Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 1
Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 2

Để tìm kiếm giải pháp cho tình trạng căng thẳng về nước, Chính phủ Singapore đã đặt ra những chính sách quản lý cả nguồn cung và cầu đối với nước, xây dựng quy hoạch dài hạn, đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch tái tạo nước sạch. Chính phủ quốc đảo này đã dành nhiều thập kỷ để phát triển một kế hoạch tổng thể tập trung vào cái mà họ gọi là 4 “vòi nước quốc gia”: trữ nước; tái chế; khử muối và nhập khẩu.

Marina Barrage - Đập nước Marina là một trong những điểm đến đầu tiên trong chương trình Journalist Visit Programme (JVP) dành cho các phóng viên quốc tế được tổ chức bởi Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation - SIF). Đập nước này là một trong 4 “vòi nước quốc gia”, một minh chứng cho sự nỗ lực của Singapore trong việc phát triển bền vững.

Được xây dựng giữa trung tâm thành phố, trên miệng kênh đào Marina Channel có chiều rộng 350 mét, đập nước Marina ngăn nước biển, tạo ra hồ chứa thứ 15 của đất nước, với diện tích lên tới 10.000 ha. Bằng cách sử dụng 9 cửa xả và 7 máy bơm khổng lồ, đập nước có thể điều tiết lượng nước dư ra biển khi thủy triều cao hoặc thấp.

Đập nước Marina Barrage cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giảm bớt ngập lụt ở một số khu vực thấp của đảo như Chinatown, Boat Quay, Jalan Besar và Geylang. Trong suốt giai đoạn mưa lớn, toàn bộ chín cửa của con đập sẽ được mở để xả bớt lượng nước mưa dư thừa ra biển, khi thủy triều thấp hơn mực nước trong đập. Khi thủy triều lên cao, những máy bơm khổng lồ có khả năng bơm một lượng nước tương đương thể tích một hồ bơi Olympic mỗi phút sẽ được đi vào hoạt động, giúp thoát nước ra biển.

Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 3

Theo Cơ quan Quản lý nước quốc gia Singapore (PUB), đập Marina cho thấy một giải pháp toàn diện về sử dụng nguồn nước ở đô thị hoàn toàn có thể giải quyết được nhiều mục tiêu cùng lúc: nguồn cung nước, kiểm soát lũ lụt và cải thiện môi trường sống để bảo đảm chất lượng cuộc sống tốt hơn. Điều này rất quan trọng vì khi tỷ lệ đô thị hóa đang gia tăng thì cần thiết phải có các giải pháp hiệu quả để giữ nguồn nước cho nhiều thế hệ mai sau.

Thách thức lớn nhất là Singapore thiếu các nguồn nước ngọt tự nhiên như nước ngầm và các tầng chứa nước, cùng với thiếu không gian để thu và trữ nước mưa. Thách thức này nêu bật tầm quan trọng của đập nước Marina. Cùng với các đập nước khác trên đảo quốc sư tử, Marina cung cấp 10% lượng nước sạch cho nhu cầu sử dụng của người dân, đảm bảo nguồn nước ổn định.

Bên cạnh đó, Singapore cũng xây dựng 5 nhà máy khử muối sản xuất nước uống bằng cách đẩy nước biển qua màng để loại bỏ muối hòa tan và khoáng chất, đã tạo ra hàng triệu gallon nước sạch mỗi ngày.

Ngoài ra, một chương trình tái chế nước thải quy mô lớn sẽ lọc nước thải thông qua quá trình lọc vi mô, thẩm thấu ngược và chiếu xạ tia cực tím, bổ sung vào các bể chứa nước uống. Được biết đến với tên gọi là “NEWater”, nước thải đã qua xử lý hiện cung cấp 40% lượng nước cho Singapore. Chính phủ hy vọng sẽ tăng công suất lên 55% trong những năm tới. Hiện có 5 nhà máy NEWater đang hoạt động ở quốc gia này.

Hiện tại, Singapore đã trở thành một nước hàng đầu thế giới về quản lý nước trong vòng vài thập kỷ. Đất nước này đã trở thành trung tâm công nghệ về nước toàn cầu, là nơi đặt trụ sở của gần 200 công ty nước và hơn 20 trung tâm nghiên cứu. Công nghệ nước được phát triển và sử dụng ở Singapore như bộ lọc nước di động, công nghệ kiểm tra nước và công cụ quản lý lũ lụt đã được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia. Trước đó, năm 2015, Viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Mỹ xếp Singapore vào danh sách các nước đối mặt với nạn khan hiếm nước nhất thế giới vào năm 2040 cùng với các quốc gia Trung Đông khác.

Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 4

Năm 2006, Chính phủ Singapore đã phát động chương trình “Active, Beautiful, Clean Waters Program” nhằm biến hệ thống cung cấp nước của đất nước này thành các khu vực công cộng, nơi người dân có thể tham qua, ngắm cảnh và vui chơi. Đây được xem là một minh chứng về sự thành công và những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Singapore vì một môi trường và nguồn nước bền vững trong 10 năm qua.

Không chỉ cải tạo cảnh quan xung quanh và chất lượng nước ở các con sông và hồ chứa, Chính phủ Singapore còn tạo ra các không gian sinh hoạt cộng đồng dọc theo chúng. Điều này sẽ góp phần tạo nên mối dây liên kết giữa con người và thiên nhiên, tăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân Singapore.

Đập nước Marina là một ví dụ điển hình. Kể từ khi mở cửa, nơi đây đã trở thành trung tâm của nhiều hoạt động trong nước lẫn quốc tế với hơn 5,9 triệu lượt khách tham quan. Một điển hình cho giải pháp thông minh và có tính phát triển bền vững chính là khu vườn trên cao phủ cỏ xanh có kích cỡ bằng bốn sân vận động bóng đá. Khu vườn này lại chính là mái nhà giữ vai trò cách nhiệt tự nhiên cho tòa nhà thuộc khu phức hợp đập Marina bên dưới.

Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 5

Đặc biệt, Solar Park (Công viên Mặt trời) được xây dựng với hệ thống hơn 400 tấm pin mặt trời trải dài, với mục đích chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành nguồn năng lượng điện. Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là tăng cường nhận thức về năng lượng mặt trời và bảo vệ môi trường tại khu vực Đập nước Marina mà bạn có thể ghé qua tham quan.

Hồ nước ngọt cũng được khai thác cho các hoạt động giải trí theo như phương châm ba chữ R mà cơ quan PUB đặt ra là “Recharge (lưu trữ nước), Regulate (điều tiết lũ lụt) và Relax (trở thành điểm vui chơi giải trí)”. Đây cũng chính là điều gây ấn tượng của đập Marina khi cách hoạt động và vận hành đạt được ba mục tiêu đồng thời là kiểm soát lũ lụt, cấp nước và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Cả trăm chương trình liên quan đến việc lưu trữ, bảo quản nguồn nước vẫn đang được tiếp tục tiến hành ở Singapore. Đến với Singapore, chúng ta có thể cảm nhận được rằng quốc gia này sẽ không bao giờ ngừng nghỉ với mong ước phát triển bền vững đích thực, và bảo tồn nguồn nước là một trong những mục tiêu cốt lõi.

Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 6

Singapore đã thành công trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước nhờ tầm nhìn dài hạn, sử dụng công nghệ tiên tiến và hợp tác với các bên liên quan. Kinh nghiệm của Singapore cung cấp bài học quý giá cho các thành phố khác trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trong tương lai.

Tại Việt Nam, công tác quản lý ngập hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của các đô thị, đặc biệt, tại miền duyên hải hay những vùng trũng tại Đồng bằng sông Cửu Long với những khu vực xây dựng dày đặc đang phải chịu tác động kép của hệ thống thoát nước yếu kém và thủy triều thất thường do biến đổi khí hậu. Ở những địa phương này, các biện pháp công trình như kè bờ hoặc cải tạo hệ thống cống vẫn thường được sử dụng. Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận tích hợp đối với quản lý ngập cũng đang dần được các thành phố chú ý.

Điển hình tại TP.HCM, Dự án Quản lý rủi ro ngập do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ sẽ tích hợp các biện pháp công trình và phi công trình để chống ngập cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát phía Tây thành phố.

Theo WB, thiết kế một công viên đa chức năng bao gồm các khoảng trũng vừa làm hồ chứa nước tạm thời phòng khi mực nước kênh dâng cao, vừa là những khoảng xanh cho các hoạt động vui chơi khi cạn là ví dụ mà Việt Nam có thể tham khảo từ Singapore. Bên cạnh đó, những thành phố nhỏ khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện các dự án nâng cấp đô thị cũng có thể học hỏi về các đầu tư hạ tầng xanh và thân thiện với thiên nhiên hơn nữa.

Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 7

VnEconomy 24/06/2024 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hành trình bảo tồn nguồn nước không ngừng nghỉ của Singapore - Ảnh 8