Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 1
Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 2
Năm 2021, vượt “sóng gió” do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành Tài chính về đích thu ngân sách từ khá sớm. Xin Bộ trưởng cho biết đâu là yếu tố giúp ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta.

Sức chống chịu, cũng như nguồn lực của doanh nghiệp và người dân giảm sút mạnh, tạo sức ép rất lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Dù vậy, kết thúc năm 2021, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020.

Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt đến 16,4% so với dự toán, giữ đà tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất.

Đạt được kết quả thu ngân sách này, tôi cho rằng, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi cả nước cũng như triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt là sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Bên cạnh đó, những yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2021 góp phần bù đắp phần giảm thu do dịch bệnh Covid-19, tạo đà cho nguồn thu ngân sách cả năm 2021.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phối hợp các ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn thuế. Ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại.

Tăng cường thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời các khoản thu phát sinh theo đúng quy định của pháp luật vào ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, chứng khoán, bất động sản,... tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 3
Trải qua một năm nhiều “giông bão”, bên cạnh nỗ lực vượt khó của chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp gì để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, đưa số thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt 14,5% dự toán?

Trong quá trình chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động đề xuất các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước chủ động, linh hoạt, tập trung hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành hàng loạt giải pháp về tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thực hiện trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền dự kiến 145 nghìn tỷ đồng, trong đó, gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 tiếp tục thực hiện giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021...

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 4

Đáng chú ý, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022...

Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách này với phương châm đơn giản, thuận tiện, kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với thu ngân sách nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thuế kịp thời theo đúng chính sách, pháp luật.

Đến nay, cơ quan thuế hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 161% kế hoạch và đang tiếp tục triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Một dấu mốc của ngành tài chính năm 2021 là triển khai kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử tại 06 tỉnh, thành phố, tiến tới áp dụng trên phạm vi cả nước từ 01/7/2022, mang lại lợi ích đa chiều cho cả doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 5
Dự báo dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rình rập với mức độ lây nhiễm mạnh của các chủng virus mới. Thưa Bộ trưởng, Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp gì để nuôi dưỡng bền vững, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để có thêm nguồn lực cho Nhà nước thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhiệm vụ chi cho công tác chống dịch,...

Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.

Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giúp doanh nghiệp và người dân ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.

Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 6

Thứ ba, thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước, quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế số.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế. Tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Giảm tỷ lệ nợ thuế. Kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng. Đẩy nhanh triển khai hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc...

Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các đề án được phê duyệt để huy động kịp thời nguồn thu từ thoái vốn vào ngân sách nhà nước theo dự toán được giao.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng với việc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, thị trường chứng khoán. Quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế,...

Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để khuyến khích, thu hút đầu tư.

Thứ sáu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy tất cả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Đồng bộ hóa cơ chế, chính sách thu ngân sách nhà nước với các chính sách khác, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 7
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai thời gian tới sẽ dành nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển được trợ lực từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến cân đối tài chính quốc gia, bội chi “phá rào”. Mặt khác, những lo ngại về vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ tạo “nút thắt cổ chai” cản trở tốc độ phục hồi kinh tế sau dịch. Xin Bộ trưởng chia sẻ cách thức để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công?

Vốn đầu tư công là dòng “vốn mồi” để thúc đẩy, kích thích nhiều nguồn vốn khác và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, do đó, Quốc hội, Chính phủ sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm.

Qua đó, tạo tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Thời gian qua, Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công.

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 8

Bên cạnh đó, ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công; Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/02/2021 của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, trong đó, quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thực hiện báo cáo tình hình giải ngân để kịp thời có phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân vốn.

Bộ cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến, tọa đàm với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các nhà tài trợ dự án ODA và vay ưu đãi, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp về giao vốn, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định vay, tiến độ rút vốn...

Đáng chú ý, về quy trình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, chuyển từ cơ chế kiểm soát trước, thanh toán sau sang cơ chế thanh toán trước, kiểm soát sau, rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày, với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành.

Đối với các khoản thanh toán còn lại cũng quy định tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, thực hiện thanh toán giải ngân nhanh qua dịch vụ công trực tuyến… tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn...

Để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đưa dòng vốn này kịp thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý thanh toán nguồn vốn đầu tư của Nhà nước theo hướng giảm thủ tục hành chính, phân định rõ trách nhiệm từng cấp và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời, cải thiện công tác tổng hợp báo cáo giữa chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính. Nghiên cứu rút ngắn quy trình kiểm soát thủ tục thanh toán nguồn vốn nước ngoài theo hướng thực chất, gắn với trách nhiệm theo nguyên tắc áp dụng đối với nguồn vốn trong nước.

Doanh nghiệp "hồi sinh" và dòng vốn từ chương trình phục hồi sẽ trợ lực cho tăng trưởng - Ảnh 9

VnEconomy 14/02/2022 14:00