Hơn 8 tháng phải đóng cửa và dừng hoạt động cụm rạp chiếu phim tại TP.HCM vì đại dịch Covid-19, doanh số của BHD Star giảm hơn 80% so với giai đoạn trước dịch. Cho dù phải thực hiện chính sách làm việc luân phiên và cắt giảm 70% chi phí tiền lương, áp lực tài chính mà BHD Star phải đối mặt vẫn còn rất lớn.
“Trong bối cảnh này, giải pháp mà Ban lãnh đạo BHD đặt ra là cầm cự để vượt qua khó khăn. Vì vậy, cùng với nguồn vốn tự xoay sở từ Ban lãnh đạo, BHD đã chủ động thương lượng với các chủ đất, nhà băng và đối tác… để miễn, giảm, hoãn các khoản phải trả, nghĩa là làm bất cứ giải pháp nào miễn sao đỡ được gánh nặng tài chính đang đè nặng lên công ty khi 8 tháng ròng không có nguồn thu”, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Marketing Cụm rạp chiếu phim BHD Star cho biết.
Đến giờ, dù đã bước qua “lằn ranh” nguy hiểm khi những khó khăn tài chính được giải tỏa, đại diện BHD Star vẫn chưa thể tưởng tượng được rằng công ty sẽ đi tiếp như thế nào nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục đóng cửa hết năm 2021. “Chắc chắn, chúng tôi sẽ gục ngã, không thể trụ lại để chờ đợi cơ hội phục hồi trong năm 2022”, ông Minh ngậm ngùi.
Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, một số cụm rạp đã mở lại. Nhưng theo tính toán của BHD Star, công ty phải mất từ sáu tháng đến một năm mới có thể quay trở lại trạng thái trước đại dịch, nhất là khi nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, Huế… vẫn chưa cho phép rạp chiếu phim được hoạt động. “Thách thức vẫn ở phía trước khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường”, ông Minh nhận định.
Không riêng BHD, những khó khăn mà doanh nghiệp TP.HCM phải đối mặt trước sự “càn quét” của đợt dịch Covid-19 thứ tư là cực kỳ khủng khiếp và chưa từng có tiền lệ. Hàng nghìn doanh nghiệp đã không thể trụ vững, buộc phải rời bỏ thị trường và cuộc chơi.
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong năm 2021, cả nước có 119,83 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, tăng 17,8% so với năm 2020.
Tính riêng TP.HCM, đã có 31,66 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể (chiếm 26,4% số doanh nghiệp rút lui của cả nước). Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (15,62 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,2% so với năm ngoái và chiếm 28,4% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước). Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn có tâm lý “đóng băng” doanh nghiệp, chờ đợi thời điểm thích hợp để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.
Trái ngược với gam màu xám chủ đạo của bức tranh chung về doanh nghiệp TP.HCM năm 2021, một số doanh nghiệp vẫn tìm thấy cơ hội trong bối cảnh Covid-19 bùng phát dữ dội.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh - công ty có kinh nghiệm 20 năm xuất khẩu về hồ tiêu, cà phê và nhiều loại nông sản khác - cho biết dù năm 2021 tiếp tục chịu tác động của Covid-19 tới nền kinh tế nhưng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Sinh tại thị trường nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, doanh số các sản phẩm bán trong nước năm 2021 ước tính tăng 50% so với năm 2020 lên mức 100 tỷ đồng trong khi mảng xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng ấn tượng hơn so với các năm 2019 và 2020.
Để có thành công trong gian khó này, theo ông Thông, là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước bằng sản phẩm chất lượng cao, thiết kế đẹp mắt và kênh bán hàng tiện lợi với người tiêu dùng. Sau 20 năm đem “hàng ngon” xuất khẩu, khách nước ngoài đến Việt Nam thắc mắc không tìm thấy nông sản ngon như hàng họ mua về, Phúc Sinh quyết định đưa hàng chất lượng cao nhất về thị trường nội địa bằng cách phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn cao nhất thế giới, sang trọng và bắt mắt.
Còn theo ông Vũ Lâm Chí Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ đầu tư DOM Capital, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chứng khoán và bất động sản trở thành những ngành đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Nhờ đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cũng được thu lời.
“Sau giai đoạn đóng cửa nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp có tâm lý bán tháo tài sản vào các tháng 11-12/2021 để bù đắp thanh khoản do thiếu hụt nguồn tiền. Trong khi đó, nhà đầu tư có tiềm lực lại đẩy mạnh gom hàng để bảo toàn tài sản trước rủi ro lạm phát và khủng hoảng. Vì vậy, kinh doanh bất động sản trở nên đặc biệt sôi động ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam trong khoảng vài tháng trở lại đây”, ông Đức nói.
Bình luận về tình trạng doanh nghiệp trong năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lưu ý rằng trong bức tranh doanh nghiệp 2021 xen lẫn những gam màu xám biểu hiện cho những con số về tạm ngừng hoạt động và giải thể, thì vẫn nổi lên những đốm sáng là những doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19 thành công nhờ tận dụng cơ hội tốt và tìm được hướng đi riêng.
Đặc biệt, với việc mở cửa trở lại nền kinh tế và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của người dân tăng mạnh, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào triển vọng năm 2022. Khảo sát doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 4/2021 của Tổng cục Thống kê, cho thấy 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý 1/2022 sẽ tốt lên so với quý 4/2021; 36,1% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 18,3% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Ngay cả với BHD Star, dù vẫn đang ở “vùng vàng” báo động về dòng tiền (thay vì “vùng xanh” như thời kỳ trước đại dịch), công ty vẫn đặt mục tiêu khai trương Cụm rạp chiếu phim Sa La (quận 2, TP.HCM) vào cuối năm 2022 cho dù kế hoạch này phải lùi lại một năm vì Covid. “Chúng tôi lạc quan về triển vọng của nền kinh tế cũng như nhu cầu xem phim của người dân khi dịch bệnh dần được kiểm soát”, ông Minh cho hay.
Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến bức tranh kinh tế - xã hội nói chung và bức tranh doanh nghiệp nói riêng của TP.HCM có ít điểm sáng, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của thành phố lần đầu tiên trong lịch sử giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và các địa phương.
Vì vậy, TP.HCM đã bắt tay vào khôi phục kinh tế, phấn đấu lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của khu vực phía Nam cũng như cả nước. “Trong kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế thành phố, TP.HCM gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển y tế và chiến lược an sinh xã hội”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Theo đó, trong năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung khắc phục hệ lụy, khôi phục gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi ổn định sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm, tập trung an sinh xã hội… trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Còn theo ông Phan Minh Thông, do dịch bệnh kéo dài và chưa kết thúc nên năm 2022, tình hình kinh doanh sẽ còn khó khăn, số doanh nghiệp phá sản và tạm dừng kinh doanh có thể tiếp tục tăng lên. Ở mảng kinh doanh nội địa dự báo cũng khó khăn do áp lực lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp phải xây dựng các kịch bản để thích ứng phù hợp với thực tế.
Và để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn, ông Thông mong muốn được ngân hàng tiếp tục cho vay kinh doanh chuyển khẩu và việc thanh toán dễ dàng hơn nhằm giúp doanh nghiệp mua hàng từ nước này bán cho nước kia, thậm chí mua lại các lô hàng từ Việt Nam của đối tác rồi bán cho các khách hàng của mình ở châu Âu và Mỹ cũng được chấp nhận dễ dàng.
“Sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị “bào mòn” sau 2 năm chống chịu với đại dịch. Những doanh nghiệp của TP.HCM đã trụ lại và tiếp tục hoạt động cần được hỗ trợ để đi nhanh hơn và mạnh hơn”, ông Thông bày tỏ.
VnEconomy 01/02/2022 13:00