“Năm 2023, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, gây áp lực lớn đối với ngành hải quan, ngành thuế trong công tác thu thuế và thực hiện các nghĩa vụ ngân sách. Bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành thì báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.
Các bạn đã sát cánh cùng chúng tôi tích cực truyền tải thông tin đến các chủ thể trong diện thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Đặc biệt, báo chí cũng phản ánh chân thực tình hình kinh tế, xã hội cũng như khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải; từ đó, các cơ quan quản lý kịp thời ban hành các chính sách kích cầu, phục hồi sức sản xuất, tạo nguồn thu/mở dư địa thu để ngành hải quan và thuế hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao.
Về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hải quan là lực lượng dân sự nhưng được Nhà nước giao thẩm quyền trong công tác đấu tranh chống tội phạm. Theo ghi nhận, trong năm 2023, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển, đặc biệt là tuyến hàng không, đây là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam.
Có thể nói, việc hoàn thành nhiệm vụ những tháng đầu năm của ngành hải quan và thời gian tới có một phần đóng góp to lớn của các cơ quan thông tấn báo chí. Thời gian tới, tình hình 6 tháng cuối năm 2023 sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, ngành hải quan sẽ cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí tập trung hỗ trợ, để công tác tuyên truyền có chuyển biến tích cực hơn nữa, giúp ngành hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ nhất, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền vào công tác cải cách hải quan và nỗ lực của ngành hải quan trong việc tạo thuận lợi, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Thứ hai, tuyên truyền về các kết quả, công tác trọng tâm nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, chống thất thu thuế, bám sát Chỉ thị số 479/CT-TCHQ ngày 6/2/2023 về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt công tác phòng chống ma túy, kết quả phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát bắt giữ có hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh cộng đồng và góp phần bảo vệ các sức khỏe người dân.
Thứ tư, về lộ trình, chiến lược phát triển của ngành đến năm 2030 để ngang tầm với hải quan các quốc gia trên thế giới, trọng tâm là tập trung xây dựng mô hình hải quan xanh và hải quan số, hải quan thông minh, để các thủ tục, giao dịch được thực hiện trên nền tảng số”.
“Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đều coi truyền thông là một hoạt động quan trọng, góp phần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như công bố, minh bạch chính sách, nâng cao nhận thức, niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến việc truyền thông giáo dục tài chính.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai một cách có trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới các chương trình giáo dục tài chính cộng đồng, với mong muốn thay đổi nhận thức, hành vi, hình thành thói quen tài chính tốt trong cộng đồng, trọng tâm hướng tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhóm công chúng ít thông tin về tài chính và giới trẻ để góp phần bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật… Hoạt động truyền thông của Ngân hàng Nhà nước đã có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, phương thức truyền thông tới công chúng.
Về nội dung truyền thông, ngành ngân hàng thực hiện truyền thông trên cơ sở những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm, trong đó đặc biệt tập trung vào các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng như chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, quy trình vay vốn, thanh toán...
Để đưa các chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đến với công chúng, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, không thể không kể tới vai trò của các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy nói riêng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Với các chính sách mới, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện truyền thông trước, trong và sau khi ban hành các chính sách.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính hướng tới các nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt là các kiến thức chiều sâu về tài chính ngân hàng như về các loại hình sản phẩm trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm, chứng khoán, các sản phẩm tài chính đầu tư và sự khác nhau giữa các loại hình này… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường: Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, giá năng lượng thế giới tăng cao, chiến sự Nga- Ukraine kéo dài…
Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Do đó, sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo sự đồng thuận của dư luận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và ngành ngân hàng liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin gửi lời chúc mừng đến Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy vì sự nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức thể hiện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả. Mong rằng Quý báo tiếp tục có những bài viết có tính chất phản biện, đa chiều, góp phần giúp các cơ quan quản lý có thêm một kênh để lắng nghe dư luận và có sự đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn để hoàn thiện chính sách”.
“Tôi là một độc giả gắn bó với Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhiều năm nay, từ khi Thời báo Kinh tế Việt Nam mới ra đời. Đối với tôi, Tạp chí Kinh tế Việt Nam luôn giữ vững vị trí là ấn phẩm kinh tế hàng đầu trong làng báo chí Việt Nam. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tạp chí luôn thể hiện đúng đắn định hướng chính trị của Đảng - kim chỉ nam cho lao động báo chí, đồng thời phản ánh đầy đủ và chính xác các chính sách kinh tế của Nhà nước. Bên cạnh đó, tạp chí luôn có sự gắn bó mật thiết và đưa thông tin đa dạng, khách quan về hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực từ sản xuất và lưu thông đến dịch vụ, đầu tư, tài chính-ngân hàng…
Những năm gần đây, tôi đặc biệt yêu thích mục Tiêu điểm trên VnEconomy. Tôi đọc được nhiều bài viết hay và bổ ích, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế. Tôi đánh giá cao việc tạp chí luôn có nhiều bài phân tích chuyên sâu, kỹ lưỡng về những vấn đề nổi bật của các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, lãi suất, tỷ giá… trong và ngoài nước.
Tôi cũng đánh giá cao các bài viết về thị trường vàng quốc tế và Việt Nam mà tạp chí đăng tải hàng ngày. Các thông tin trong chuyên mục vàng vừa đầy đủ, kịp thời vừa có phân tích, nhận định để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn.
Với sứ mệnh là cầu nối cung cấp thông tin kinh tế và kinh doanh cho độc giả, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò đi đầu trong làng báo Việt Nam ở lĩnh vực này. Tôi cho rằng đây là một tạp chí mà nếu thiếu vắng, những độc giả như tôi sẽ cảm thấy rất hụt hẫng.
Để tạp chí ra đời và phát triển được như ngày hôm nay, không thể không kể đến người đặt nền móng, xây dựng và phát triển của tạp chí là Giáo sư Đào Nguyên Cát, nhà sáng lập đầy tài năng và nhiệt huyết. Tôi rất cảm ơn ông cùng tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam”.
“Bất kỳ nghề nghiệp chân chính nào trên đời cũng đều quan trọng. Song, điều khiến nghề báo khác biệt có lẽ nằm ở vai trò, chức năng truyền tải thông tin tức trong đời sống xã hội. Thông tin tin cậy, chính xác giống như oxy trong một xã hội phát triển.
Mọi sự phát triển đều bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Từ nhận thức chuyển thành hành động, từ lượng sang chất. Muốn xã hội phát triển hiệu quả, rất cần liên tục nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi người, mọi thế hệ, mọi tầng lớp để tạo sự hợp tác, đoàn kết trong hành động. Thị trường tài chính/trái phiếu muốn phát triển được cũng không nằm ngoài quy luật này.
Nếu không có truyền thông đúng thì sẽ dẫn đến hiểu lầm, hiểu sai và sẽ tạo ra nhiều lực cản cho sự phát triển của thị trường. Thậm chí, truyền thông sai lệch có thể tạo ra tâm lý hoang mang, hoảng loạn làm cho thị trường méo mó, bất ổn và thậm chí đổ vỡ.
Do vậy, tôi cho rằng mỗi người làm báo đều mang trong mình một sứ mệnh vì mỗi bài báo được lan toả đều tạo tác động xã hội lớn. Điều đó khiến cho nghề báo cao cả và vinh quang, nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự dũng cảm dấn thân từ những người cầm bút.
May mắn có cơ hội làm việc, hợp tác cùng nhiều nhà báo trong hơn 20 năm qua, tôi rất vui và nhận thấy hầu hết các anh/chị có đam mê, khát vọng, bản lĩnh dấn thân, thái độ lao động nghiêm túc. Cùng đó là tinh thần tự học, sáng tạo không ngừng.
Không những vậy, các anh/chị luôn ngâm mình vào thực tiễn, tiếp xúc, gặp gỡ, nói chuyện thường xuyên với nhiều chủ thể khác nhau trên thị trường để có nhiều góc nhìn đa chiều, có sự đối chiếu, so sánh, phân tích… hiểu chính xác, đầy đủ, kịp thời, khách quan. Từ đó, họ cho ra đời những sản phẩm báo chí phản ánh đúng thực tiễn của thị trường, lý giải thông tin trên thị trường đúng bản chất…”.
“Lĩnh vực tài chính ngân hàng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Đất nước ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, do đó, các dịch vụ tài chính trở thành sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Mỗi người khi đến độ tuổi trưởng thành đều cần sử dụng một dịch vụ tài chính.
Để phục vụ và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận dân cư trong xã hội, ngành ngân hàng không chỉ triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà còn tổ chức thực hiện Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn tài chính phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng.
