Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về kết quả sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng qua?
Trong 10 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 10/2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022. Trong đó, nhóm nông sản 2,47 tỷ USD, tăng 31,1% so với tháng 10/2022; chăn nuôi 40 triệu USD, tăng 6%; lâm sản 1,28 tỷ USD, giảm 0,2%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 5,9%; đầu vào sản xuất 162 triệu USD, giảm 12,3%.
Lũy kế 10 tháng của năm 2023, do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thủy sản 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào sản xuất 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, nông sản 21,94 tỷ USD, tăng 17% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%; gạo 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; hạt điều 2,92 tỷ USD, tăng 14,8%) và sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%.
Về thị trường trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 21,13 tỷ USD, tăng 5,7%; châu Mỹ 9,74 tỷ USD, giảm 20,6%; châu Âu 4,5 tỷ USD, giảm 11,8%; châu Phi 910 triệu USD, tăng 21,6%; châu Đại Dương 641 triệu USD, giảm 17,2%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.
Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn năm nay, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong 3 quý năm 2023, ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%. Cùng với đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng cũng đạt cao, khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.
Năm nay, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo được đánh giá là “điểm sáng” của ngành nông nghiệp nói riêng và của cả nước nói chung. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ đã có những giải pháp gì để có kết quả này?
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới, như mặt hàng gạo.
Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, xây dựng và phát hành bản tin sản xuất và tiêu thụ nông sản trong nước hàng tháng phục vụ Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản; cung cấp bản tin cho các cơ quan truyền thông; hỗ trợ cung cấp thông tin, hoạt động, sự kiện về thị trường nông sản cho các đơn vị liên quan. Hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu hàng nông sản sang Chilê, xuất khẩu gạo sang Venezuela.
Thứ trưởng nhận định như thế nào về tình hình xuất khẩu nông sản 2 tháng cuối năm?
Dự báo trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm.
Đối với mặt hàng gạo, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để xuất khẩu. Kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022. Về cơ sở chớp cơ hội thị trường, giống lúa Việt Nam đạt 85%, gạo đạt 89% chất lượng cao, các vụ lúa gạo chỉ canh tác trong 3 tháng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thúc đẩy mở rộng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông và vụ Đông Xuân, bảo đảm thắng lợi mùa vụ để tăng sản lượng gạo cho xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu 7,8- 8 triệu tấn gạo năm nay, kim ngạch trên 4,5 tỷ USD.
Theo dự tính, trong 2 tháng còn lại của năm, nếu mỗi tháng ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 5 tỷ USD thì cả năm sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD, đúng mức Thủ tướng Chính phủ giao.
Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ được Bộ triển khai trong thời gian tới?
Đối với đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm ,thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ có những chuyển đổi như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Toàn ngành nông nghiệp đang tiếp tục tái cơ cấu, ngày càng đi vào chiều sâu, tư duy kinh tế nông nghiệp đã “bắt rễ” vào trong sản xuất. Điều đó được thể hiện ở việc trước đây người sản xuất mang ra thị trường những gì mình có, nay đang chuyển sang bán cái thị trường cần.
Thực tế cho thấy, chỉ có con đường sản xuất theo chuỗi giá trị mới nâng cao được giá trị sản phẩm, gắn với chế biến sâu. Chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm đạt chuẩn một cách bài bản từ các vùng nguyên liệu, công khai minh bạch quy trình canh tác; nâng cao giá trị gia tăng thông qua sơ chế, chế biến; đồng thời xây dựng, lan tỏa thương hiệu đến người tiêu dùng.
Thực thi các giải pháp để thực hiện cam kết của Thủ trướng Chính phủ tại COP 26 rằng Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành đề xuất chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi theo cam kết COP26. Cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu.
Để hội nhập trong kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam đang và sẽ có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng xây dựng những chính sách quản lý sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, nhấn mạnh vào hai ngành có lượng thải carbon lớn của Việt Nam là chăn nuôi và trồng lúa.
VnEconomy 07/11/2023 17:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2023 phát hành ngày 06-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam