Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và Thế giới quý 1/2024 với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy/ Vietnam Economic Times và Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ rằng sau hơn 30 năm chứng kiến những nỗ lực cải cách và phát triển kinh tế, hiện nay là thời điểm mà nền kinh tế của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nặng nề nhất.
Cụ thể, GDP quý 1/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của từng tháng trong quý 1/2024 lại không ổn định (tháng 1 tăng 18,3%, tháng 2 giảm 6,8%, tháng 3 tăng 4,1%). Đồng thời, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3/2024 dưới ngưỡng 50 điểm. “Như vậy, tôi cho rằng phục hồi của nền kinh tế trong quý 1/2024 là không bền vững”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét.
Một bất thường nữa cần phải lưu ý đó là mối quan hệ giữa giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất công nghiệp. TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ rằng trong thời kỳ trước đại dịch Covid-19 và trong thời gian dịch bệnh đó, tăng trưởng trung bình của giá trị sản xuất công nghiệp thường cao hơn so với tăng trưởng trung bình của giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp, hoặc có thể hai chỉ số này sẽ ổn định ở mức gần nhau.
Tuy nhiên, đến năm 2023 và quý 1/2024, giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp lại vượt xa giá trị sản xuất công nghiệp. “Điều này làm cho tôi nghi ngờ vì chi phí tiền lương và nguyên liệu đều gia tăng, trong khi bán hàng không đổi, mà lợi nhuận lại tăng lên”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nói.
Ngoài ra, tỷ lệ giữa doanh nghiệp gia nhập thị trường và doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý 1/2024 cũng ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, trung bình cứ bốn doanh nghiệp gia nhập thị trường thì chỉ có một doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến quý 1/2024, tỷ lệ này thay đổi rõ rệt khi cứ mỗi doanh nghiệp gia nhập thị trường thì sẽ có hai doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 36.244 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đối lập với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có đến 73.978 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quý 1 năm 2024, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có: 53.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có hơn 24 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở hầu hết các lĩnh vực là một biểu hiện rõ ràng cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể và tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề về sự ổn định và động lực phát triển của các doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế trong tương lai.
Tính chung quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, mức tăng trưởng này là chưa đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong tương lai gần. TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: nếu tình hình xuất khẩu không tăng trưởng, thì việc phục hồi của ngành công nghiệp sẽ gặp khó khăn, vì các hoạt động của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu. Do đó, nếu tình hình xuất khẩu không cải thiện, có thể gây ra áp lực đáng kể đối với sự phát triển và ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Lĩnh vực dịch vụ từ lâu đã được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ sau quý 3/2022, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực dịch vụ như tăng trưởng dịch vụ, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giảm giá liên tục đã trải qua những biến động không lường trước.
Trong quý 1/2024, tăng trưởng dịch vụ chỉ đạt mức 6,12%, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành đạt 8,2% và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá đạt 5,1%. Điều này thể hiện một thách thức mới đối với sự ổn định và sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam.
“Những con số của lĩnh vực dịch vụ thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và đang có xu hướng đi xuống vì lạm phát có thể gia tăng trong khi thu nhập của người dân lại không tăng. Khi một động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng bị xói mòn thì nền kinh tế khó có thể phục hồi mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Một vấn đề đáng lo ngại tiếp theo là tăng trưởng của đầu tư theo các thành phần kinh tế trong quý 1 vẫn chưa thể phục hồi. Cụ thể, mức tăng trưởng của đầu tư công được coi là “hụt hơi” khi giảm từ 21,2% trong quý 4/2023 xuống chỉ còn 3,7% trong quý 1/2024; tăng trưởng của đầu tư xã hội giảm từ 6,2% xuống còn 5,2%; đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực khác giảm từ 5,4% xuống còn 4,2%; đầu tư của lĩnh vực tư nhân tăng từ 2,7% lên 4,2%; đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng từ 6,2% lên 8,9%. Những kết quả này đã phản ánh sự không ổn định trong đầu tư và khó khăn của việc tăng trưởng đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1/2024 đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ.
Nhìn tổng quan, dù con số về vốn FDI trong quý 1/2024 đã đạt mức tăng, nhưng theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, sự gia tăng này là không đáng kể. Ông dự báo rằng tổng số vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ không vượt quá ngưỡng 36 tỷ USD. Thêm vào đó, quy mô vốn đầu tư của mỗi dự án FDI, tính từ năm 2015 đến nay, đều thấp hơn so với mức trung bình của hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong quý 1/2024, vốn đầu tư trung bình của mỗi dự án FDI tại Việt Nam chỉ đạt 7,41 triệu USD. Điều này gợi lên câu hỏi về tính hấp dẫn và hiệu quả của môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
“Nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài một cách tích cực, nhưng thực tế, quy mô vốn đầu tư của mỗi dự án nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đó. Tôi cho rằng các dự án với quy mô vốn đầu tư nhỏ thường không đem lại nhiều tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân chính mà Việt Nam chưa thu hút được nhiều “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1/2024 vẫn diễn ra chậm chạp, mặc dù đã có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Thủ tướng Chính phủ và sự đôn đốc từ các Tổ công tác. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, tốc độ giải ngân của đầu tư công trong tháng 1/2024 đã tăng 12,5%, nhưng trong tháng 2 lại giảm 13,1% và tháng 3 chỉ tăng ở mức 6,3%. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả và khả năng thực thi của các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả và trong thời gian đúng đắn.
Tính chung trong quý 1/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý 1 năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, lạm phát giảm, nhưng vẫn cao so với trước đây và vẫn còn hàng loạt yếu tố đẩy chi phí gia tăng nên không thể xem thường trong thời gian tới.
Việc xuất khẩu chưa thể phục hồi mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn thấp và số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng một cách bất thường trong quý 1/2024 là hậu quả của một môi trường kinh doanh chưa ổn định tại Việt Nam, cũng như nền kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức cần được khắc phục.
Trong tương lai dài hạn, theo TS. Nguyễn Đình Cung, kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn sẽ chưa có những bước đột phá đáng kể. Để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ đã đề ra cho đến năm 2030, GDP của Việt Nam cần phải tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm - điều mà kinh tế Việt Nam chưa từng đạt được và hiện tại trở nên khó khăn hơn để đạt được mục tiêu này. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan để thúc đẩy cải cách kinh doanh, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ngoài ra, khi nhìn vào xếp hạng về tăng trưởng của các tỉnh, thành phố, chúng ta có thể nhận thấy rằng những địa phương từng dẫn đầu trong 10-15 năm trước đều bắt đầu tụt hạng. Điều này thể hiện sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu và động lực phát triển kinh tế của các khu vực trong nước.
Đồng thời, nếu tiếp tục dựa vào việc thu hút đầu tư nước ngoài mà không đầu tư vào việc tạo ra sự đột phá và cải thiện năng suất lao động, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm và không thể tạo ra nhiều bước tiến mới. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sáng tạo trong sản xuất, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong nước.
“Liệu dịch vụ có thể trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế? Hay công nghiệp có thể thay thế dịch vụ và trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam? Tôi cho rằng điều này khó có thể xảy ra trong những quý tiếp theo. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện những cải cách mang tính cấp bách trong thể chế để tạo ra những đột phá, thay vì tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn như trước”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
VnEconomy 28/04/2024 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam