Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 – 2020) và hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển theo chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được nâng cao đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút được một lượng vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một thực thể quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Hiệu quả đầu tiên của việc thực hiện ba đột phá chiến lược và cũng là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế giai đoạn từ năm 2011 đến nay thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ kế hoạch 5 năm sau cao hơn 5 năm trước.
Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới năm 2020 tăng 163,5% so với năm 2015, phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, triển vọng sản xuất kinh doanh tốt hơn. Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể kinh tế quan trọng nhất trong phát triển nhanh và bền vững, trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện ba đột phá chiến lược, với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng đã tạo dựng Việt Nam là nền kinh tế có môi trường vĩ mô ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Như một minh chứng, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD, theo báo cáo của UNCTAD, năm 2020 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 16 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI, lần đầu tiên nước ta lọt vào top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.
Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI với các đối thủ tiềm năng trong khu vực và thế giới.
Năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 20,19 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Kết quả đăng ký mới và số vốn FDI thực hiện trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, cùng với đó nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đang định hình lại và dẫn dắt kinh tế thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đầu tư - minh chứng về niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, đầy tiềm năng, mở ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.
Điểm sáng phản ánh tổng hòa kết quả thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng và hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.
Việt Nam được xem là câu chuyện thành công của thế giới khi tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong top đầu suốt thập kỷ vừa qua. Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020, tô đậm thành tựu của 35 năm Đổi mới với những bước tiến vượt bậc.
Với tăng trưởng kinh tế luôn thuộc top đầu trong khu vực và thế giới đã đưa GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (GDP bình quân PPP) của Việt Nam vượt Philippines sau 21 năm thấp hơn kể từ năm 1991.
Năm 2010 và 2011, GDP bình quân PPP của Việt Nam chỉ bằng 80,75% và 83,14% GDP bình quân PPP của Philippines. Đến năm 2012, GDP bình quân PPP của Philippines bằng 99,37% GDP bình quân PPP của Việt Nam.
Đến năm 2023, GDP bình quân PPP của Philippines chỉ bằng 79,06% GDP bình quân PPP của Việt Nam. Cụ thể, GDP bình quân PPP của Việt Nam đạt khoảng 14.342,3 USD, còn Philippines đạt khoảng 11.339 USD.
Điểm sáng nổi bật tiếp theo của nền kinh tế giai đoạn từ năm 2011 đến nay đó là thành công trong kiềm chế và kiểm soát lạm phát.
Chúng ta nhớ lại, hằng năm trong giai đoạn 2006-2010, lạm phát đều ở mức hai con số. Năm 2011- Năm đầu tiên của thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, lạm phát rất cao, ở mức 18,13%, giảm dần xuống mức một con số trong các năm sau.
Với kinh nghiệm kiềm chế lạm phát trong 5 năm 2011-2015, công tác điều hành, kiểm soát lạm phát giai đoạn 2016-2020 đã đạt kết quả quan trọng, lạm phát luôn ở mức thấp hơn mục tiêu Quốc hội thông qua hằng năm.
Có thể thấy, 5 năm 2011-2015 là giai đoạn thành công trong kiềm chế lạm phát, 5 năm tiếp theo là giai đoạn thành công trong kiểm soát lạm phát, tạo cơ sở quan trọng trong giữ vững ổn định vĩ mô.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh, tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tạo động lực mạnh mẽ và hiệu quả thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước ta.
Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Những kết quả, thành tựu đạt được trong hơn thập kỷ qua có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng trong hơn một thập kỷ qua được thể hiện rõ nét thông qua các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng, cũng như hàng loạt quyết sách quan trọng khác được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành.
Chẳng hạn, để xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết này được xem như là bước đột phá trong tư duy, tạo căn cứ cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một thực thể quan trọng của nền kinh tế.
Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị phản ánh sự thay đổi chiến lược, chuyển sang giai đoạn thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí thu hút vốn.
Các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế được ban hành kịp thời, phù hợp với từng thời điểm quan trọng của đất nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế.
Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế. Tại các Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những định hướng và giao nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cho Chính phủ, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nói về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát triển kinh tế, tờ Financial Times đánh giá trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng “Đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã thu hút hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài từ các công ty toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng”.
Tờ Washington Post nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Việt Nam vào một thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ hơn và ông cũng mạnh tay hơn trong công cuộc chống tham nhũng, qua đó khơi dậy niềm tin của công chúng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế Việt Nam - một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển.
Báo Nikkei Asia đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhờ tham gia các Hiệp định Thương mại tự do và các biện pháp khác. Việt Nam đã thu hút các công ty sản xuất nước ngoài bằng các biện pháp như tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Xin lấy bình luận trên tờ New York Times bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn của tôi đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Báo New York Times nhận xét Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo liêm khiết, giản dị. Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam đã nâng cao uy tín trên trường quốc tế và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
VnEconomy 29/07/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2024 phát hành ngày 29/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam