Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 1
Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 2

Thưa ông, trong nhiều báo cáo công bố gần đây của các tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục được đánh giá xem là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy các doanh nghiệp đến từ Đài Loan nhìn nhận thế nào về đánh giá này?

Việt Nam có nền kinh tế ổn định, lực lượng lao động đông đảo và cơ cấu dân số vàng, tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Từ 20 năm trước, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nhân Đài Loan trong các ngành truyền thống như dệt may, đóng giày, nội thất… đến đầu tư.

Tính đến năm 2022, vốn đầu tư của doanh nhân Đài Loan chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 36,4 tỷ USD, trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cộng thêm khoản đầu tư từ các nước thứ ba thì số vốn đầu tư thực tế của doanh nghiệp Đài Loan sẽ vượt quá 50 tỷ USD.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Đài Loan đã điều chỉnh sự phân bố trên thế giới. Nhờ những lợi thế sẵn có cộng thêm việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng chuyển giao năng lực sản xuất từ Trung Quốc của ngành điện tử và chuỗi cung ứng của ngành này. Các nhà máy gia công hàng điện tử tiêu dùng lớn như Foxxcon, Compal, Pegatron, Wistron, Qisda… đều đã đến Việt Nam để thành lập nhà máy hoặc mở rộng năng lực sản xuất. Trong tương lai, chúng ta có thể mong đợi thêm nhiều doanh nhân và doanh nghiệp Đài Loan lên kế hoạch thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 3

Ông đánh giá như thế nào về dòng vốn đầu tư từ Đài Loan chảy vào Việt Nam đến thời điểm này, đặc biệt là dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao?

Trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất truyền thống, chiếm gần 85% tổng vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam. Cho đến gần đây, các nhà máy sản xuất điện tử Đài Loan và thương hiệu quốc tế GIANT mới đến Việt Nam.

Ngoài ngành sản xuất, tỷ lệ doanh nhân Đài Loan đầu tư vào ngành dịch vụ của Việt Nam cũng tăng trong những năm gần đây, từ 10,1% trước đây lên 29,8% trong giai đoạn năm 2018-2022. Con số này cho thấy các loại hình doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam ngày càng đa dạng hơn.

Cho dù là ngành sản xuất truyền thống hay nhà máy chế biến chế tạo lớn và ngành điện tử, các công ty Đài Loan một mặt tận dụng ưu thế tài nguyên thiên nhiên và nhân công của Việt Nam, mặt khác du nhập công nghệ tiên tiến và đưa sản xuất công nghiệp hiện đại  vào Việt Nam để đạt được lợi ích chung cho cả hai bên.

Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 4

Trong bối cảnh vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm, ông dự báo như thế nào về dòng vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam trong thời gian tới?

Kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2018, nhiều công ty nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế của khách hàng Hoa Kỳ và châu Âu đã chuyển đơn hàng sản xuất sang Việt Nam, giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 7% trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019. Ngay cả khi chịu tác động của dịch Covid-19, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn thuộc top tăng trưởng nhanh nhất châu Á, đồng thời là điểm đến đầu tư lý tưởng của các nhà sản xuất Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Đầu tư của doanh nhân Đài Loan vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Lấy miền Bắc Việt Nam làm ví dụ, giai đoạn này đã có các nhà sản xuất lớn như Foxxcon, Wistron, Qisda đến Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, các nhà máy điện tử này hiện vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, bởi vậy, trong tương lai chúng ta có thể chờ đợi những nhà cung cấp liên quan đến ngành điện tử sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 5

Theo ông, để tiếp tục hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Đài Loan nói riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần phải có những thay đổi như thế nào về môi trường đầu tư, nguồn nhân lực, chính sách thu hút... để thích ứng với sự đòi hỏi cao từ nhà đầu tư?

Việt Nam có nền chính trị và an ninh ổn định, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực cam kết cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn còn những điểm cần cải thiện, như giải quyết vấn đề thiếu nhân lực kỹ thuật, giảm bớt các thủ tục hành chính và quy trình thực hiện.

Trong những năm gần đây, hầu hết đầu tư Đài Loan đến Việt Nam đều thuộc ngành công nghiệp điện tử, năng lượng mặt trời và các ngành công nghiệp mới nổi khác, nhu cầu về nhân lực kỹ thuật ngày càng cấp thiết. Tuy nhiên, các trường, khoa đào tạo liên quan tại Việt Nam rất ít, các doanh nghiệp chỉ có thể tự đào tạo tại công ty, đồng thời còn phải đề phòng công ty khác lôi kéo nhân viên của mình.

Chính phủ Việt Nam có thể bổ sung các trường, khoa đào tạo, chương trình đào tạo liên quan đến các ngành mới nổi vào hệ thống giáo dục đại học, hoặc kết hợp với các tổ chức giáo dục ở nước ngoài đào tạo thêm nhân lực trong các ngành mới nổi.

Cùng với đó, khi Chính phủ Việt Nam công bố các luật mới, đôi khi do các hướng dẫn thực hiện được công bố muộn, dẫn đến sự không thống nhất giữa chính quyền trung ương và địa phương. Nếu Chính phủ Việt Nam có thể chỉ định đầu mối tư vấn thống nhất rõ ràng, quy định thống nhất biện pháp thực hiện của các cán bộ địa phương, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ có thể hoạt động thuận lợi hơn, giảm thiểu những hiểu nhầm không đáng có.

Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 6

VnEconomy 22/03/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ tiếp tục  vào Việt Nam  - Ảnh 7