Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 1
Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 2

“Ngành thủy sản bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm dần qua từng năm. Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được “thẻ vàng” là do tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15% so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát. Chỉ cần còn một chiếc tàu vi phạm là EC sẽ không gỡ “thẻ vàng”. 

Đối với nhiệm vụ thực thi gỡ “thẻ vàng”, tôi xin khẳng định: khó mấy vẫn phải làm! Các quốc gia như Thái Lan, Philippine sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi đó, ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển danh sách các tàu cá vi phạm tới Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi. Phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp.

Theo thống kê, trữ lượng thủy sản ở biển Đông khoảng 3,9 triệu tấn. Hiện chúng ta đã khai thác tới 3,6 triệu tấn/năm. Do đó, nuôi trồng là giải pháp gần như duy nhất để giảm cường lực khai thác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định rõ 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác - nuôi trồng - bảo tồn. Bộ đã ban hành quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đã quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng cho đến nay mới chưa đạt 0,12%.

Phải làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển. Nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, đẩy mạnh nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn, thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

Về những vướng mắc còn tồn tại trong nuôi biển, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào nuôi biển. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án cho bà con ngư dân lên bờ, nhưng vẫn duy trì các công việc liên quan như nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường. Một hướng đi nữa là có thể chuyển hẳn bà con sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp”.

Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 3

“Trong gần 6 năm qua, nhờ quyết liệt thực hiện những khuyến nghị của EC về thực thi chống đánh bắt IUU, Việt Nam đã chuẩn hóa được quản lý khai thác hải sản theo quy định quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các khuyến nghị của EC đưa ra đối với ngành hải sản nước ta đều đã và đang được thực hiện triệt để.

Đối với “Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản”, Luật Thủy sản của Việt Nam cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành (gồm 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Chính Phủ, 8 Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã quy định đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU, đã đáp ứng được yêu cầu từ phía EC đưa ra. 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có “Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (được Thủ tướng phê duyệt năm 2021); “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (được phê duyệt năm 2021). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình dự thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan về “Kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam đến năm 2030”.

Đối với khuyến nghị giảm cường lực đánh bắt hải sản, số lượng tàu đánh bắt của nước ta đã giảm nhanh. Vào năm 2017, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 110.950 tàu. Ước tính đến thời điểm hiện nay, số lượng tàu đánh bắt hải sản ở Việt Nam chỉ còn khoảng dưới 87.000 tàu cá. Việt Nam đã áp dụng công nghệ vệ tinh trong hoạt động giám sát tàu cá khai thác hải sản trên biển; hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đã được xây dựng. Việt Nam quy định tất cả những tàu đánh bắt xa bờ (từ 15 mã lực trở lên, hoặc có chiều dài thân tàu trên 15m), đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Giữa năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét “Quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản” nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nếu các thiết bị, phương tiện hiện đại được áp dụng sẽ giúp tiến hành xử lý vi phạm được thuận lợi và nhanh hơn, bởi thông tin dữ liệu thu được từ thiết bị này sẽ là bằng chứng, chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm.

Hiện nay, tất cả các tàu đánh bắt có chiều dài từ 6 m trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản thì mới được rời cảng bến. Trong suốt quá trình hoạt động trên biển, mọi tàu đều phải ghi nhật ký đánh bắt, khi kết thúc chuyến đánh bắt, tàu về cập cảng sẽ được kiểm tra lượng khai thác phải thấp hơn số lượng ghi trong giấy phép đánh bắt và tuân thủ mọi quy định thì mới được cấp chứng nhận S/C (lô nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp) – đây là giấy “thông hành” để lô hàng được phép xuất khẩu.

Nhiều địa phương đã thí điểm lắp đặt trang bị thiết bị điện tử tự động ghi nhật ký đánh bắt trên biển, giúp ngư dân không phải thao tác bằng cách ghi chép vào sổ giấy. Đây là quy trình bắt buộc khi thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khi tàu cá xuất bến và về bến”.

Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 4

“Thời gian qua, Hội Nghề cá Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các khuyến nghị của EC và các nhiệm vụ trọng tâm đến hội viên và ngư dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp gỡ “thẻ vàng" IUU; phối hợp với cơ quan quản lý thủy sản và chính quyền địa phương ven biển theo dõi công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Để gỡ được “thẻ vàng”, trước mắt cần tập trung xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển các nước, xử lý nghiêm các tàu cá không tuân thủ kết nối VMS khi hoạt động đánh bắt trên biển. Tăng cường việc giám sát sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng cá, thực hiện nghiêm việc ghi và nộp nhật ký khai thác một cách thực chất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân và cán bộ địa phương, cơ sở, chú trọng thuyền trưởng trên tàu cá. Chú trọng dự báo ngư trường khai thác trong vụ cá Bắc, vụ cá Nam để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác trong vùng biển nước ta.

Về lâu dài, cần có giải pháp xây dựng nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm, đảm bảo tính ổn định và bền vững, thực hiện quy hoạch các nghề khai thác thủy sản ở các vùng biển và từng địa phương. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho hoạt động điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản ở các vùng biển và dự báo kịp thời, chính xác ngư trường đánh bắt cho nghề khai thác theo mùa vụ sản xuất; quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, tay nghề cho lao động khai thác; đồng thời, chăm lo đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá từ cơ sở vật chất đến nhân sự thực thi nhiệm vụ”.

Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 5

“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9/2023 và đến thời điểm Đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra (vào tháng 10/2023) sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm, không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. 

Đồng thời, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá tại địa phương, đối khớp số liệu giữa báo cáo và Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); tập trung kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên xuất, nhập bến; kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh theo quy định, đặc biệt là khối tàu từ 15m trở lên… Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là Malaysia.

Nỗ lực và quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian qua chính là động lực lớn để nước ta sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Lĩnh vực khai thác thủy sản trong thời gian tới sẽ có một số định hướng mới. Đặc biệt, chúng ta sẽ giảm dần cường lực khai thác, giảm dần số lượng tàu cá khai thác, dự kiến đến năm 2025 còn 82.000 tàu cá, phấn đấu đến năm 2030 chỉ còn 70.000 - 72.000 tàu cá.

Bên cạnh đó, chuyển đổi một số nghề khai thác xâm hại đến môi trường (như: nghề lưới kéo, nghề te…) sang các nghề khai thác thân thiện hơn, hoặc chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân sang nuôi trồng thủy sản, các nghề dịch vụ khác để giảm dần áp lực khai thác trên biển.

Ngoài ra, phải đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn trung hạn để các cảng cá đáp ứng được những yêu cầu về quản lý nghề cá tại cảng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc và một loạt các vấn đề liên quan đến quản lý nghề cá”.

Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 6

“Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU đã tăng trưởng mạnh từ 90 triệu USD năm 1999, lên 1,5 tỷ USD vào năm 2017, nhưng từ khi “dính” thẻ vàng IUU thì kim ngạch xuất khẩu ngày càng sụt giảm. Trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, giai đoạn 2015 – 2017, EU từng là thị trường nhập khẩu hải sản nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 30 - 35% xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này giảm dần qua từng năm.

Theo thống kê của VASEP, năm 2018, năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, tỷ trọng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU chiếm 11,8%; năm 2019, con số này suy giảm còn 10,7% và còn 9,5% vào năm 2020; đến năm 2022 (sau 5 năm), tỷ trọng đã giảm còn 9,4%. Nếu Việt Nam bị cảnh báo “thẻ đỏ” thì không chỉ mất thị trường EU với giá trị xuất khẩu hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm, mà còn tổn thất hơn nữa về thương mại thủy sản cũng như uy tín ngành thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác.

Do đó, từ thời điểm bị cảnh báo thẻ vàng IUU đến nay, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ đã triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác thác IUU, tập trung vào các hoạt động đề xuất góp ý các văn bản quy phạm pháp lý của Chính phủ và hợp tác với các bên, quan hệ quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã chấm dứt thu mua các lô hàng hải sản không có Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), để đảm bảo các lô hàng xuất khẩu đều tuân thủ kiểm soát nguồn gốc theo đúng quy định của phía EC”.

Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 7

VnEconomy 25/09/2023 17:20

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khai thác - Nuôi trồng -  Bảo tồn: 3 trụ cột trong kinh tế biển - Ảnh 8