“Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên và phát triển rừng trồng là hướng đi chính của kinh tế lâm nghiệp. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lần lượt là 10,3 triệu và 4,3 triệu ha, tương đương cơ cấu 70% diện tích rừng tự nhiên và 30% diện tích rừng trồng; hiện đang bố trí 50% diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng, còn lại 50% là diện tích đất rừng sản xuất.
Đối với rừng trồng, chúng ta chủ trương phát triển rừng gỗ lớn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với rừng gỗ nhỏ, vừa mang lại hiệu quả sinh thái mong đợi là làm cho độ phì của đất tăng dần và bền lâu sau mỗi chu kỳ kinh doanh.
Có thể nói, trồng rừng kinh tế để cung cấp gỗ nguyên liệu đã và đang hướng đến đảm bảo cả về “lượng” và “chất”. “Lượng” ở đây là chủng loại và số lượng gỗ cung ứng, là đầu vào cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu. “Chất” trước hết là tính hợp pháp, là uy tín, thương hiệu, là nguồn gốc từ rừng có chứng chỉ; tiếp đó là có giá trị, tạo thuận lợi cho gia công, chế biến, hợp thị hiếu, được ưa chuộng.
Việc thực thi các công ước cũng như các hiệp định có liên quan, như CITES, UNCCD, VPA/FLEGT là biểu hiện rõ nét về sự phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã và đang thực hiện tốt các cam kết quốc tế có liên quan đến bảo tồn rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu trong khi vẫn đưa được dòng gỗ xuất khẩu có giá trị cao ra thị trường quốc tế, thu về lợi nhuận hàng tỷ USD cho ngành gỗ trong nước.
Hiện, Tổng cục Lâm nghiệp đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện dự thảo: “Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp” và Bộ đã trình lên Chính phủ. Chính sách này hướng vào việc kích hoạt ý tưởng, tầm nhìn và nỗ lực của các bên tham gia vào chuỗi giá trị lâm sản cũng như trong tổng thể hệ sinh thái lâm nghiệp, qua đó đảm bảo cân bằng cho phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
“Không đi theo sản xuất đại trà, Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam tập trung vào thị trường ngách là ván ép uốn cong, sản xuất theo đơn đặt hàng của những “ông trùm” thức ăn nhanh của Hoa Kỳ như Starbucks, McDonald. Làm những dòng sản phẩm này tuy khó hơn, cao cấp hơn và phải theo khuôn theo đối tác yêu cầu nhưng lại bán được giá cao.
Để làm được ván ép uốn cong, chúng tôi sử dụng khoảng 95% là gỗ cao su, 5% là các loại gỗ nhập khẩu. Nhờ hướng đi riêng vào thị trường sản phẩm đặc biệt, giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ cộng với thị trường trong nước của Công ty Nhật Nam đạt khoảng 4 triệu USD/năm.
Hiện nay, khách hàng ngày càng đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc gỗ, khoảng 25% đơn đặt hàng phía đối tác yêu cầu nguyên liệu phải có chứng chỉ rừng bền vững FSC và họ trả giá cao hơn 25-30% so với đơn hàng không có chứng chỉ này.
Gỗ cao su trắng đẹp, làm được nội thất cao cấp, tuy nhiên hiện nay cao su của Việt Nam chưa có chứng chỉ FSC. Vì vậy, để sản xuất đồ gỗ đáp ứng những đơn hàng này, chúng tôi buộc phải nhập khẩu từ những quốc gia có rừng đã được cấp FSC. Nếu đàm phán được với khách hàng đồng ý sử dụng gỗ keo thì đơn giản hơn vì hiện diện tích gỗ keo có chứng chỉ FSC ở Việt Nam đã nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng đàm phán với FSC để cùng xây dựng quy trình trồng rừng cao su bền vững và cấp chứng chỉ FSC đối với rừng trồng cao su”.
“TAVICO đã xây dựng chợ gỗ tại Biên Hòa, việc này nhằm góp phần tạo ra chuỗi bền vững trong ngành gỗ và tạo ra giá trị 100% cho các ngành. Chợ gỗ cũng tạo ra các chuỗi phân phối hợp lý cho thị trường nội địa, khi các doanh nghiệp quá chú trọng tập trung vào các dự án và xuất khẩu mà bỏ mặc thị trường nội địa cho các làng nghề.
Việc xây dựng chợ gỗ nguyên liệu cũng nhằm thúc đẩy thị trường gỗ hợp pháp, trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi Hiệp định VPA/FLEGT với EU, các thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.
Một thực tế là nhiều làng nghề gỗ vẫn chưa thật sự chú trọng, thậm chí thả nổi vấn đề về gỗ nguyên liệu hợp pháp. Chúng tôi muốn thay đổi thói quen này và quan trọng hơn, các làng nghề phải là hạt nhân đầu tiên tuân thủ các hiệp định thương mại, các cam kết mà Chính phủ Việt Nam đã ký về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. TAVICO đã liên kết với một số làng nghề gỗ ở Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định… để cung cấp gỗ nhập khẩu nguyên liệu cho các làng nghề.
Sự hình thành mô hình liên kết giữa công ty trong ngành gỗ và hộ gia đình tại một số làng nghề là hướng đi chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Sức sống tại các làng nghề làm đồ gỗ rất dẻo dai, trải qua những biến động của thị trường, các làng nghề vẫn duy trì, tồn tại và phát triển.
Một khi doanh nghiệp gỗ và làng nghề cùng tập trung nguồn trí tuệ, tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp và tinh hoa của làng nghề, sẽ tạo không gian cho sáng tạo, sự tươi mới cho thương hiệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Sự liên kết này cần phát triển thành liên kết nhóm, bởi chỉ có liên kết nhóm mới mang lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp và làng nghề xây dựng thương hiệu và phát triển vững chắc”.
“Forexco Quảng Nam đang có 1.500 ha rừng trồng - là đất lâm nghiệp thuê từ Nhà nước; cùng với 4 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Công ty đã xây dựng chuỗi giá trị gỗ hoàn chỉnh khép kín, từ trồng rừng - khai thác - sơ chế - chế biến gỗ nguyên liệu, đến sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ. Đặc biệt, toàn bộ 1.500 ha rừng trồng của Forexco Quảng Nam đều được cấp chứng chỉ quốc tế rừng bền vững FSC.
Từ thực tế này, Forexco Quảng Nam cho rằng sản xuất rừng đại điền – trồng rừng quy mô lâm trường, hợp tác xã lâm nghiệp sẽ hiệu quả hơn, sẽ có điều kiện đầu tư khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, tổ chức sản xuất trồng rừng gỗ lớn để chuỗi giá trị gỗ sẽ lớn hơn và hiệu quả hơn nhiều so với trồng rừng quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Chắc chắn rừng trồng 10 năm sẽ có giá trị kinh tế cao hơn rừng trồng 5 năm.
Một vấn đề khác, các hộ dân trồng rừng sẽ khó đạt được các chứng chỉ rừng bền vững, nhất là chứng chỉ FSC. Nếu có chứng chỉ gỗ FSC, giá bán gỗ và đồ gỗ luôn cao hơn, cơ hội tìm kiếm đơn hàng sẽ tốt hơn.
Thực tế cho thấy, để được cấp giấy chứng nhận FSC đòi hỏi chi phí rất lớn, không chỉ từ việc trồng rừng phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe, trồng rừng dài năm, mà còn ở tiền lệ phí duy trì chứng chỉ hàng năm rất lớn tùy vào diện tích được cấp chứng chỉ. Với 10.000 USD chia cho 1.500 ha rừng trồng của Forexco thì chi phí trên mỗi ha sẽ không lớn. Nhưng với các hộ dân, với mỗi hộ chỉ 5-10 ha thì sẽ không thể cáng đáng được chi phí này.
Nghị quyết của Chính phủ trồng rừng gỗ lớn là rất thiết thực. Tuy nhiên, vấn đề là chính sách để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ trồng rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn. Cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp sơ chế, chế biến gỗ liên kết với nông dân trồng rừng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân để cùng phát triển rừng gỗ lớn theo quy trình bền vững”.
“Năm nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU đều bị giảm đơn hàng 50-70%.
Để tháo gỡ khó khăn vào thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành hàng của mình theo hướng hiện đại bền vững.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ cần chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường này.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi. Đặc biệt, các doanh nghiệp gỗ cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp gắn với quản lý rừng bền vững...
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam những năm qua cũng đòi hỏi ngày càng tăng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào. Nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước rất lớn và đang có xu hướng gia tăng, vượt 30 triệu m3/năm, sản lượng gỗ nguyên liệu thu từ rừng trồng trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng.
Đồng thời cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng cũng cần được ưu đãi khuyến khích trồng rừng gỗ lớn nhằm tạo nguồn cung nguyên liệu phù hợp”.
“Tại Nhật Bản, do tất cả các nhà máy nhiệt điện đã và đang chuyển đổi từ sử dụng than đá sang sử dụng viên nén, nên nhu cầu viên nén rất lớn. Trong tương lai gần, cùng với thị trường Nhật Bản, công ty chúng tôi sẽ xuất khẩu sản phẩm viên nén đi châu Âu.
Vì vậy, toàn bộ nguyên liệu đều hướng đến chứng chỉ rừng bền vững FSC, ISO… Toàn bộ quy trình sản xuất phải tuân thủ quy chuẩn theo yêu cầu của Nhật Bản và tuân thủ pháp luật rừng trồng của Việt Nam.
Biomass Fuel là công ty đầu tiên tại Việt Nam được thử nghiệm, ký kết thỏa thuận hợp tác với Hợp phần quản lý rừng bền vững do USAID tài trợ. Nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén tại nhà máy Biomass Fuel là gỗ trồng (chủ yếu gỗ keo, ngoài ra có gỗ thông, gỗ các cây vườn như xoài, mít…) chiếm 95%.
Quản lý nguyên liệu đầu vào, công ty có 2 hệ thống: quản lý gỗ rừng trồng trong vùng rừng trồng nguyên liệu của công ty tại địa phương và quản lý nguyên liệu nhập từ bên ngoài. Với nguyên liệu thu mua từ các đối tác, chúng tôi chỉ chọn những cơ sở sản xuất gỗ ghép thanh, gỗ bóc vì biết chắc họ sản xuất từ gỗ rừng trồng trong nước.
Với nguyên liệu gỗ rừng trồng, công ty liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng rừng để quản lý giám sát toàn bộ quy trình trồng rừng nguyên liệu. Trước khi làm nghiên cứu khả thi dự án xây dựng nhà máy này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát vùng nguyên liệu.
Qua khảo sát, nhận thấy tiêu chuẩn FSC rất khó thực hiện ở Việt Nam, bởi quanh vùng Nghệ An – Hà Tĩnh không có rừng nguyên liệu có chứng chỉ FSC. Tại Việt Nam, từ người trồng rừng, truy xuất đến người sản xuất rất phức tạp. Hiểu được vấn đề này, công ty thiết lập giải pháp nhằm quản lý được theo cách thực tế nhất, hợp lý nhất.
Chính quyền tỉnh Nghệ An đã quy hoạch cho công ty chúng tôi vùng nguyên liệu 3.000 ha ở rừng trồng của nông dân tại huyện Đô Lương. Công ty cũng đang đề nghị tỉnh quy hoạch cho vùng nguyên liệu 15-18 rừng trồng của nông dân tại huyện Anh Sơn. Công ty đã tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng rừng tại các vùng nguyên liệu này, nông dân trồng và chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt để đạt chứng chỉ FSC, FMC. Tại vùng nguyên liệu này, nông dân trồng rừng không được khai thác khi cây chưa đến tuổi theo quy định, được chúng tôi cam kết thu mua với giá cao hơn 10-20% so với giá thị trường”.
VnEconomy 30/11/2022 08:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam