Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương mới đây đã có buổi làm việc với Hà Nội và Quảng Ninh. Đã có những giải pháp nào được đưa ra để tháo gỡ nút thắt trong đầu tư tại các địa phương này, thưa ông?
Tổ công tác đặc biệt được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 với rất nhiều nhiệm vụ; trong đó, có hai nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh quá trình triển khai và thực hiện dự án đầu tư.
Thứ hai, hỗ trợ các dự án FDI quy mô lớn đang hoạt động tại Việt Nam cũng như những dự án đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.
Mục tiêu của hai nhiệm vụ này là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư công, ODA, PPP hay vốn đầu tư ngoài ngân sách nhanh chóng chảy vào những ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đã “đuối sức” sau một thời gian căng mình chống dịch và nhu cầu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo niềm tin cho nhà đầu tư…
Thời gian qua, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như IBM, Apple, Samsung… và mới đây nhất là LG với việc tăng thêm 1,4 tỷ USD đầu tư vào KCN Tràng Duệ, Hải Phòng sau đúng 7 tháng đã đầu tư 750 triệu USD vào dây chuyền màn hình LCD và OLED tại đây. Việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt ở những địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư của Việt Nam giữa lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành trên phạm vi toàn cầu.
Do đó, Tổ công tác sẽ báo cáo và tham mưu với Thủ tướng sớm nhất và nhanh nhất có thể theo ba hướng trọng tâm.
Đó là giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan, tránh trường hợp mỗi nơi áp dụng luật pháp mỗi kiểu; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương với vai trò cơ quan độc lập và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn gửi các bộ ngành, địa phương tổng hợp, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư để từ đó có tham mưu trúng và đúng cho Thủ tướng, đưa ra những hỗ trợ thích hợp với các địa phương lớn hay các địa phương có nhiều vướng mắc như Hà Nội, Quảng Ninh… Nếu có thể giải quyết nút thắt cho dự án đô thị có quy mô lên tới vài tỷ USD của Hà Nội hay cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh như Quảng Ninh thì sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế.
Sau Hà Nội, Quảng Ninh, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với những địa phương nào trong thời gian tới, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có thêm các buổi làm việc với các địa phương khác như Hải Phòng hay Đà Nẵng, Quảng Nam… là những tỉnh trong vùng kinh tế tọng điểm miền Trung. Riêng với các tỉnh miền Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sắp xếp thời gian cụ thể tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Sau khi tổng hợp các kiến nghị của địa phương, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách Tổ phó thường trực Tổ công tác sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư, tránh tình trạng “ôm quyền” gây khó khăn trong đầu tư và đi ngược với tinh thần phân cấp, phân quyền mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rất nhiều lần, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Tuy nhiên, để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án, Tổ công tác dự kiến sẽ báo cáo lên Thủ tướng theo hình thức “cuốn chiếu”, nghĩa là vấn đề vướng mắc nào đã rõ thì sẽ báo cáo để có hướng dẫn ngay, còn lại sẽ tổng hợp tiếp và báo cáo lên Thủ tướng sau. Trong tháng 9/2021, Tổ công tác sẽ có báo cáo Thủ tướng để giải quyết ngay một số vấn đề.
Không chỉ làm việc với bộ ngành và địa phương, chỉ hai ngày sau khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thành lập, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VAAC) để xem xét, tháo gỡ khó khăn liên quan tới triển khai các dự án đầu tư.
Hiện nay, theo phản ánh của VAAC, nhiều dự án đầu tư do ảnh hưởng của Covid- 19 nên gặp trắc trở trong cung ứng nguyên vật liệu thi công, thiếu hụt công nhân hay một số vướng mắc liên quan tới trượt giá, điều chỉnh dự án, đàm phán lại đặc biệt các dự án liên quan tới yếu tố nước ngoài… Do đó nhiều dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án đầu tư trọng điểm bị đình trệ, ảnh hưởng tiến độ thi công.
Do đó, song song với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng trong đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng trong hỗ trợ doanh nghiệp để sớm đưa ra giải pháp phù hợp nhất hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn.
Mới đây, Chính phủ đã thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật để tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến triển khai công việc này như thế nào, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát và chủ động kiến nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật. Trong số 10 luật được đề nghị (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thi hành án dân sự; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Doanh nghiệp; Luật Điện lực) có tới 6 luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu.
Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, ngay cả những luật mới có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… vẫn có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa luật. Hơn nữa, cơ hội để sửa luật không nhiều nên sẽ làm một lần sửa nhiều luật, còn không thì phải đưa vào các chương trình sửa luật của Quốc hội, phải mất từ 3-5 năm mới có thể làm được.
Chẳng hạn, như vấn đề chấp thuận đầu tư đồng thời với chấp nhận đầu tư của dự án nhà ở có quyền sử dụng đất một phần hay nhiều phần hay đất có quy hoạch là vấn đề rất nóng hiện nay. TP.HCM có 128 dự án vướng trong khi TP.Hà Nội có 82 dự án cũng đang vướng. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp cũng đồng thuận về vấn đề này.