Nhiều người đặt câu hỏi tại sao năm 2021, ngành tài chính giành thắng lợi khi thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 16,4% và tăng 3,7% so với năm ngoái, bất chấp tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,58%. Nhưng nội lực của nền kinh tế thể hiện qua chỉ tiêu thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt 14,5% dự toán và tăng 11,3% so với năm ngoái. Điều này thể hiện sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế.
Bước sang năm 2022, ngành tài chính cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách và các nhiệm vụ khác được giao. Đặc biệt, tập trung chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Hiện nay, Bộ Tài chính triển khai hoá đơn điện tử có mã giai đoạn 1 tại 6 địa phương lớn có số lượng người nộp thuế chiếm 60% so toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so toàn quốc. Sau hơn một tháng triển khai tiếp nhận hơn 4 tỷ hóa đơn, đạt trên 90% kế hoạch. Chính điều này sẽ thúc đẩy cho tăng thu ngân sách. Trong quý 1 sẽ triển khai 47 tỉnh, thành khác, tôi đề nghị lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm, để đến ngày 1/7 năm nay, toàn bộ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện 100% hóa đơn điện tử có mã xác thực, chống thất thu ngân sách, chống gian lận trục lợi thuế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử. Đáng lưu ý, tăng cường chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Thứ nhất, hiện có “lỗ hổng” gây thất thoát nguồn thu từ đất. Mặt khác, nếu không nộp tiền vào ngân sách, khi khiếu kiện rất khó giải quyết. Thứ hai, hạn chế tối đa thu tiền thuê đất một lần vì vừa gây thiệt hại cho Nhà nước, vừa khiến kinh tế phát triển thiếu bền vững. Nếu thu tiền thuê đất 50, 70 năm một lần thì những nhiệm kỳ sau không còn gì để thu nữa.
Bức tranh tài chính, ngân sách năm 2021 tiếp tục có những điểm sáng tối đan xen. Đề cập đến những tồn đọng năm vừa qua của ngành tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ hàng loạt vấn đề.
Đó là, nợ thuế có xu hướng tăng. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm. Đầu tư công nhiều vướng mắc. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến 50% không có tài sản thế chấp nên cần thanh tra, kiểm toán phải vào cuộc chấn chỉnh ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán tăng nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro do quản lý chưa tốt. “Công tác tham mưu còn hạn chế, nhất là dự báo, tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo cụ thể hơn, theo Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước. Ước đến hết 31/12/2021, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi năm 2020 đạt 82,66%. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn ngân sách, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Bên cạnh đó, ước tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý là 104.042 tỷ đồng, tăng mạnh 9,3% so với thời điểm cuối năm 2020. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2021 hiện ở mức 10,1%.
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm cuối năm 2021 là 91.742 tỷ đồng, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2021 ở mức 8,9%. Đáng lưu ý, 33/63 địa phương không đạt chỉ tiêu nợ thuế.
Đáng quan ngại, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra.
Đến cuối năm 2021, mới thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 1.401 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch. Đây là kết quả rất thấp so với dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước trong năm nay lên tới 40.000 tỷ đồng.
Dù còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, tuy nhiên, điểm sáng nổi bật của ngành tài chính năm 2021 là thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt khó về đích sớm. Ước thu ngân sách nhà nước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán, tương ứng vượt 219,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.
Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2021 cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP.
Bên cạnh đó, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, nâng cao định mức tín nhiệm quốc gia. Tăng cường quản lý giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và dịch vụ tài chính. Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,58%, nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V, lạm phát được kiểm soát tạo điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác được điều hành đồng bộ, linh hoạt, tập trung vào các lĩnh vực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, thu ngân sách vượt dự toán, tập trung sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn lực theo quy định đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo yêu cầu quốc phòng an ninh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đạt được kết quả đó có đóng góp quan trọng của ngành tài chính.
Năm 2022, dự báo tình hình kinh tế - xã hội có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Trong thời gian tới, ngành kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính đề xuất tham mưu kịp thời, hiệu quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế chính sách trong điều hành quản lý kinh tế vĩ mô, ngân sách nhà nước, các giải pháp về huy động nguồn lực phục hồi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt là phối hợp thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua.
Phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục tồn tại trong thời gian qua, Bộ Tài chính đặt ra 8 mục tiêu trọng tâm để thực hiện thành công nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2022.
Cụ thể, một là, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền và triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu.
Đồng thời, tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh,... phát sinh. Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công, chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định.
Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh xây dựng chính phủ số.
Ba là, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.
Bốn là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước.
Năm là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả.
Sáu là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, tài sản công, đất đai, tài nguyên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ hàng hóa có hiệu quả.
Bảy là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Tám là, tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây biến động giá bất thường.
VnEconomy 02/02/2022 13:00