“Ngân hàng, doanh nghiệp là đối tượng theo kinh tế thị trường, không nên để họ phải chịu thiệt. Họ là nơi truyền tải chính sách chứ không phải nơi thực thi chính sách. Những chính sách nào phải truyền tải qua các doanh nghiệp, đó là cơ chế thị trường thì mình phải để cho họ thực hiện đúng cơ chế thị trường.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội cũng vậy. Theo đó, chúng ta có bốn đối tượng liên quan đến chính sách này, một là Chính phủ; hai là người được thụ hưởng, đây là hai đối tượng trực tiếp. Còn hai đối tượng khác, gồm ngân hàng và doanh nghiệp, là đối tượng truyền tải chính sách này, chứ không được thụ hưởng và cũng không bị thiệt thòi.
Theo kinh nghiệm thế giới, có hai loại hình nhà ở. Một loại là làm nhà cho thuê. Chính phủ ưu tiên đất nội đô làm nhà cho người nghèo bởi vì người nghèo không có phương tiện đi lại ngoài giao thông công cộng. Các thành phố lớn trên thế giới quy hoạch nhà ở theo hướng để cho những người nghèo gần hệ thống giao thông công cộng, gần bệnh viện.
Loại hình thứ hai là mô hình phát triển nhà ở như Singapore, tức là bất cứ ai mua nhà ở Singapore được hưởng chế độ nhà ở của người dân Singapore thì phải trả lãi suất là 2,5% vay ngân hàng có kỳ hạn lên đến 30 năm và phần chênh lệch còn lại so với lãi suất thị trường thì Chính phủ đền bù. Như vậy, ngân hàng không bị ảnh hưởng gì bởi đã có Chính phủ hỗ trợ.
Kỳ hạn là phải dài, như chúng ta thấy, kỳ hạn mua nhà tối thiểu ở Mỹ và Singapore đều là 30 năm, thậm chí vùng người Đức ở Thụy Sĩ thì kỳ hạn là 88 năm.
Lâu nay người ta hay nói về chuyện chính quyền không muốn dành đất cho nhà ở xã hội vì không thu được thuế, hay nói cách khác là làm thất thoát nguồn thu ngân sách của họ, đây cũng là vấn đề nổi cộm.
Vấn đề nữa là thủ tục hành chính gắn liền với tham nhũng vặt. Chúng tôi đi khảo sát một số tỉnh, thủ tục vô cùng rắc rối, đền bù giải phóng mặt bằng mỗi một năm có tỉnh chỉ giải phóng được vài ba chục hoặc là dăm bảy chục hécta.
Trong khi đó, có những tỉnh đổi mới cách làm, có thể tăng diện tích đền bù giải phóng mặt bằng từ 110 ha lên 1.100 ha. Điều đó cho thấy thủ tục là một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay cần cải cách. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyên làm nhà ở xã hội từ Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan, đã vào Việt Nam, xin làm nhà ở xã hội ở Hà Nội nhưng gặp vướng mắc về phê duyệt quy hoạch tỷ lệ từ 1/2000 đến 1/500. Tôi nghĩ quá trình phê duyệt phải linh hoạt”.
“Tỷ lệ giải ngân của chương trình 120 ngàn tỷ đồng còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai. Mặt khác, chương trình này được triển khai trong 10 năm (đến năm 2030) nhằm thực hiện đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh chương trình 120 ngàn tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án. Từ đó tạo ra khối lượng hoàn thành công trình, để có thể giải ngân cho vay.
Hiện, việc triển khai chương trình còn có một số khó khăn, vướng mắc. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế do Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác; một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, về chuyển mục đích sử dụng đất... nên chưa đủ điều kiện vay.
Về phía người mua nhà, do nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng… nên chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Người mua nhà có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được điều kiện mua nhà ở xã hội; người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại nghị định 100 /2015/NĐ -CP; người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn, do đó, hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.
Kết quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ chưa thực sự thu hút, thực hiện thấp còn do các khó khăn vướng mắc như: khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất; tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như: theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” theo Nghị quyết 43/2022/QH15; bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với khi ban hành chính sách, nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp cũng thay đổi…”.
“Tập đoàn Hoàng Quân đã tham gia vào chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hơn 10 năm nay. Đến nay, đã hoàn thành 10 dự án với số lượng là 10.000 căn hộ, trong đó, tại TP. HCM, đã hoàn thành bốn dự án và 4.000 căn. Tập đoàn Hoàng Quân cũng đã đăng ký trong chương trình một triệu căn nhà ở xã hội là 50 ngàn căn. Hiện nay, Hoàng Quân đang triển khai 12 dự án, trong năm 2024 này sẽ hoàn thành 3.000 căn tại Tây Ninh, Bình Thuận và Trà Vinh.
