Một ngày cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, chúng tôi di chuyển vào Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (nay là thôn Thanh Niên) nằm ngay gần trung tâm xã.
Tại đây, dọc hai bên đường Hồ Chí Minh nhiều ngôi nhà bỏ hoang, bao quanh bởi những lùm cỏ um tùm. Theo người dân địa phương, khung cảnh đìu hiu ấy tồn tại nhiều năm nay, nơi mà hơn một thập niên trước, hàng trăm gia đình thanh niên hồ hởi đi theo “tiếng gọi” cổ động, tuyên truyền đến với miền đất hứa, mong có một tương lai tươi sáng hơn.
Ngồi trò truyện với tôi bên hiên ngôi nhà cấp 4 chật hẹp của gia đình, anh Lê Kim Hùng ở cụm 1 cho biết anh là người đưa gia đình lên đây lập nghiệp từ những ngày đầu của Dự án làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.
Khi mới lên, đứng trước những ngọn đồi cằn cỗi, trơ sỏi đá nhưng anh cũng như nhiều thanh niên khác, động viên nhau không nản chí. Mọi người bắt tay vào dựng nhà, khoan giếng, đào ao, bắt đầu cho một cuộc sống mới, với niềm tin sắt đá “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Ngày đó, cây cao su được xem cây trồng chủ lực để các gia đình thanh niên dựa vào đây sinh kế. Nhưng chẳng được bao lâu, sản lượng cao su kém, giá thành thấp nên mọi người chuyển sang trồng cây mía, cây sắn nhưng thiếu nước, thời tiết khắc nghiệt nhưng năng suất cũng không đạt nên phần đa các gia đình lại chuyển trồng cây keo. Bởi, cây này mới có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nơi đây.
“Dù vậy, với diện tích trồng, sản lượng và giá thành của cây keo hiện nay, cũng chỉ giúp người dân nơi đây thoát cảnh cảnh chạy ăn từng bữa, chứ không thể mơ tưởng tới việc làm giàu. Một số ít gia đình nhạy bén, canh tác thêm mấy loại cây ăn quả ở những nơi gần nguồn nước tưới, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, khi cơ chế, chính sách hỗ trợ hạn chế, nguồn vốn gia đình ít ỏi, nên việc đầu tư mới trở thành bài toán nan giải nhiều năm nay” anh Hùng than thở.
Theo anh Hùng, một vấn đề mà người dân nơi đây bức xúc nhiều năm qua, dù xây dựng nhà cửa ổn định, chịu đựng khó khăn gian khổ lên đây lập nghiệp, nhưng các hộ gia đình đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp ngành để mong được giải quyết, nhưng nhiều năm qua vẫn “bặt vô, âm tín”. Trong khi, năm 2018, Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được sát nhập nhân khẩu về với xã Xuân Hòa, đổi tên thành thôn Thanh Niên và đang cố gắng để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.
"Cả thôn Thanh Niên này chưa có hộ nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy được "cán đích" nông thôn mới, tôi thấy cũng lạ lùng" anh Hùng bức xúc nói.
Theo anh Hùng cuộc sống mưu sinh khó khăn cùng với tâm lý chưa được an cư ổn định, nên sau hơn 10 năm thực hiện dự án, từ hơn 160 hộ dân (bao gồm cả tái định cư) làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng hiện chỉ hơn 30 hộ dân thường xuyên có mặt tại địa phương.
Điều đó lý giải cho những ngôi nhà bỏ hoang tại cụm 3 và cụm 2 của ngôi làng thanh niên lập nghiệp này. Chỉ riêng tại cụm 1 - cụm được xem là có cuộc sống ổn định hơn, hiện cũng chỉ có 12 hộ đang sinh sống.
Rời căn nhà nhỏ của gia đình anh Hùng, chúng tôi tìm đến trụ sở Tổng đội thanh niên xung phong phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa nằm ngay tại trung tâm làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.
Tại đây, lối vào cổng chính, rác chen lẫn cỏ dại mọc um tùm. Bên trong khuôn viên, các dãy nhà từng được xây dựng quy mô, bề thế nay đã xuống cấp, cửa bung bản lề do mối mọt, kính vỡ và tường đầy rêu phong.
Phải khó khăn lắm, tôi mới tìm được Tổng đội Phó Lê Ngọc Tân, khi anh đang loay hoay sửa lại cái bơm nước bị hỏng bên trong trại gà của mình.
Lê Ngọc Tân cho biết mục tiêu ban đầu của dự án là rất khả thi, 141 hộ đầu tiên lên đây đều hăng hái xây dựng nhà cửa, ổn định chỗ ở và thi đua đầu tư sản xuất trên nền diện tích được giao.
Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá mía giảm mạnh; cao su cho lượng mủ ít, thu nhập của người dân không được như kỳ vọng. Điều này khiến cho các hộ vốn đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của, song không đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Hiện nay, làng chỉ còn 70 hộ, trong đó chỉ là hơn 30 hộ ở cố định, còn lại thì khi thoảng đến vụ thu hoạch nông, lâm sản mới ghé về nhặt nhạnh những kết quả èo uột từ mảnh vườn không được chăm sóc thường xuyên.
“Tôi đưa vợ con lên đây lập nghiệp từ năm 2018. Sau hơn 4 năm, tổng số tiền đầu tu vào đây đã lên đến con số 3 – 4 tỷ đồng mà chưa biết đến bao giờ mới thu hồi lại được vốn. Khó khăn không chỉ là thời tiết khắc nghiệt khiến đàn gia cầm luôn đau ốm, thất thoát mà còn là giá nông sản xuống thấp, khiến nhiều gia đình không thể trụ lại. Đặc biệt, do vướng cơ chế, đến nay làng vẫn chưa được cấp một tấm sổ đỏ nào. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các hộ dân. Muốn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng không có tài sản để thế chấp ngân hàng” anh Tân nói.
Khi đem những vấn đề nêu trên, trao đổi với ông Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, ông Châu lại khá lạc quan cho biết: Tiền thân dự án triển khai từ thời anh Đỗ Minh Tuấn làm Bí thư Tỉnh đoàn, đến thời điểm này, đời sống bà con trên đấy so với các địa bàn khác ổn định hơn. Còn vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, vì một số lý do nên vướng mắc nhiều năm nay."
Cũng theo ông Châu, thời gian qua, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, theo kế hoạch thì đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.
VnEconomy 11/06/2024 06:00