Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1
Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 2

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào “vùng lõi nghèo” và đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển, tính tự lực, tự cường của người dân là chính sách Đảng, Nhà nước đang thực hiện để giảm ngèo bền vững. Tuy nhiên, đầu tư vào mô hình sinh kế nào theo chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với chuẩn mới (Nghị định 07/2021/CP) cao hơn trước, rất cần có những nhìn nhận thấu đáo.

Sinh kế thường được hiểu là sự tập hợp các nguồn lực, tài sản và khả năng hoạt động, đưa ra quyết định trước hết để kiếm sống của con người, sau đó đạt được các mục tiêu và ước nguyện làm giàu của mình. Một sinh kế bền vững là một sinh kế có thể đối phó và phục hồi trước những sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội kiếm sống bền vững cho các thế hệ tiếp theo.

Trong các nghiên cứu về tình trạng đói nghèo, kể cả nghèo đa chiều ở Việt Nam, đều đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây ra đói nghèo thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu sinh kế và các vấn đề liên quan như thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Thiếu sinh kế tất sẽ dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Do đó, giải quyết vấn đề thiếu sinh kế để tạo ra một sinh kế bền vững vẫn là cách tiếp cận đúng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Thiếu sinh kế cũng chính là nói đến việc thiếu các nguồn lực như nguồn vốn, thiếu lao động có kỹ năng và thiếu nền tảng, năng lực tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến. Trong đó thiếu nguồn vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn là đáng quan tâm nhất.

Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 3

Vì vậy, để có nguồn vốn cho sinh kế, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã được Nhà nước dự tính chi khoảng 75.000 tỷ đồng. Trọng tâm của chương trình là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Nguồn vốn này sẽ tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể hơn về việc thực hiện chính sách này, ngày 25/5/2022 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2022/TT hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tư đã nêu rõ các nội dung được hỗ trợ từ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, cung cấp cây trồng, vật nuôi, quảng bá xúc tiến thương mại cho đến phân tích quản lý dự án.

Phải tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo và nhóm các đối tượng được hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Cụ thể như: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ngoài ra, còn có những ưu tiên dành cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo cũng như các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các mô hình giảm nghèo cho người nghèo…

Làm sao sử dụng nguồn vốn này hiệu quả đúng nội dung, đúng đối tượng quả là một bài toán khó, cần phải có những phân tích lựa chọn đúng để nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.

Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 4

Hiện nước ta đang thực hiện theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, chuẩn này về thu nhập, cao hơn gần gấp 2 lần so với chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, các tiêu chuẩn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cùng các chỉ số xem xét nó cũng cao hơn. Ở giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm từ những thất bại khi đầu tư vào một số mô hình sinh kế.

Do đó, muốn đạt được 4 chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trong đó có tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm, cần phải lựa chọn đầu tư vào các mô hình sinh kế thông minh, phù hợp. Đầu tư vào những mô hình đó còn là đầu tư vào con người, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của họ. Các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch cộng đồng phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo cần đặc biệt chú ý. Nhất là những mô hình tạo ra nhiều việc làm, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cho địa phương. Kinh nghiệm của giai đoạn trước cũng chỉ ra rằng, các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường nếu được phát huy trong mô hình sinh kế càng có tác dụng giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong những năm qua, đã xuất hiện rất nhiều mô hình sinh kế giúp giảm nghèo hiệu quả và hầu hết xuất phát từ các đề tài nghiên cứu của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu thuộc các cơ quan Trung ương, địa phương, của các tổ chức quốc tế, của doanh nghiệp, các thanh niên ở các địa phương nghèo khởi nghiệp… Tiêu biểu như: mô hình sinh kế bền vững cho các dân tộc thiểu số khu vực Tây Thanh Hóa - Nghệ An do Trường đại học Hồng Đức thực hiện. Mô hình sinh kế thông minh gắn với biến đổi khí hậu trong chăn nuôi gà theo hướng sử dụng đệm lót sinh học ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh. Mô hình trồng cây kiệu ở huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Mô hình nuôi lươn không bùn và mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học của Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thực hiện ở nơi có ít đất để sản xuất. Ngoài ra còn có những mô hình du lịch cộng đồng của một số thanh niên người Dao ở huyện Hoàng Su Phì - Hà Giang…

Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 5

Đặc điểm chung của các mô hình sinh kế này đều đậm nét văn hóa địa phương trên từng sản phẩm, dịch vụ nên mang tính đặc thù riêng biệt và phát huy được thế mạnh của từng địa phương. Chính quyền, các tổ chức chính trị ở cơ sở địa phương đã hỗ trợ tạo sự kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình này còn có tác động phát triển du lịch trên địa bàn, phát huy giá trị tri thức của địa phương… Vì vậy, để nguồn vốn cho giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 vào các mô hình sinh kế một cách có hiệu quả, trước hết rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp cũng như sự tích cực hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Sự hỗ trợ của các nhà khoa học, doanh nghiệp thể hiện bằng việc đào tạo, huấn luyện cho người nghèo để họ phát huy khả năng, ý tưởng và thế mạnh của từng địa phương một cách bài bản, khoa học, giúp họ có những kiến thức về thị trường, về sản phẩm, về marketing và kiến thức về quản lý chuỗi, quản lý công nghệ theo từng mô hình sinh kế. Cung cấp dịch vụ cho các gia đình để họ có các kỹ năng cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp liên kết chuỗi.

Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cũng như các địa phương có nhiều chính sách thu hút các trường đại học, doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, vùng lõi nghèo và chi khi thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp mới giúp cho các mô hình sinh kế phát triển thành các chuỗi giá trị, tạo sinh kế bền vững.

Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 6

VnEconomy 14/03/2023 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2023 phát hành ngày 13-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững - Ảnh 7