Năm 2023, Việt Nam vượt chỉ tiêu đón khách quốc tế đặt ra hồi đầu năm. Ông đánh giá như thế nào về bức tranh chung của du lịch Việt Nam hậu Covid-19?
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch có vai trò cực kỳ quan trọng bởi là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, đặc biệt liên quan tới bất động sản nghỉ dưỡng, các hoạt động kinh doanh vận tải, thực phẩm, nhà hàng… Do đó, không nên chỉ nhìn vào doanh thu thuế trực tiếp từ ngành du lịch, mà cần nhìn cả vào những đóng góp gián tiếp của du lịch qua các ngành, lĩnh vực khác cho nền kinh tế thì mới thấy được vai trò to lớn của ngành kinh tế xanh.
Thật là đáng mừng khi chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023 về lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch còn có rất nhiều việc phải làm như việc đào tạo lại và đào tạo mới nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp trong ngành khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch; xây dựng nhiều loại hình sản phẩm du lịch mới khi xu hướng và nhu cầu của du khách sau đại dịch đã thay đổi. Năm 2024, chúng ta không chỉ cần nâng cao mục tiêu số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, mà còn cần tập trung nâng cao chất lượng thị trường khách du lịch, bao gồm thời gian lưu trú lâu hơn, mức chi trả cao hơn, sử dụng sản phẩm vùng miền địa phương nhiều hơn…
Từ trước đến nay, ngành du lịch Việt Nam đa số là dựa vào thế mạnh đường bờ biển. Vậy ngoài du lịch biển đảo, theo ông điều gì có thể trở thành thỏi “nam châm” hút du khách khác tới Việt Nam?
Lãnh thổ Việt Nam với 3 phần núi, 4 phần biển và 1 phần ruộng hình thành nên dải đất hình chữ S với 7 vùng sinh thái khác biệt. Với lợi thế riêng mà ít quốc gia có được, Việt Nam có thể phát triển được cả sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Sở hữu đất đai, nguồn nước, khí hậu thích hợp cùng với truyền thống nông nghiệp hàng nghìn năm, tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Nếu khai thác tốt thế mạnh, giá trị khác biệt, nổi bật của nông thôn đây sẽ là hướng đi có tiềm năng phát triển mạnh.
Năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cũng cho rằng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ giúp mở ra không gian du lịch mới, thậm chí tạo ra kỳ tích với sự tham gia của các tập đoàn du lịch hàng đầu.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là hoạt động du lịch gắn với nông thôn tại Việt Nam chưa thật sự có chiều sâu, khi phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống của du khách ở mức đơn giản… Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Theo tôi, nói như vậy là chưa hoàn toàn chính xác. Việt Nam hiện có rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp được tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh, ví dụ như Làng du lịch tốt nhất thế giới Thái Hải, Thái Nguyên năm 2022, Làng du lịch Tân Hóa, Quảng Bình năm 2023. Những làng du lịch này đều có nhiều giá trị văn hóa và trải nghiệm nhiều hơn là nhu cầu cơ bản về ăn, ngủ, nghỉ.
Cá nhân tôi cho rằng thách thức lớn nhất của du lịch nông nghiệp Việt Nam hiện nay nằm ở khía cạnh: những người quản lý về nông nghiệp không có kiến thức về du lịch, còn những người quản lý du lịch lại không có kiến thức nền về nông nghiệp… Khi dến làm việc với các địa phương, tôi thấy rất nhiều bác nông dân mong muốn tham gia vào lĩnh vực du lịch nhưng còn chưa hiểu rõ du lịch nông nghiệp là gì.
Ngược lại, những người làm du lịch đôi khi cũng không hiểu thế nào là OCOP và các tiêu chí sao của OCOP ra sao. Chúng tôi vẫn luôn đề nghị Chính phủ phải có ban chỉ đạo chung về du lịch nông nghiệp để hai Bộ NN-PTNT và Văn hóa Thể thao và Du lịch có phương án, cơ chế phối hợp với nhau nhằm đưa du lịch nông nghiệp lên một tầm cao mới.
Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, nhưng làm việc với người dân thì không thể chỉ nói mà phải làm và phải hành động trước, phải đầu tư, phải đưa khách đến, mang cho họ thu nhập trước, thì họ mới tin và làm theo?
Đúng vậy. Khó khăn của một doanh nghiệp làm du lịch cộng đồng là phải đào tạo được những người ban đầu phát triển du lịch cộng đồng ở đó. Tiếp theo, phải định hình xây dựng những sản phẩm du lịch khác biệt dựa trên việc giữ lại những nét đặc sắc mà địa phương đang có. Sau đó là kết nối với các doanh nghiệp du lịch, vận chuyển, lữ hành. Làm sao để tạo được sinh kế cho người dân, để họ giữ nghề truyền thống và các thế hệ sau này không phải bỏ nghề. Nếu làm tốt, du lịch nông nghiệp là cách xuất khẩu tại chỗ, lan tỏa văn hóa bản địa, tạo sinh kế, giúp địa phương phát triển kinh tế bền vững.
Từng giữ các chức vụ quản lý, điều hành tại các hệ thống khách sạn, resort, du thuyền 5 sao,… quá trình dựng nên thương hiệu Mekong Rustic hẳn là không quá vất vả với ông?
Ban đầu, Mekong Rustic chỉ là 4 phòng homestay trong ngôi nhà liếp gỗ của một người dân ở Cái Bè. Có muôn vàn khó khăn như: chưa có nguồn thu, phải xây dựng quy trình và không có nguồn quỹ như các tổ chức phi chính phủ; khó nhất là làm sao để thay đổi nhận thức của người dân về làm du lịch; làm sao để xây dựng kỹ năng thực tế cho người dân phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, tôi không muốn bán phòng nghỉ, mà tôi muốn bán trải nghiệm. Du khách đến Mekong Rustic không chỉ để ăn, ngủ mà còn cảm nhận được tình cảm của những người dân nơi đây bằng việc tham gia vào sinh hoạt hàng ngày của người dân như nấu ăn, bắt cá, đạp xe, làm bánh, làm vườn, tham gia chia sẻ và giao lưu với học sinh bằng tiếng Anh buổi tối...
Chúng tôi cũng kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ tập huấn cho cả người dân và du khách ý thức về bảo vệ môi trường để ngay cả khách nước ngoài cũng cảm nhận được trách nhiệm cộng đồng trong hành trình khám phá Việt Nam. Điều này cũng giúp cho các thế hệ mai sau của người dân địa phương có thêm nhiều trải nghiệm và có nhiều hy vọng về tương lai của mình.
Nghe ông nói, có vẻ như lý do lớn nhất khiến ông vượt qua khó khăn và quyết tâm mở rộng Mekong Rustic hơn nữa chính là người dân, những người chú, bác, anh, chị ở miền Tây?
Đúng vậy, họ mới chính là linh hồn của Mekong Rustic. Tôi tin, chỉ những người sinh ra ở mỗi vùng đất mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Hiện chúng tôi đã có mặt ở Cái Bè (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ) và đang xây thêm một khu du lịch 4 sao tại Cù lao Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang), dự kiến năm 2024 sẽ đi vào hoạt động.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có mặt ở Ninh Bình, Đồng Tháp hay Quảng Nam. Mục tiêu 5 năm tới chúng tôi có thể có mặt tại 10 - 15 tỉnh, thành, nơi mà hiện đang phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp trên khắp cả nước. Với tôi, Mekong Rustic không chỉ là chuyến du lịch về các miền quê, mà còn là ước mơ về cuộc sống an yên và gìn giữ văn hóa bản địa cho các thế hệ tiếp theo.
Hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành, nhưng vẫn chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở quy mô quốc gia, giải pháp của các địa phương chưa có sự thống nhất chung... Nếu được đề xuất ý kiến, ông sẽ kiến nghị gì?
Tôi sẽ nói, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý du lịch rất quan trọng. Cơ quan xúc tiến đóng vai trò như cầu nối quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Còn các doanh nghiệp, khi đến một địa phương không nên chỉ tận dụng tài nguyên để phát triển kinh doanh, mà phải mang lại lợi ích cho người dân bằng cả thu nhập, nhận thức, tinh thần và văn hóa. Đồng thời, cần thể hiện vai trò cầu nối giữa du khách và địa phương.
Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò định hướng chất lượng của dịch vụ cũng như hỗ trợ quá trình trao đổi văn hóa giữa du khách và người dân. Từ đó, người dân có thể tiếp thu những mặt tích cực, kiến thức mới, cải thiện cuộc sống của chính bản thân, gia đình và phát triển kinh tế địa phương. Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo nên một cộng đồng du lịch có trách nhiệm!
VnEconomy 07/02/2024 10:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam