng là việc hay nếu áp dụng nó cho an ninh mạng.
Ngoài ra, Việt Nam muốn trở thành cường quốc về an ninh mạng thì Nhà nước cần có những hoạt động, tổ chức xúc tiến thương mại riêng biệt về an toàn thông tin.
Tôi mong Việt Nam sẽ có nhiều người làm thực sự về an ninh mạng, nghiên cứu bài bản, tạo ra các sản phẩm nghiêm túc. Chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về an ninh mạng, ít nhất là lọt vào Top 10 thế giới".
VnEconomy 27/04/2022 07:00
07:00 27/04/2022