Chúng tôi thấy rằng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc đối với phát triển nhà ở xã hội, nhưng đến 1/1/2025 mới có hiệu lực. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội riêng chương về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) thì nên áp dụng từ 1/7/2024. Như vậy sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc và thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội này.
Về gói 120 ngàn tỷ đồng, đây là một chương trình rất tốt, rất nhân văn nhưng chúng tôi băn khoăn là tại sao không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành. Trước đây, chúng ta có gói 30 ngàn tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói 30 ngàn tỷ đồng. Chúng tôi kiến nghị gói 120 ngàn tỷ đồng này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.
Mặt khác, chương trình 120 ngàn tỷ đồng chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng. Khách hàng thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm và nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng là 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm, rất mong Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm vấn đề này.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 – 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Như vậy, nếu bù 1% thì mỗi năm là 1.200 tỷ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Khi có bù lãi suất 1-2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và nó mạnh hơn gói 120 ngàn tỷ đồng như hiện nay”.
“Tôi đề nghị chúng ta xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội: giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những người có thu nhập thấp, hay giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.
Với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn thì làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay? Tôi có nghe một đại diện doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội nói rằng sau một thời gian kiểm lại thì đến 80% số người mua không còn ở đấy nữa, người ta đã bán lại. Rõ ràng trong điều kiện người ta có thu nhập thấp thì trước tiên họ phải tìm cách lo cuộc sống.
Vì vậy, tôi đề nghị quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay.
Thứ nhất, liên quan đến vị trí phát triển nhà ở xã hội, chúng ta hiện nay đang đưa nhà ở xã hội đến vị trí khá xa so với trung tâm của tỉnh, thành phố. Trong khi đó, phương tiện đi lại không có, mất thời gian di chuyển nên người ta không muốn đi xa. Trong chương trình nhà ở xã hội, chúng ta dành có 20% cho thuê nhưng mà lại ở xa nên người ta sẽ không thuê. Người ta sẵn sàng thuê nhà với giá cao hơn, chật hơn nhưng gần chỗ làm việc, gần nơi con cái học hành và những dịch vụ vượt trội khác ở trung tâm. Do vậy, phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê. Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở.
Đối với loại hình nhà ở này, tôi đề nghị sử dụng nguồn vốn vay thật ưu đãi. Chẳng hạn nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội vay dài hạn với lãi suất thấp. Nếu doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư để cho thuê thì tiền thuê không đủ tiền vận hành chứ không nói đến việc thu hồi vốn đầu tư. Vốn này phải là vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc thậm chí là vốn nhà nước. Như vậy, mới giải quyết được một phần nhu cầu chỗ ở và đương nhiên, chúng ta vẫn phải phát triển chương trình thứ hai là đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng mua được nhà. Tôi nghĩ chương trình này nên dành 50% cho thuê và 50% cho mua.
Thứ hai, tôi đề nghị hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, do đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhằm tăng nguồn cung. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với nhóm này. Bởi dự án phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt thì đương nhiên được cho vay, không cần xem các điều kiện nào khác nữa và nên cho vay theo lộ trình của dự án, không sợ nguồn vốn đó thất thoát. Việc hỗ trợ lãi suất thấp hơn 1,5-2%, tôi cho rằng không có nhiều ý nghĩa, mà phải cam kết mức lãi suất cụ thể là bao nhiều, ví dụ cam kết lãi suất cho vay 7-8%/năm để doanh nghiệp chủ động.
Ngoài ra, phải dùng ngân sách để hỗ trợ chương trình này. Chúng ta hiện có gói chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43/2022/QH15 nhưng hầu như không giải ngân được. Đợt này, Quốc hội đang giám sát thực hiện Nghị quyết 43, đề nghị chuyển gói 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 43 sang chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp. Như vậy, sẽ đạt được đúng mục tiêu có dự án, đúng đối tượng, không sợ cho vay sai.
Thứ ba tôi đề nghị tăng thời hạn cho vay đối với dự án, đảm bảo ít nhất đủ một chu kỳ cho doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn”.
“Vừa qua, Công ty Vinhomes thuộc Tập đoàn VinGroup đã khởi công xây dựng bốn dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Đồng thời, VinGroup cũng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Qua thực tế triển khai, Tập đoàn VinGroup nhận thấy về thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, số lượng thủ tục nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất, dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài. Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng hai năm.
Về cơ chế ưu đãi đối với các hạng mục thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, để dự án nhà ở xã hội thực sự là các khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ tiện ích nhằm nâng cao cuộc sống của người dân thì bên cạnh nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ phục vụ người dân là rất cần thiết. Đặc biệt là nhà ở xã hội có quy mô lớn. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này thì dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội.
Về xuất vốn đầu tư nhà ở xã hội, trên cơ sở rà soát thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng theo Quyết định số 610/QĐ-BSĐ ngày 13/2/2022 hiện đang thấp hơn so với suất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại. Trong khi đó, chi phí và suất vốn đầu tư thực tế của nhà ở thương mại đang cao hơn suất vốn đầu tư theo quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhà ở xã hội và khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội do việc xác định giá bán phải dựa trên cơ sở suất vốn đầu tư.
Về nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội, trên thực tế, việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay còn cao khi với chủ đầu tư, mức lãi suất là 8%/năm, khách hàng mua nhà ở xã hội 7,5%/năm.
Để có thể thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển dự án và giảm giá bán nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất: xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; xem xét ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội; xem xét điều chỉnh lãi suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế; xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, xem xét hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất, nếu chủ đầu tư thấy khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội”.
“Về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, để bố trí “tái cấp vốn” cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc “cấp bù lãi suất” cho bốn ngân hàng thương mại (Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội. Bởi trong giai đoạn 2015-2020, do chưa bố trí được nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nên các chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện đang áp dụng lãi suất 8%/năm đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong thời hạn ba năm đã có tác dụng tích cực đối với các chủ đầu tư và cả người mua nhà tại các dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ (được vay với lãi suất 7,5%/năm trong thời hạn 5 năm), bởi lẽ trước đây phải vay với lãi suất trên dưới 12%/năm.
Nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lại chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội, không chỉ vì phải chịu lãi suất cao 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm, mà các mức lãi suất này còn được điều chỉnh mỗi 6 tháng 1 lần và sau thời hạn ưu đãi lãi suất thì áp dụng lãi suất thỏa thuận, “thả nổi”, khiến người mua, thuê mua nhà ở xã hội có tâm lý “bất an” nên ngại vay.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị tiếp tục khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm mà Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/02/2023 để thực hiện Luật Nhà ở 2023 về chính sách nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, để thực hiện Đề án phát triển ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, về “lợi nhuận định mức”, Hiệp hội đề nghị dự thảo “Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội” xem xét tăng thêm “lợi nhuận định mức” đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên mức 15% (thay vì chỉ 10%).
Về “vay vốn ưu đãi”, Hiệp hội đề nghị dự thảo “Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội” cho phép chủ đầu tư được thế chấp bằng chính dự án nhà ở xã hội đó, chí ít là đối với trường hợp chủ đầu tư đã tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, do hiện nay, các chủ đầu tư phải thế chấp bằng tài sản khác mới được vay vốn tín dụng để thực hiện dự án nhà ở xã hội”.
“Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 và Chương trình cho vay nhà ở xã hội, với vai trò và trách nhiệm của một ngân hàng trụ cột trong nền kinh tế, Ngân hàng Công thương đã quyết liệt triển khai, bám sát danh mục các dự án của các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố và định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tính từ ngày 1/4/2023 đến ngày 29/2/2024, Ngân hàng Công Thương đã tài trợ được tám dự án, (trong đó có ba dự án đã ký được hợp đồng tín dụng và giải ngân được 423 tỷ đồng) và cấp tín dụng đối với năm dự án, tổng số quy mô gần 3.000 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Công thương đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các bộ, ban, ngành để triển khai có hiệu quả chương trình. Tuy nhiên, từ thực tế, Ngân hàng Công thương nhận thấy có một số khó khăn:
Thứ nhất về rào cản pháp lý: Nhiều dự án thiếu quyết định phê duyệt chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố; thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội khá phức tạp, mất nhiều thời gian hơn với các dự án nhà ở thương mại. Nhiều dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lúa mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thứ hai giới hạn tỷ lệ lãi suất sinh lời của dự án. Quy định cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay bị hạn chế lãi suất sinh lời do bị khống chế ở mức 10% nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Một số dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt nhưng chưa có nhà đầu tư, chưa có lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể.
Thứ ba nguồn vốn tài trợ dự án. Bản chất gói 120 ngàn tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, cơ sở xác nhận lãi suất cho vay và lãi suất cho vay thương mại bình quân của bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Do đó, để tạo sức hấp dẫn cho chương trình, có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, Ngân hàng Công thương đề nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối.
Bên cạnh đó, xem xét giao việc lựa chọn xác định người mua nhà cho chủ đầu tư dự án để tăng chủ động trong khâu bán hàng, đồng thời mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện đối với người được mua nhà ở xã hội”.
VnEconomy 07/04/2024 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2024 phát hành ngày 25/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam