“Tính đến ngày 30/9/2024, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân trong tổng số 1.527 bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động, chiếm 23,84% so với bệnh viện công lập. Nhiều bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng quy mô giường bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị. Bên cạnh đó, y tế tư nhân cũng tham gia, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và chăm lo chính sách an sinh xã hội.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai.
Cùng chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định pháp luật theo cách khác nhau. Cụ thể, có nơi áp dụng các quy định pháp luật về chủ trương xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP; có địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hoặc Luật PPP.
Về chính sách đất đai y tế, trước đây, phần lớn các địa phương đều thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng bệnh viện tư nhân thông qua hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, không phải thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu hay đấu giá đất, được tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục cho nhà đầu tư thực hiện dự án, có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất công bằng như bệnh viện công lập.
Tuy nhiên hiện nay, một số địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không thống nhất áp dụng chính sách xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP khiến cho chính sách xã hội hóa khó đi vào cuộc sống.
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng đặt ra mục tiêu năm 2025, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; đến năm 2030, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Song hiện tại y tế tư nhân mới đạt khoảng 8%. Để đạt mục tiêu Nghị quyết 20 đặt ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ.
Trong đó, đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thống nhất chỉ nên áp dụng thực hiện theo Nghị định 69, Nghị định 59, thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn”.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao.
Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).
Mặt khác, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
Ngoài ra, hiện cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ. Do vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để “chính thức hóa” chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được “phải” chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Đặc biệt rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam”.
“Sau 18 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới với giá trị thương hiệu gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á. Việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị Viettel trên thương trường quốc tế.
Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn. Bên cạnh viễn thông, Viettel cũng mở rộng, đi vào chiều sâu đưa nền tảng số, những lĩnh vực mới để kinh doanh như thanh toán số tại châu Phi, Mozambique, những đóng góp ở đây rất lớn trong khi đầu tư rất nhỏ.
Bên cạnh những thuận lợi như lợi thế của người đi sau, nhân lực dồi dào và chi phí nhân công hợp lý, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Viettel cũng gặp nhiều khó khăn.
Kinh doanh công nghệ cao đặc biệt khó ở những nước lớn, phát triển. Do đó, những vùng chúng tôi tìm đến là những vùng khó khăn như ở châu Phi, Nam Mỹ, hay ở Đông Nam Á. Dù đã khảo sát kỹ thị trường trước khi đầu tư nhưng không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị tại đây. Bên cạnh đó là khó khăn do khác biệt ngôn ngữ và văn hóa.
Về những kiến nghị, đề xuất, chúng tôi đề xuất cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài, nhất là tại những nước mà chúng ta không có đại sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu đàn có thế mạnh cần được giao nhiệm vụ tại những vùng và khu vực cụ thể, từ đó cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nâm xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư”.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến ngành du lịch, đã ban hành một loạt các chính sách thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Năm 2024, toàn ngành du lịch quyết tâm phục hồi toàn diện, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2019, năm tăng trưởng kỷ lục trước đây của du lịch Việt Nam. Thực hiện mục tiêu này, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 11,4 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023, đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh những kết quả cao về thu hút khách quốc tế, thu hút khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng rất nhanh, 8 tháng năm 2024 đã đạt 90 triệu lượt khách du lịch, vượt qua cả năm 2019.
Để du lịch Việt Nam cất cánh hơn nữa, cần xây dựng hoàn thiện hạ tầng du lịch, giao thông vận tải. Đây là yếu tố rất quan trọng với ngành du lịch, việc kết nối các điểm du lịch với nhau giữa các địa phương của Việt Nam và của Việt Nam với thế giới luôn rất quan trọng. Đặc biệt trong vận tải, Việt Nam nên tăng cường vận chuyển đường sông và đường biển để phục vụ phát triển du lịch.
Về đầu tư các điểm du lịch, đề nghị các địa phương tập trung vào những điểm du lịch lớn, trọng điểm, hấp dẫn du khách, để xây dựng thành điểm nhấn cho hoạt động du lịch của địa phương, tránh dàn trải.
Sau đại dịch Covid-19, nhân lực ngành du lịch thiếu trầm trọng, hiện ngành chỉ đạt 60-70% lực lượng lao động so với trước kia. Để phát triển lực lượng này, bên cạnh sự cố gắng từ phía doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp để họ trực tiếp làm và có sự giám sát của các cơ quan liên quan. Nếu ngân sách phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực đến được với doanh nghiệp thì sẽ hỗ trợ hiệu quả và nhanh nhất.
Hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch của chúng ta còn chậm so với nhu cầu do công tác xúc tiến còn yếu, do đó cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Nếu Nhà nước có quỹ xúc tiến du lịch, hỗ trợ thẳng cho doanh nghiệp thì việc xúc tiến sẽ mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều khách hơn; đồng thời, hỗ trợ ngành du lịch chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển du lịch bền vững”.
“Với nền kinh tế và chính trị ổn định, quy mô dân số hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số vàng cùng với sự đổi mới, số hóa, công nghệ hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ. Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD.
Song song với cơ hội phát triển, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức đáng kể. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistics...
Những điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Tập Đoàn Masan - WinCommerce nói riêng về việc triển khai các kế hoạch hành động mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu hướng ngành để tận dụng lợi thế, tạo ra giá trị cạnh tranh.
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng tốt, nhưng tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTG nhằm đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển ngành bán lẻ, đến năm 2030, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất mong các bộ, ban, ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung: Phát triển thương mại hiện đại – tăng trưởng bền vững – tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới”.
“Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai xin kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hai vấn đề.
Một là, chúng tôi mong muốn Đảng, Chính phủ và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lào Cai. Đó là việc miễn, hoãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua.
Đặc biệt trong Luật Đất đai sửa đổi, hiện nay thuế đất trong sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều bất cập. Đó là giá đất thương mại dịch vụ đang áp dụng ở phần đất ở, đất thương mại trong đô thị. Vì thế, giá đất thương mại dịch vụ đang ở mức cao so với mặt bằng chung. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, chỉ còn vài ngày nữa là tròn một năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Vì thế, chúng tôi đề nghị đẩy mạnh việc tuyên truyền Nghị quyết này để từ đó làm động lực cho các doanh nghiệp phát triển hơn nữa, nhất là trong việc thúc đẩy phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân”.
“Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, chúng tôi cho rằng cần có những chính sách “kích cầu tiêu dùng”.
Một số quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm (voucher) đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết và đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việc này sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam”.
VnEconomy 19/10/2024 09:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam