Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 1
Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 2
Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 3

"Có thể nhận thấy áp lực lạm phát đang rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh mà Việt Nam đang tiến hành triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm chuẩn bị ban hành gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia đã lo lắng cho mục tiêu lạm phát. Giờ đây, cộng thêm các áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng cao.

Vì vậy, đối với gói phục hồi kinh tế, Việt Nam phải càng quyết liệt hơn nữa. Nếu trước kia, thời gian để thiết kế là quan trọng, thì giờ đây thời gian để hoàn thành là quan trọng nhất.

Hiện tại, trước những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine có thể tác động tới Việt Nam (kinh tế; vấn đề bảo hộ công dân), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine.

Tôi kỳ vọng, với hành động kịp thời trên của Chính phủ, Việt Nam sẽ ổn định môi trường vĩ mô, thông qua đó giảm thiểu được tối đa tác động từ bên ngoài đối với nền kinh tế".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 4

"Nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang bước đầu phục hồi lại phải đối đầu với cú sốc chiến tranh. Tác động của cuộc chiến tới nền kinh tế ở cả trực tiếp và gián tiếp.

Đầu tiên là tác động trực tiếp, xuất nhập khẩu, chúng ta mua bán với Nga - Ukraine, vận chuyển khó khăn, chi phí, giá cả tăng lên, thanh toán không được thực hiện.

Tác động lớn hơn cả là tác động gián tiếp. Chúng ta đang trong xu thế chung, nguy cơ lạm phát tăng lên trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi chưa có cuộc chiến này thì nguy cơ đã tăng lên rồi nên các nền kinh tế lớn tìm mọi cách đưa ra biện pháp kiềm chế lạm phát.

Chúng ta tung gói hỗ trợ để kiềm chế lạm phát. Song chúng ta đang đối diện với lạm phát chi phí đẩy, mọi chi phí giá cả hàng hoá như nguyên vật liệu, phân bón, lúa mì, lúa mạch đều tăng. Chuỗi cung ứng toàn cầu phải được cấu trúc lại bao giờ chi phí cũng rất cao.

Ngoài ra, chúng ta không nhập khẩu được từ Nga cũng buộc phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác, nguồn cung khó khăn khan hiếm thì chi phí lại càng tăng theo.

Tóm lại, nền kinh tế nước ta có độ mở cao, trong ngắn hạn và dài hạn thì áp lực lạm phát đều rất lớn. Vì vậy, ứng phó với cuộc chiến này là cần thiết, quan trọng, cấp bách, là việc phải làm, phải có chiến lược tổng thể.

Trong ngắn hạn, Chính phủ và Quốc hội đã đều chủ động, cả hai hướng đều chung tay. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta phải có chiến lược dài hạn xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu, khả năng tự chủ của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện quan trọng nhất là khả năng chống chịu, quản trị rủi ro. Đồng thời, mở rộng quan hệ quốc tế. Mọi chiến lược bắt đầu từ bây giờ phải tính trên tầm nhìn dài hạn".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 5

"Về phía doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, tôi cho rằng trước chủ động nắm bắt để ứng phó với tình hình.

Thứ nhất, cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua.

Thứ hai, phải đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Trên thế giới, doanh nghiệp Nga, Trung Quốc và một số nước cũng đã bắt đầu đi theo hướng này.

Thứ ba, chủ động đàm phán với các đối tác. Bây giờ chính là lúc ta phải suy nghĩ thêm xem có đường vòng hay kênh thay thế nào không nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa.

Thứ tư, phải rà soát lại hợp đồng, hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động khi xảy ra tranh chấp.

Về phía Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, trong ngắn hạn, chúng ta đều mong muốn các bộ, ngành và địa phương vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn và nhiều hơn về kênh thanh toán song phương và hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá. Các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có phương án đa dạng hóa các phương thức dự trữ, bao gồm dự trữ ngoại hối.

Trong trung, dài hạn, chúng ta cần cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics. Đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh bất định, chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 6

"Chúng ta đang nói nhiều về mặt tiêu cực, nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội. Hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nga chỉ chiếm khoảng 1%, hai nước đang muốn hợp tác phát triển chặt chẽ hơn thì đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga. Nga chắc chắn sẽ bị hạn chế bởi thị trường phương Tây và hướng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, chúng ta phải tận dụng tốt cơ hội này.

Vấn đề hiện nay là không chỉ chúng ta nhìn thấy cơ hội mà tất cả các nước châu Á đều nhìn thấy, ai nhanh hơn sẽ nhận trái ngọt nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn một số hạn chế để đón nhận cơ hôi này. Điển hình như về chi phí logistics.  Việt Nam là nền kinh tế mở, có giao thương rất nhiều với các nước trên thế giới, nhưng hệ thống logistics lại phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. Do đó, là doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi rất mong muốn chúng ta chủ động hơn trong vấn đề này để không còn phụ thuộc, làm sao những doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm bảo cho chính chúng ta.

Về thể chế, cần có những cơ chế mạnh mẽ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển, chuyển đối số, tận dụng cả cơ hội từ Cuộc cách mạng 4.0 lẫn cơ hội từ thay đổi địa chính trị.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng, không chỉ doanh nghiệp mà tất cả người dân đều mong muốn một môi trường ổn định chính trị, an cư lạc nghiệp thì mới phát triển được kinh tế".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 7

"Bên cạnh những tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp có quan hệ thương mại, đầu tư với Nga và Ukraine, cuộc xung đột giữa hai quốc gia này cũng sẽ tác động tổng thể tới cả nền kinh tế Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Đây là yếu tố cần chú ý để chuẩn bị trong trung hạn và dài hạn.

Dự báo một loạt các mặt hàng như xăng, dầu, nguyên vật liệu… sẽ tăng giá đột biến trong vòng một tháng tới, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, giá các mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ Nga và Ukraine như ngũ cốc, than… sẽ tăng hoặc thậm chí đứt đoạn. Theo đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt, theo dõi sát sao tình hình và chủ động sử dụng các nghiệp vụ như mua hợp đồng tương lai để đảm bảo sự ổn định về giá. Doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho những yếu tố bất lợi về mặt thị trường, đứt đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và hậu cần gia tăng, sức ép chi phí đẩy, lạm phát.

Với nền kinh tế, sự bất ổn kinh tế vĩ mô gây sức ép lớn tới lạm phát và tỷ giá hối đoái. Do đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa của mình sẽ phải tính tới một yếu tố mới bởi bây giờ không còn là bài toán của cách đây khoảng 2 tháng. Năm nay, chúng ta phải tính tới áp lực lớn của lạm phát cũng như các yếu tố bất lợi của thị trường quốc tế để giảm thiểu rủi ro, từ đó mới có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Về cơ bản, nếu xử lý khéo léo, chúng ta vẫn có thể ổn định được kinh tế vĩ mô".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 8

"Là doanh nghiệp sản xuất nên đối với chúng tôi xăng dầu là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm và tác động đến khách hàng.

Tỷ trọng vận chuyển trong giá bán sản phẩm của Secoin chiếm gần 10%. Nên đây là lý do khiến Secoin luôn phải lựa chọn đặt các nhà máy gần vùng nguyên liệu, cũng như gần những địa bàn cung cấp (như miền Bắc cung cấp từ Thanh Hoá trở ra, miền Trung từ Nghệ An vào do Secoin Đà Nẵng phụ trách…) để giá thành tới tay người tiêu dùng thấp nhất.

Chiến tranh giữa Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu nhảy múa trong những ngày qua là khó khăn với doanh nghiệp, mọi chi phí đi kèm đều tăng theo. Không những giá vận chuyển tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng chóng mặt.

Để giải bài toán này, trước mắt chúng tôi thực hiện quản trị doanh nghiệp thật tốt, cắt bỏ lãng phí xảy ra trong quá trình vận hành doanh nghiệp để có giá thành ít bị biến động nhất, tính toán lại phương án sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi cũng cố gắng đảm bảo được mức giá đã ký trong toàn bộ năm và chỉ điều chỉnh trong thời gian hạn tối thiểu. Để làm được điều này Secoin lại phải quay về bài toán tối ưu hoá được chi phí trong quá trình sản xuất nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng cũng như quyền lợi của người lao động. Thông qua giảm thiểu những lãng phí, tối ưu hoá chi phí và bố trí nhân lực, mặt bằng sản xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, chưa nói trước được điều gì, nếu các căng thẳng chính trị, thương mại trên thế giới kéo dài, doanh nghiệp sẽ phải có những giải pháp thích ứng khác phù hợp. Nếu một tháng sau tình hình thay đổi, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng, linh hoạt theo biến động thị trường".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 9

"Do xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thế giới tăng lên mức kỷ lục. Với bối cảnh đó, thương mại của Việt Nam đã bị tác động thấy rõ. Trong khi hiệu ứng cơ sở và ngành hàng điện tử thường xuyên cần nhập khẩu là những nguyên nhân chính phía sau tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm 2021.

Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm 2,4 triệu mét khối trong quý 2/2022. Nguyên nhân là Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và tạm ngưng nhập khẩu dầu thô từ tháng 1.

Hiển nhiên, giá nhiên liệu tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, một xu hướng đã kéo dài được một thời gian. Cụ thể, giá xăng được điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp từ đầu tháng 12.

Mặc dù vậy, hiệu ứng cơ sở thấp phần nào xoa dịu những khó khăn trước mắt. Tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 10

"Những ngày gần đây, các loại gỗ nguyên liệu ôn đới, hàn đới nhập khẩu từ châu Âu có giá mua tăng vọt. Nguyên nhân là do hưởng ứng trừng phạt kinh tế với Nga, khu vực châu Âu đã ngừng mua gỗ nguyên liệu từ Nga. Vấn đề này khiến nguồn cung gỗ tại châu Âu giảm mạnh, dẫn đến các doanh nghiệp thương mại tại châu Âu đã hạn chế bán gỗ ra thị trường bên ngoài, nhằm đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ tại châu Âu.

Ngành gỗ của Việt Nam có độ mở cực lớn, kể cả đầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu và đầu thị trường xuất khẩu. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn từ nhiều nước trên thế giới, với khoảng gần 2/3 lượng nhập khẩu là từ Mỹ và các nước EU. Phần lớn lượng nhập khẩu từ Mỹ và EU được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu gỗ bạch dương, gỗ vân sam, gỗ sồi Nga, gỗ bồ đề… với giá trị chỉ chiếm 55 triệu USD trong năm 2021.

Nga là quốc gia có nguồn tài nguyên rừng rất lớn, hàng năm cung cấp 10% tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu toàn cầu, chủ yếu bán sang EU và Trung Quốc. Xung đột Nga – Ukraine với các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây, bao gồm hạn chế các thanh toán xuyên biên giới, và sự tẩy chay của các công ty, bao gồm các hãng vận tải biển, có thể sẽ làm cho nguồn cung gỗ từ Nga bị co hẹp, thậm chí mất hẳn trong tương lai. Điều này sẽ làm thiếu hụt cung gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam, và đẩy giá gỗ nhập khẩu tăng cao. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh Nga không thể bán được gỗ sang EU, khiến giá gỗ của Nga có thể sẽ rẻ. Nếu chúng ta có cách vượt qua các rào cản khó khăn về giao dịch, thanh toán và vận chuyển thì có thể tiếp cận được nguồn gỗ giá rẻ này của Nga. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải nghe ngóng động thái từ EU và Mỹ, với sức ép từ các tổ chức môi trường và nhân quyền đối với các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng gỗ Nga, có thể họ sẽ tẩy chay sản phẩm đồ gỗ được sản xuất từ gỗ Nga. Khi đó, nếu chúng ta mua gỗ nguyên liệu từ Nga thì sẽ không thể bán được đồ gỗ, bởi Mỹ và EU là 2 thị trường lớn nhất cho xuất khẩu đồ gỗ nước ta.

Để vượt qua giai đoạn khó hăn này, ngành gỗ cần phải chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Chính phủ cần đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn, tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao có tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các hộ".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 11

"Xung đột Nga – Ukraine đang tác động xấu đến nhiều lĩnh vực nông lâm thủy sản, tuy nhiên dưới góc độ ngành lúa gạo thì đang tạo tác động có lợi cho thương mại ngành gạo. Đó là khi chiến tranh xảy ra, lo ngại thiếu lương thực trên thế giới, khiến nhiều quốc gia tăng mua dự trữ lương thực nói chung, gạo nói riêng.

Đặc biệt, một trong những sản phẩm phụ của xay xát gạo là cám gạo hiện nay đang tăng giá rất mạnh, hiện đã lên trên 8.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng so với trước Tết. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này. Bên cạnh đó, giá tấm cũng tăng từ mức 7.200 - 7.400 đồng lên 7.800 - 8.000 đồng/kg. Mức giá bình quân của cả vùng theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với mặt hàng cám gạo là 7.760 đồng/kg, cao nhất là 7.950 đồng/kg tăng khoảng 800 đồng/kg. Đối với mặt hàng tấm từ 7.624 - 7.750 đồng/kg, tăng khoảng 650 đồng/kg.

Giá hai mặt hàng này tăng mạnh vì các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gom hàng phục vụ sản xuất. Hiện tại giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang tăng cao và khan hiếm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine, khiến cho nguồn cung ngô, đậu nành, lúa mì trở nên căng thẳng, giá tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã chuyển hướng sang sử dụng những nguyên liệu trong nước có giá rẻ hơn, đó là tấm và cám gạo".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 12

"Hiện nay, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài hoặc tiếp tục bất ổn sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu điều trong năm 2022. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao ngành điều kế hoạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD trong năm 2022, nhưng với tình hình hiện nay, ngành điều rất khó đạt được chỉ tiêu này.

Xung đột Nga – Ukraine kéo theo các hành động trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU nhắm vào Nga không chỉ khiến hoạt động giao dịch, thanh toán khi xuất khẩu điều vào thị trường Nga gặp trở ngại, mà tác động lớn hơn nhiều từ việc giá dầu tăng cao khiến cước phí vận chuyển tăng cao chóng mặt, có thể tăng lên gấp đôi trong thời gian tới nếu giá xăng trên thế giới lên 200 USD/thùng.

Với giá cược vận chuyển tàu biển quá cao sẽ lấy hết lợi nhuận của chế biến điều, thậm chí thua lỗ. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; nguồn nguyên liệu điều trong nước chưa đủ cung ứng cho sản xuất, mỗi năm phải nhập khẩu từ 1,4-1,5 triệu tấn khiến ngành điều càng khó khăn hơn. Vì vậy, Vinacas đang cân nhắc lập văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị được điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hạt điều năm 2022 từ 3,8 tỷ USD xuống 3,3 tỷ USD".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 13

"Hiện nay, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài hoặc tiếp tục bất ổn sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu điều trong năm 2022. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao ngành điều kế hoạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD trong năm 2022, nhưng với tình hình hiện nay, ngành điều rất khó đạt được chỉ tiêu này.

Xung đột Nga – Ukraine kéo theo các hành động trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU nhắm vào Nga không chỉ khiến hoạt động giao dịch, thanh toán khi xuất khẩu điều vào thị trường Nga gặp trở ngại, mà tác động lớn hơn nhiều từ việc giá dầu tăng cao khiến cước phí vận chuyển tăng cao chóng mặt, có thể tăng lên gấp đôi trong thời gian tới nếu giá xăng trên thế giới lên 200 USD/thùng.

Với giá cược vận chuyển tàu biển quá cao sẽ lấy hết lợi nhuận của chế biến điều, thậm chí thua lỗ. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; nguồn nguyên liệu điều trong nước chưa đủ cung ứng cho sản xuất, mỗi năm phải nhập khẩu từ 1,4-1,5 triệu tấn khiến ngành điều càng khó khăn hơn. Vì vậy, Vinacas đang cân nhắc lập văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị được điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hạt điều năm 2022 từ 3,8 tỷ USD xuống 3,3 tỷ USD".

Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 14

VnEconomy 15/03/2022 07:00