Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản chính cho kinh tế thế giới năm 2022 là sự phục hồi tiếp tục diễn ra, với áp lực giá cả dịu đi và chính sách tiền tệ dịch chuyển khỏi các biện pháp khẩn cấp thời đại dịch. Tuy nhiên, có một số rủi ro khiến kịch bản này có thể không trở thành hiện thực.
Biến chủng Omicron của Covid-19, Fed nâng lãi suất, khủng hoảng ở “gã khổng lồ” địa ốc Trung Quốc Evergrande, vấn đề Đài Loan, một đợt vốn khỏi các thị trường mới nổi, ảnh hưởng của Brexit, một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực sử dụng đồng Euro, giá lương thực-thực phẩm leo thang… Tất cả hợp thành một bức tranh có nhiều gam màu u ám của kinh tế thế giới trong năm tới.
Dĩ nhiên, một số câu chuyện cũng có thể diễn biến theo chiều hướng tốt hơn dự báo. Chẳng hạn, các chính phủ có thể quyết định giữ nguyên các biện pháp hỗ trợ tài khoá. Kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc có thể kích thích đầu tư mạnh hơn. Tiền tiết kiệm trong đại dịch có thể mở đường cho sự bùng nổ hoạt động mua sắm trên toàn cầu…
Kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, công tác dự báo trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều dự báo đưa ra đã không trở thành hiện thực, nhưng không vì thế mà các chuyên gia ngừng dự báo. Dưới đây là 9 rủi ro đối với kinh tế thế giới trong năm 2022.
Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà khoa học chưa đưa ra được kết luận về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy biến chủng này lây lan nhanh hơn so với các biến chủng cũ, nhưng cũng có thể ít nguy hiểm hơn. Nếu thực sự Omicron có khả năng gây bệnh nặng và tử vong thấp hơn biến chủng Delta, thế giới có thể sớm được quay trở lại với cuộc sống bình thường như trước đại dịch, đồng nghĩa với việc người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ. Từ khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng đã phải từ bỏ những thói quen như tập gym hay đi ăn ở nhà hàng, và thay vào đó mua hàng hoá nhiều hơn. Theo Bloomberg Economics, việc cân bằng chi tiêu trở lại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 5,1%, so với mức tăng 4,7% mà kịch bản chính mà tổ chức nghiên cứu này đưa ra.
Tuy nhiên, thế giới cũng có thể không được may mắn như vậy trong năm tới. Nếu biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn Delta, đó sẽ là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong trường hợp thế giới phải tái áp những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất của năm 2021 trong vòng 3 tháng – một hướng đi mà một số nước như Anh đã bắt đầu áp dụng – thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 sẽ chỉ đạt 4,2%.
Trong trường hợp như vậy, nhu cầu sẽ suy yếu và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tiếp diễn. Tháng 12 này, thành phố Ninh Ba của Trung Quốc, nơi có một trong số những cảng biển đông đúc nhất thế giới, đã phải áp lệnh phong toả trở lại.
Vào đầu năm 2021, Mỹ dự báo sẽ kết thúc năm với mức lạm phát 2%. Tuy nhiên, lạm phát ở nước này rốt cục lên tới gần 7% trong tháng 11 vừa qua. Một lần nữa, mức dự báo bình quân của giới chuyên gia về lạm phát ở Mỹ trong năm 2022 là giảm về gần mức mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đề ra. Nhưng dự báo rất có thể sẽ tiếp tục sai.
Biến chủng Omicron chỉ là một ẩn số có thể khiến dự báo về lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ không trở thành hiện thực. Tiền lương nhân công ở nước này đang tăng mạnh và có thể leo thang cao hơn. Căng thẳng giữa Nga với Ukraine có thể đẩy giá khí đốt tăng vọt. Biến đổi khí hậu có thể dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan và giá lương thực-thực phẩm sẽ tiếp tục đi lên.
Nhưng mặt khác, một làn sóng virus mới cũng có thể khiến hoạt động đi lại giảm sút, kéo giá dầu xuống. Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, tổng ảnh hưởng sẽ là một cú sốc tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao (stagflation), đặt Fed và các ngân hàng trung ương khác vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong chính sách tiền tệ.
Lịch sử gần đây cho thấy những lần thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, gồm cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào năm 2013 và nâng lãi suất vào 2018, đều gây ra những đợt bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu. Rủi ro lần này còn cao hơn vì giá các tài sản, đặc biệt là giá cổ phiếu ở Mỹ, đã bị đẩy lên mức cao. Chỉ số S&P 500 đang ở gần ngưỡng bong bóng, giá nhà ở Mỹ cũng liên tục leo thang, cho thấy rủi ro đang bị đẩy lên mức cao hơn so với ở bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn hồi năm 2007.
Theo mô hình dự báo của Bloomberg, nếu Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022 và phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng cho tới khi lãi suất đạt 2,5%, hệ quả sẽ là một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ bắt đầu từ năm 2023.
Fed nâng lãi suất có thể đồng nghĩa với một cú “hạ cánh cứng” đối với các thị trường mới nổi. Lãi suất ở Mỹ tăng thường kéo theo đồng USD tăng giá và dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi, thậm chí là dẫn tới khủng hoảng tiền tệ tại các nước này.
Theo Bloomberg, một số quốc gia mới nổi dễ tổn thương hơn các nước khác trong vấn đề này. Năm 2013 và 2018, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước hứng tổn thất nhiều nhất. Thêm Brazil và Ai Cập, đây sẽ là nhóm BEAST – nhóm 5 nền kinh tế nhiều rủi ro nhất khi Fed thắt chặt tiền tệ trong 2022.
Saudi Arabia, Nga và Đài Loan, những nền kinh tế có ít nợ và cán cân tài khoản vãng lai, có vẻ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trong trường hợp các dòng vốn chảy mạnh khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Trong quý 3/2021, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh. Cuộc khủng hoảng thanh khoản trong ngành bất động sản nước này mà tâm điểm là Evergrande, những đợt phong toả chống Covid liên tiếp, và khủng hoảng năng lượng khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì tăng 5,2% như dự báo của giới phân tích và so với mức tăng 7,9% của quý 2. Nếu xu hướng tăng trưởng như quý 3 kéo dài trong 1 năm, thì mức tăng trưởng cả năm đó của kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 6% mà thế giới vốn quen ở nền kinh tế nước này.
Khủng hoảng năng lượng có thể dịu đi trong năm 2022, nhưng hai vấn đề còn lại của kinh tế Trung Quốc thì không. Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc có thể đồng nghĩa những đợt phong toả mới để chống biến chủng Omicron. Và với nhu cầu yếu và nguồn vốn thắt chặt, phát triển bất động sản – lĩnh vực chiếm khoảng 25% nền kinh tế Trung Quốc – có thể giảm sâu hơn.
Kịch bản cơ sở mà Bloomberg Economics đưa ra là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,7% trong 2022. Nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm còn 3%, cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng: các nước xuất khẩu hàng hoá cơ bản sẽ thiếu khách mua, kế hoạch chính sách tiền tệ của Fed có thể phải chuyển hướng, tương tự như khi xảy ra cú sốc sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015.
Sự đoàn kết của các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) và nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm giữ lãi suất vay vốn của chính phủ trong khu vực trong tầm kiểm soát đã giúp nền kinh tế châu lục chống chọi với cuộc khủng hoảng Covid. Nhưng trong năm 2022, cả hai yếu tố này có thể suy yếu.
Cuộc đua giành ghế Tổng thống ở Italy vào tháng 1 có thể đảo lộn liên minh chính trị vốn đang mong manh ở Rome. Cử tri Pháp sẽ đi bầu cử vào tháng 4, trong bối cảnh Tổng thống Emmanuel Mcron đối mặt thách thức từ phía cánh hữu. Nếu giới hoài nghi đồng Euro có sức mạnh ngày càng lớn tại các nền kinh tế chủ chốt của khối đồng tiền chung (Eurozone), thị trường trái phiếu châu Âu có thể biến động và khiến ECB mất đi sự hậu thuẫn chính trị cần thiết để can thiệp.
Trong trường hợp “Sovereign Spread” - chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ một quốc gia nào đó với lợi suất trái phiếu chính phủ một nước có định hạng tín nhiệm cao nhất AAA – tăng thêm 300 điểm cơ bản, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng nợ vào thập kỷ trước của châu Âu, mô hình của Bloomberg Economics cho thấy sản lượng kinh tế của khối Eurozone trong năm 2022 sẽ thiệt hại 4%. Điều này đồng nghĩa với suy thoái và làm dấy lên những mối lo về khả năng tồn tại của liên minh này.
Đàm phán giữa Anh và EU về vấn đề Bắc Ireland – nỗ lực nhằm đạt tới một mục tiêu được cho là bất khả thi gồm đường biên giới trên bộ mở và liên minh hải quan đóng – dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2022. Việc đạt thoả thuận trong cuộc đàm phán này là rất khó.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đàm phán đổ vỡ? Dựa trên những gì đã xảy ra trong các đợt biến động trước đây của tiến trình Brexit, bất ổn sẽ cản trở hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, gây mất giá đồng Bảng, đẩy lạm phát tăng mạnh và làm suy giảm thu nhập thực tế của người Anh. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại giữa Anh với EU, thuế quan và tắc nghẽn giao thông có thể đẩy giá cả tăng cao hơn.
Các chính phủ trên thế giới đã chi mạnh tay để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kể từ khi xảy ra đại dịch. Giờ là lúc nhiều chính phủ cảm thấy cần phải thắt lưng buộc bụng. Mức cắt giảm chi tiêu công trong năm 2022 có thể tương đương với khoảng 2,5% GDP toàn cầu, tức là lớn gấp 5 lần so với các biện pháp thắt chặt gây giảm tốc sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, theo ước tính của Ngân hàng UBS.
Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ. Chính phủ Nhật Bản đã công bố một gói kích cầu kỷ lục nữa và Chính phủ Trung Quốc đã phát tín hiệu dịch chuyển theo hướng hỗ trợ nền kinh tế sau một thời kỳ dài hạn chế chi tiêu.
Tại Mỹ, chính sách tài khoá từ chỗ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã chuyển sang cản trở tăng trưởng từ quý 2/2021, theo phân tích của Viện Brookings. Xu hướng này có thể tiếp tục trong năm tới, cho dù các kế hoạch chi tiêu cho chăm sóc trẻ nhỏ và năng lượng sạch của Tổng thống Joe Biden có thể giúp cân bằng trở ngại này nếu được Quốc hội thông qua.
Nạn đói luôn là một nguyên nhân gây bất ổn xã hội hàng đầu trong lịch sử thế giới. Sự kết hợp giữa ảnh hưởng của Covid và thời tiết xấu đã đẩy giá lương thực-thực phẩm toàn cầu lên gần mức kỷ lục trong năm nay, và có thể tiếp tục tăng trong năm tới. Cú sốc giá lương thực-thực phẩm gần đây nhất xảy ra vào năm 2011 đã dẫn tới một làn sóng biểu tình ở nhiều nước, nhất là ở khu vực Trung Đông. Nhiều nước Trung Đông hiện nay vẫn đang đối mặt với nguy cơ tái diễn cú sốc như vậy.
Sudan, Yemen, và Lebanon là những nước đang đương đầu áp lực về giá lương thực-thực phẩm, và đối mặt rủi ro lớn không kém so với hồi năm 2011, thậm chí là lớn hơn. Ai Cập là nước duy nhất có tình hình khá hơn một chút.
Những cuộc nổi dậy dân tuý thường không bó hẹp trong một phạm vi nhất định, mà thường có nguy cơ lan rộng, gây bất ổn trong toàn khu vực.
Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan gia tăng, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xấu đi thêm. Trong trường hợp căng thẳng với Bắc Kinh khiến ngành sản xuất con chip của Đài Loan gặp trở ngại, chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm từ smartphone cho tới ô tô sẽ gián đoạn nghiêm trọng.
Brazil dự kiến sẽ bầu cử tổng thống vào tháng 10, trong bối cảnh đại dịch hoành hành và nền kinh tế suy thoái sâu. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập đang gây sức ép đòi tổ chức bầu cử trong năm 2022 thay vì 2023, giữa lúc đồng Lira mất giá chóng mặt mà nguyên nhân được cho là các chính sách kinh tế bất hợp lý của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
VnEconomy 22/12/2021 06:00