“Trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, liên quan đến các vấn đề: quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…
Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đã trình và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đề án đã đề ra mục tiêu và giải pháp đồng bộ để các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt, đề án cũng nêu rõ sáu quan điểm đối với công tác này.
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.
Thứ hai, có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.
Thứ ba, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường. Đồng thời, có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Thứ tư, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Thứ năm, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân.
Thứ sáu, huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội”.
“Bám sát chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định cần phải ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai, xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, tín dụng đối với nhà ở xã hội còn thấp do một số nguyên nhân: nguồn cung nhà ở xã hội còn khan hiếm, do đó việc tiếp cận khách hàng, dự án nhà ở xã hội tốt, có hiệu quả còn khó khăn; Việc bố trí nguồn vốn ngân sách cho các chương trình nhà ở còn hạn chế, chưa kịp thời...
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN. Do đó, mặc dù được triển khai từ 1/4/2023 nhưng chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.
Quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận chương trình.
Các ngân hàng thương mại cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình triển khai danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng tới khách hàng của ngân hàng”.
“Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 15.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Đến 17/5/2023, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP đạt 5.144 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.
Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn như chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng mới nhà để ở, đối tượng thuộc diện có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân...
Thứ ba, một số dự án nhà ở xã hội chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.
Thứ tư, khó khăn về nguồn vốn để thực hiện cho vay. Theo quy định tại Quyết định 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được bố trí vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP giai đoạn 2021-2025 là 1.000 tỷ đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân 1.000 tỷ đồng này trong năm 2021). Năm 2022, 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP bằng nguồn 15.000 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội không có nguồn vốn để thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Để thực hiện tốt hơn nữa việc cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng như góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung; hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua, trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 với số vốn là gần 11.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để bổ sung nguồn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2024, 2025; đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương…”.
“Tại Quyết định Phê duyệt Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Hà Nội hoàn thành 56.200 căn nhà ở xã hội (18.700 căn giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026-2023). Để góp phần hoàn thành chỉ tiêu này, Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc mà Thành phố gặp phải trong quá trình thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Về quy hoạch, hiện nay quy định của pháp luật về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021) còn có điểm bất cập. Nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại ở khu vực ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội (như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức…) hoặc dự án nhà ở thương mại có quy mô 2 ha nhưng có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Do đó việc phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án không phù hợp và manh mún.
Với vướng mắc này, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án trên tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn Thành phố; Đồng thời, giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê (nhà lưu trú, tạm trú theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).
Về việc sử dụng nguồn thu từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội có quy mô sử dụng dưới 10 ha, pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ 20%, 25% đất ở tại dự án để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.
Về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về cơ chế, ưu đãi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bởi Luật Nhà ở 2014 (điểm d khoản 1 Điều 58), Nghị định 49/2021/NĐ-CP (khoản 8 Điều 1) quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội…”.
“Tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cho TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 hoàn thành 69.700 căn, trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 26.200 căn; giai đoạn 2026 -2030 hoàn thành khoảng 43.500 căn.
Để tham gia Đề án, UBND Thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, về đầu tư, Thành phố ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật; Cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường; Lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Về quy hoạch: rà soát công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội; dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê…
Về đất đai: công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và một số loại đất khác (không phải đất ở) sang mục đích thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất…
Về xây dựng, chỉ đạo các sở, ngành và UBND 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức xây dựng, điều chỉnh bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) làm cơ sở chấp thuận đầu tư, đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến năm 2030 trình UBND Thành phố ban hành; đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì UBND thành phố xem xét thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các đơn vị khác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…”.
“Hiện nay, thị trường đang thiếu hụt sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ở mức giá hợp lý. Chúng tôi cho rằng nếu giải quyết được việc cho chuyển đổi các dự án có “đất khác” sang đất ở thì bài toán cung – cầu sẽ được sớm giải quyết. Ngoài ra cần tập trung đẩy mạnh việc cải tạo chung cư cũ và có kế hoạch cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Về chỉ tiêu xây dựng một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030, để thực hiện được, chúng tôi cho rằng cần có quỹ đầu tư phát triển triển nhà ở xã hội như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện nay, nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án triển nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu triển khai nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung, sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư thì sẽ chủ động được kế hoạch và tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư.
Đồng thời, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hóa theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội). Ngoài ra, cần giao chỉ tiêu quỹ đất xây nhà ở xã hội cho từng địa phương, căn cứ vào nhu cầu dự báo của mỗi địa phương; phân bổ quỹ đầu tư hạ tầng cho các địa phương, bỏ kế hoạch phân bổ vốn hạ tầng trên cơ sở quỹ đất hạ tầng do Bộ Xây dựng giao chỉ tiêu. Nếu có thêm điểm này thì các tỉnh sẽ có đích cụ thể để phấn đấu thực hiện”.
VnEconomy 31/05/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam