Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 1

76 năm sau ngày giành độc lập, nước ta lại đối mặt với một khó khăn, thách thức mới. Lần này là Covid-19, kẻ thù giấu mặt nhưng gây tổn thất về người và thiệt hại kinh tế chưa thể đong đếm hết. Cũng như mọi cuộc chiến, khi có sự đồng lòng của cả dân tộc, Việt Nam sẽ chiến thắng.

Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 2
Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 3

Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Cứu Quốc: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Bà Ngô Thị Hoàn, một người Hà Nội kể lại: “Lúc đó tôi mới 10 tuổi, trong đội nhi đồng, được đi theo chiếc xe của cụ Ngô Tử Hạ (đại biểu Quốc hội khóa thứ nhất) đánh trống, phất cờ, hô khẩu hiệu để vận động đồng bào cứu đói. Cụ Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe qua phố Tràng Tiền. Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền.

Đi chưa hết một vòng Bờ Hồ thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát Lớn gặp Bác Hồ, cụ Ngô Tử Hạ chỉ cho Bác xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô, lại có nhà thêm mấy ống đỗ. Bác Hồ nói: “Đấy mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon, nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất...”. Cùng với việc vận đồng nhân dân chung tay giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng”. Người nói “…muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào, nhưng chúng ta cũng cần rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có…”.

Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 4

Cùng với sự chung tay từ phía người dân, nội các của Chính phủ khi đó đã vận hành hết tốc lực, hàng loạt những quyết sách lớn, chính xác được ban hành. Chỉ sau vài tháng, hàng triệu người dân Việt Nam đã cùng Nhà nước vượt qua được “khúc ngoặt” tử thần để trụ vững và phát triển.

76 năm qua, thật khó có thể tưởng tượng, những ngày tháng khó khăn, thách thức sức mạnh của toàn dân tộc lại xuất hiện, thậm chí thử thách lần này được đánh giá là có phần khốc liệt hơn. Đó là đại dịch Covid-19.

Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 5

Hàng triệu người dân ở các thành phố đã nhiều tháng không thể ra khỏi nhà, mọi hoạt động sản xuất, giao thương, giao thông đều bị tê liệt, đóng băng. Nguy cơ người dân bị đói, doanh nghiệp kiệt lực, chuỗi sản xuất đứt gãy, nền kinh tế bị tác động, đổ vỡ là viễn cảnh có thể xảy đến.

Phát biểu tại sự kiện ngày 28/7, người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Chính phủ hết sức thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn về tinh thần và vật chất mà nhân dân phải đối mặt hơn một năm qua do dịch Covid-19 gây ra. Từ thành thị tới nông thôn, những con đường vắng người qua lại, những khu chợ sầm uất, sân bay, bến cảng, sân trường, nhà máy, xí nghiệp... náo nhiệt giờ lặng lẽ, trong khi đó bệnh viện, khu điều trị ở một số nơi có dịch lại trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, Chính phủ mong nhân dân vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, để không phụ sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sĩ. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để dốc toàn lực cho cuộc chiến ở giai đoạn then chốt, quyết định nhất, hàng loạt những quyết sách lớn, chưa từng có tiền lệ đã được triển khai. Khó khăn về nguồn cung cấp vaccine nhưng từ nhiều tháng qua, chiến lược vaccine của Việt Nam đã và đang đi đúng hướng và hiệu quả. Tính đến cuối tháng 8, TP. HCM - vùng tâm dịch lớn nhất cả nước, 78,9% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Để người dân yên tâm “ai ở đâu ở yên đó”, TP.HCM đã tổ chức cấp phát túi an sinh cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn, phương châm hành động là không để hộ dân nào thiếu lương thực, thực phẩm. Để đảm bảo sản xuất, địa phương này cũng đang tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, theo các phương thức bảo đảm an toàn như “3 tại chỗ”; “1 cung đường - 2 điểm đến”, “1 cung đường - 2 điểm đến” mở rộng; “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh…

Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 6

Sau rất nhiều ngày nỗ lực, các địa phương phía Nam như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã đạt được những kết quả tích cực. Nhưng khó khăn phía trước vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là nỗi lo kinh tế sẽ cạn kiệt, người dân không thể tiếp tục đóng cửa ngồi nhà chờ đợi các túi an sinh, các phần quà hỗ trợ nếu dịch bệnh không giảm bớt, số lượng F0 tiếp tục gia tăng ở mức rất cao như hiện nay.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có trên 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng việc; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên...

Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động trực tiếp vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.

Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 7

Nhằm ngăn chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đổ vỡ sản xuất, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, đã có một số thời điểm tại không ít địa phương đã xuất hiện thêm các thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Những yếu tố này khiến chính sách hỗ trợ của Chính phủ không còn ý nghĩa, trong khi hàng hóa ứ đọng, sản xuất khó khăn.

Trong cuộc họp gần nhất, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đã gay gắt phản đối cách làm của thành phố Cần Thơ khi địa phương này chặn tất cả các xe chở hàng ở cửa ngõ thành phố và yêu cầu đổi tài xế, để phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định: “Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo, từ nay, tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu dù phục vụ sinh hoạt hay sản xuất cũng như nhau, chỉ trừ hàng cấm. Mọi tuyến đường đều là luồng xanh, dù cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hay đường thôn, xã không phân biệt. Tất cả xe chở hàng đều được lưu thông, nhưng xe có thẻ nhận diện mã QR được ưu tiên nhanh nhất qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, tiền kiểm và hậu kiểm tại nơi giao nhận hàng, hạn chế kiểm tra trên đường. Xe không có thẻ nhận diện mã QR cũng được lưu thông bình thường, nhưng sẽ chịu kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn. Các địa phương cần thống nhất theo đó thực hiện, không quy định thêm”.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng ở giai đoạn quyết định thành bại này, các trung tâm sản xuất, các thành phố lớn phải tìm mọi cách an dân và giữ dân lại. “Giữ người dân ở lại thành phố cũng là giữ lại nguồn nhân lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu để hàng triệu người dân rời bỏ trung tâm kinh tế này, chưa biết bao giờ họ mới quay trở lại. Trong lúc đó, sự phục hồi sản xuất phải được thúc đẩy tức thì ngay khi dịch lắng xuống, nếu Việt Nam không muốn bị cắt đứt hợp đồng, không muốn bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đại dịch, xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế nước ta. Và xuất khẩu cũng chính là động lực quan trọng nhất để chúng ta phục hồi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cả dân tộc đồng lòng chung tay chống dịch - Ảnh 8