Do đó, những công ty tài chính tiêu dùng như Mcredit và các công ty khác đều xác định sứ mệnh của mình là mang những sản phẩm tài chính cá nhân phụng sự người tiêu dùng. Mỗi cá nhân có đầy đủ kiến thức, thông tin để sử dụng sản phẩm/dịch vụ tài chính hiệu quả thì Việt Nam sẽ có tài chính toàn diện và vững mạnh.
Trong quá trình đó, thị trường cho vay tiêu dùng rất cần sự chung tay của các nhà báo, thông qua những bài viết tuyên truyền, phổ biến để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các nguồn tín dụng tiêu dùng chính thức, từ đó phòng tránh được nạn tín dụng đen.
Với khả năng nắm bắt thông tin, bám sát thực tế đời sống, thời gian qua các nhà báo đã kịp thời phản ánh và cảnh báo các thủ đoạn, các chiêu trò, các hình thức đòi nợ kiểu “xã hội đen” của các tổ chức, công ty tài chính phi chính thức để người dân cảnh giác và tránh hiểu nhầm với các công ty tài chính chính thức.
Tôi rất mong trong thời gian tới, báo chí tiếp tục tiên phong trong việc xoá bỏ những hiểu lầm, đánh đồng về hoạt động của công ty tài chính với các tổ chức cho vay phi pháp, từ đó xây dựng lòng tin và ý thức trách nhiệm từ phía khách hàng; tiếp tục giúp người dân có hiểu biết và lựa chọn đúng đắn, tiếp cận các sản phẩm tài chính an toàn, hiệu quả và lành mạnh!”.
“Trong truyền thông và phản biện chính sách, có thể thấy, sự ảnh hưởng của báo chí rất lớn thông qua việc phát hiện những điều bất cập, ngăn chặn những chính sách không hợp lý cũng như hoàn thiện những quyết định, chính sách phù hợp với thực tế, từ đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Báo chí bám sát thực tế và phản ánh tiếng nói của các chuyên gia, của người dân, doanh nghiệp nên những vấn đề được báo chí ủng hộ, nhắc đến và quan tâm, đương nhiên cơ quan chức năng sẽ xem xét, không thể bỏ ngoài tai. Do đó, báo chí cũng có sức tác động lớn, từ những người chủ trì soạn thảo chính sách cho đến những người xem xét, thông qua chính sách ở các cấp khác nhau và thậm chí ở cấp cuối cùng như Quốc hội.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là còn rất nhiều vấn đề báo chí phản ánh hoàn toàn chính xác, hợp lý và thậm chí đeo đuổi rất nhiều năm như: sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra nhiều mặt trái, tồn đọng nhiều vấn đề; hay những vướng mắc về thủ tục hành chính… đều được báo chí tích cực theo sát và phản ánh nhưng lại chậm được ghi nhận. Chỉ đến khi thay đổi lãnh đạo, bộ trưởng ngành hay xảy ra một sự cố nghiêm trọng, bất thường khiến thị trường lao đao, đứng trước nguy cơ sụp đổ, lúc đó, các cơ quan quản lý mới cuống cuồng, gấp rút sửa đổi chính sách để “chữa cháy” tình thế hay cứu doanh nghiệp. Đáng nói, thời điểm này rất khó khắc phục những điểm bất cập và thời gian cũng không đủ chín, đủ kỹ lưỡng để rà soát lại chính sách; đồng thời, việc sửa đổi chính sách lúc này cũng bị gây sức ép từ nhiều phía.
Bên cạnh đó, hoạt động phản biện chính sách của báo chí còn gặp khó khăn, bởi khác với thời gian trước đây, số lượng văn bản được ban hành thấp, còn những năm gần đây, có một xu thế không muốn thừa nhận đó là mong muốn duy ý chí trong cải thiện văn bản có hiệu lực pháp lý cao như luật, bộ luật. Điều này nảy sinh nhiều sai lầm, khiến các luật sửa đổi liên tục như Luật Doanh nghiệp, hay các chính sách thuế, đất đai, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… cũng rơi vào tình trạng này. Thế nhưng, chính sách mới được ban hành có xu hướng thắt chặt theo quan điểm, góc nhìn của giới quản lý chứ không theo quan điểm của thị trường, của người dân hay doanh nghiệp”.
VnEconomy 21/06/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam