Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 1
Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 2

“Đến thời điểm này mới có 7,2% nền kinh tế có tính tuần hoàn, phần còn lại vẫn tuyến tính. 

Việt Nam cần bắt đầu ngay bây giờ. Những lợi ích về tăng trưởng xanh cũng như tuần hoàn đã được nói đến nhiều bởi đây là cơ hội của các doanh nghiệp có một thương hiệu đảm bảo và gắn với danh hiệu thân thiện môi trường, có giá trị rất lớn.

Ngành nông nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi. Để đảm bảo mục tiêu này, ngành đã thực hiện quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong năm 2022, dựa trên số liệu thống kê và định mức kỹ thuật, tổng lượng phụ phẩm từ ngành nông nghiệp khoảng 156,8 triệu tấn, đây cũng là một nguồn tài nguyên rất lớn.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã thực hiện một dự án khí sinh học từ 2003 – 2020 với 3 giai đoạn. Dự án sử dụng phân đưa vào công trình khí sinh học, tạo ra năng lượng cho người dân và bán được tín chỉ carbon.

Khoảng 2-3 năm trước, hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon không nhiều do không có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng đến nay thì đã có nhiều văn bản được ban hành. Sắp tới, đến năm 2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt với sự cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính, chúng ta kỳ vọng sẽ sớm có một thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Đây là một động lực lớn để nhiều doanh nghiệp và hệ thống nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi, có thể tham gia sâu hơn vào hệ thống tín chỉ carbon.

Ngành chăn nuôi bắt đầu bán tín chỉ carbon từ năm 2012 thông qua dự án khí sinh học. Vào lúc đó, chúng ta không có quy định pháp luật, không có kinh nghiệm cả về thị trường trong nước lẫn quốc tế, mọi thứ đều phải đi thuê chuyên gia quốc tế. Do vậy, mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn carbon chỉ được bán với giá dao động từ 0,5 đến 12 USD. Tính trung bình là khoảng 2-2,5 USD/tấn.

Mặc dù dự án đã tạo ra được 3,3 triệu tín chỉ carbon, đem lại khoảng 170 tỷ đồng, tuy nhiên có điều đáng buồn là do chưa có quy phạm nên không thể sử dụng số tiền này. Trong suốt 1 năm đi xin phép các bộ và Thủ tướng, chỉ có 70 tỷ đồng được sử dụng, còn 100 tỷ đồng phải nộp lại ngân sách và nộp thuế.

Có một điều may mắn là dự án vẫn có lãi. Sau khi trừ các chi phí, bao gồm cả thuê công ty nước ngoài để bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, thì mỗi tín chỉ carbon vẫn lãi 70%.

Chúng ta phải có đủ “đường ray” cơ chế chính sách thì những doanh nghiệp theo mô hình này mới có động lực để tham gia thị trường tín chỉ carbon. Hy vọng khoảng thời gian tới sẽ là một động lực vàng, đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp dám đương đầu, dám theo đuổi tăng trưởng xanh”.

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 3

“Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường chỉ ra rằng mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ mà cả thế giới đang sử dụng để hướng tới mục tiêu năm 2050 đạt phát thải ròng bằng không và rác thải ròng bằng không. Để thực hiện mục tiêu này, Điều 142 quy định tất cả các bộ, ngành và địa phương phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược của mình.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững của mình. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu bắt buộc để thế giới đạt mục tiêu tăng nhiệt độ không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến ba cuộc khủng hoảng môi trường bao gồm: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học, tất cả các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và chính phủ các nước phải nhận thức chuyển đổi từ nâu sang xanh, giảm phát thải và giảm rác thải về 0 là con đường bắt buộc.

Từ tháng 1/2023, châu Âu đã quy định tất cả các doanh nghiệp niêm yết phải có báo cáo bền vững và báo cáo này bắt buộc phải thực hiện từ tháng 6 năm 2024. Các nước như Anh, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng đã bắt buộc thực hiện báo cáo phát triển bền vững này. Các doanh nghiệp đa quốc gia chỉ chiếm 1% thị phần tại Việt Nam và họ sẵn sàng hy sinh thị phần này để bảo vệ 99% còn lại. Nếu Việt Nam không có báo cáo phát thải, họ sẽ không tiếp tục giao thương và đầu tư vào Việt Nam.

Ví dụ như trong lĩnh vực dệt may, việc chuyển từ nâu sang xanh không làm giảm cạnh tranh mà thực tế cho thấy nếu không chuyển đổi sang kinh tế xanh, chúng ta sẽ mất thị phần.

Đặc biệt, Bangladesh đã vượt qua Việt Nam về xuất khẩu do họ đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh như LEED và sử dụng năng lượng mặt trời, trong khi Việt Nam giảm 75% đơn hàng vào cuối năm 2022 và 10% trong năm 2023. Điều này cho thấy chuyển đổi sang kinh tế xanh là cần thiết ngay cả khi chưa có yêu cầu bắt buộc từ châu Âu.

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 4

Về tín chỉ carbon, thế giới đã đảm bảo yêu cầu theo thỏa thuận về trình độ năng lượng công bằng, bao gồm mục tiêu kép. Mục tiêu kép không chỉ là giảm phát thải mà còn là cải thiện điều kiện lao động của người làm việc trong doanh nghiệp và cải thiện điều kiện sống của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.

Bên cạnh đó, trao đổi tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp phát triển với nhau cũng đóng vai trò rất quan trọng. Điều này cho thấy nếu kết hợp việc chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính từ các cơ chế tài chính khí hậu và tài chính xanh, bù đắp chi phí chuyển đổi xanh.

Liên quan tới phạm vi phát thải, thứ nhất là phát thải trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất, thứ hai là, liên quan đến sử dụng năng lượng như điện, làm mát và làm nóng và thứ ba là các hoạt động gián tiếp của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần có một chiến lược đồng bộ, sử dụng phương tiện có thể vận chuyển nhiều người thay vì mỗi người một phương tiện như hiện nay.

Các doanh nghiệp tiên phong như Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Lộc Trời gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến chi phí. Việc này cũng cho thấy rằng cần có chiến lược để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.

Các tiêu chuẩn ESG, đặc biệt là liên quan đến phát thải, có thể khó khăn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp trở ngại, nhưng nếu thực hiện tốt việc chuyển đổi số, quá trình này sẽ không khó.

Không những thế, các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng phải ghi nhận mọi hoạt động phát thải qua nhật ký hàng ngày. Đây không phải việc khó, nhưng cần trở thành một thói quen. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, hướng dẫn và đào tạo bài bản về việc giảm thiểu phát thải.

Với sự tham gia của các công ty công nghệ chuyển đổi số, quá trình này sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều bởi vì công nghệ sẽ đảm nhận các phần phức tạp, cho phép doanh nghiệp chỉ cần nhập và lưu giữ thông tin về các hoạt động giảm phát thải của mình.

Tóm lại, thị trường bắt buộc chúng ta phải chuyển đổi xanh, nhưng chúng ta cũng phải tìm ra cách nào để giảm chi phí và đối mặt với vấn đề này. Thực tế, trong các năm 2022 và 2023, dù chúng ta đã giảm chi phí sản xuất xuống 30%, thậm chí đến 50%, nhưng vẫn bị mất đơn hàng.

Trong khi đó, Bangladesh đã thực hiện chuyển đổi xanh và gia tăng đơn hàng. Điều này cho thấy doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ nguyên nhân mất đơn hàng, không phải do chúng ta áp dụng chuyển đổi xanh hay do tăng chi phí, mà có thể do những yếu tố khác cần được xác định và khắc phục”.

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 5

“Hiện Vinatex áp dụng các giải pháp giảm thiểu carbon khi đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm (trong năm 2024 có 2 tổng công ty lớn thực hiện xong); đồng thời, xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn, song bước đi hết sức cân nhắc, bám theo thị trường. Kết quả đến nay, về môi trường, lượng điện sử dụng trong các thành viên Tập đoàn giảm 2% so với năm 2022 trên một đơn vị sản phẩm.

Tổng lượng điện áp mái tại các đơn vị thành viên là 17.123.783 KW. Lượng chất thải nguy hại giảm 84% so với năm 2022. Hoàn thành Nhà máy xây lắp nước thải số 2 tại Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.

Toàn bộ hệ thống Tập đoàn đã hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, người lao động và xã hội. Tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm giải trình. Áp dụng các phương pháp sản xuất xanh, nguyên tắc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn.

Mặc dù vậy, thách thức thực hành xanh hiện rất lớn, đó là: hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế; chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.

Hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn, bền vững (chính sách quy hoạch và phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi).

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 6

Về nguồn lực và công nghệ, Tập đoàn đã ứng dụng các công nghệ mới phục vụ sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, sản xuất xanh vẫn cần phải có nguồn lực tài chính dồi dào. Đầu tư cho ESG và kinh tế tuần hoàn là dài hạn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nguồn lực con người để triển khai, ứng dụng công nghệ và thực hành các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn cũng là thách thức.

Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp và thói quen tổ chức hoạt động trong hệ thống sản xuất tuyến tính sẽ cản trở quá trình chuyển đổi. Đến thời điểm này, 95% sản phẩm dệt may trên thế giới vẫn là truyền thống. Mặc dù ý thức tiêu dùng sản phẩm tuần hoàn, bền vững ngày càng cao nhưng giá cả sẽ là rào cản chính. Thị trường cho các sản phẩm tuần hoàn, bền vững vẫn là thị trường ngách.

Mặt khác, những hạn chế về nguồn cung nguyên liệu xanh, bền vững phục vụ sản xuất. Dữ liệu ESG, vẫn thiếu chuẩn hóa trong dữ liệu để báo cáo, đặc biệt là về môi trường và xã hội. Chưa xác định được chuẩn báo cáo ESG để phục vụ được cho nhiều thị trường, khách hàng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với lộ trình thế giới. Gắn vai trò các bên liên quan và cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu (hợp tác công tư, tài chính xanh...).

Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thông qua các công cụ thuế, tín dụng, đất đai. Chính sách cần có bước đi cụ thể. Nếu chính sách đi sớm so với thế giới, doanh nghiệp sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh do có chi phí đảm bảo sản xuất xanh, tuần hoàn ở Việt Nam.

Cần xác định khoảng cách kỹ năng trong doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp Quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Xây dựng mạng lưới liên ngành, liên doanh nghiệp để chia sẻ kiến thức và nhân lực.

Đặc biệt về các giải pháp đầu ra thị trường cho các sản phẩm xanh, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững; ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất có đạo đức, trách nhiệm”.

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 7

“Ngành logistics là ngành sử dụng rất nhiều năng lượng. Do vậy, chuyển đổi sang logistics xanh, các mô hình xanh, tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề cực kỳ cấp thiết. Bản thân Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logisticss Việt Nam (VLA) đang đồng hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay có hai vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến phát triển logistics và hướng đến logistics xanh.

Thứ nhất, đối với Chính phủ, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, tiêu chí trong tiến trình chuyển đổi logistics xanh là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định, các quy chế thì nó liên quan trực tiếp đến truyền thông, giám sát, thực hiện và triển khai các hành động thực tiễn cũng như các chương trình giám sát và hỗ trợ theo lộ trình.

Thông thường, để chuyển đổi từ hoạt động kinh doanh vận tải logistics sang hệ thống xanh thì cần phải có quy trình và đặc biệt cần có sự đầu tư rất lớn.

Ví dụ, trong ngành hàng hải, để chuyển đổi một hệ thống máy từ sử dụng năng lượng thông thường sang các năng lượng mới cũng như giảm khí thải CO2 và NOx thì cần phải có sự đầu tư lớn như thay may móc và hệ thống. Nhưng rõ ràng trong điều kiện hiện tại, các đơn vị hàng hải và logistics của chúng ta không thể làm ngay được.

VLA và VIMC mong rằng trong hệ thống chính sách có sự hỗ trợ và theo lộ trình. Đây là một vấn đề rất quan trọng trên giác độ Chính phủ tham gia và hỗ trợ đồng hành cùng ngành logistics.

Thứ hai, ngành logistics cũng đề ra ba vấn đề liên quan trực tiếp đến chuyển đổi xanh và hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam phát triển trong điều kiện hiện tại.

Một là, trong chu trình logistics hiện nay, ngoài các hoạt động logistics thông thường thì bản thân các doanh nghiệp của VLA sẽ tập trung vào một quan niệm, khái niệm mới, đó là chu trình logistics ngược.

Chu trình này bao gồm vấn đề về tái chế, bao bì, các dụng cụ liên quan phục vụ cho chu trình logistics. Thực sự nó cũng sẽ tham gia rất mạnh vào tiến trình làm xanh quá trình logistics và hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn.

Hai là, trong điều kiện của Việt Nam, với năng lực phát triển của các ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, vấn đề về chuỗi logistics xanh trên nền tảng chúng ta thiết kế được các chuỗi giá trị có sự kết nối giữa các phương thức vận tải. Để làm được điều này, cần có sự kết nối mạnh từ chính sách của nhà sản xuất đến các hệ thống cảng biển, vận tải biển, đến nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ba là, phát triển các trung tâm thương mại tự do trên nền tảng các trung tâm logistics công nghệ. Thay đổi các hoạt động thông thường bằng các hoạt động trên nền tảng smart, nền tảng số và thương mại điện tử”.

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 8

“Với Heineken Việt Nam nói riêng và Heineken toàn cầu nói chung, công ty luôn phải nghĩ tới những tiêu chí quan trọng là tăng trưởng, lợi nhuận và hiệu suất đầu tư. Tuy nhiên, một tiêu chí nữa phải tính tới là phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.

Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội là những vấn đề rất quan trọng. Chúng ta vẫn nhắm tới tăng trưởng, lợi nhuận và hiệu suất đầu tư nhưng không thể bỏ qua các yếu tố phát triển bền vững.

Riêng với góc độ phát triển bền vững doanh nghiệp có chiến lược riêng, với tên gọi là “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”.  Chiến lược được chia rõ thành các lĩnh vực cụ thể cần phải nhắm đến. Đầu tiên là những lĩnh vực  ảnh hưởng đến sự phát triển và tồn tại của công ty, tiếp đến là những lĩnh vực công ty có thể đóng góp nhiều nhất.

Với chiến lược ‘Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” có ba lĩnh vực chính mà công ty có thể đóng góp. Một là, về môi trường thì hướng tới việc không tạo một tác động môi trường, trong đó có ba yếu tố chính, gồm: đạt phát thải ròng bằng 0; xây dựng kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.

Hai là, về xã hội, công ty hướng tới sự hòa nhập, công bằng và bình đẳng. Nếu chúng ta không làm việc này thì không thể có một môi trường làm việc tốt và không thể thu hút được nhân sự có năng lực. Riêng với ngành bia thì chúng tôi có thêm một lĩnh vực nữa là hướng tới văn hóa uống có trách nhiệm.

Ba là, việc thực hiện chiến lược được gắn kết vào mọi hoạt động của công ty, bao gồm tất cả các bộ phận, từ ngoại vụ, tiếp thị, số hóa, chuỗi cung ứng, mua hàng, nhân sự… Thực hiện những chiến lược này không nhất thiết phải có những hành động lớn mà có thể bắt đầu từ những thứ đơn giản. Chẳng hạn như các nhân viên có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phải đến văn phòng mỗi ngày trong tuần. Đây cũng là một giải pháp góp phần giảm áp lực giao thông của thành phố và giảm phát thải CO2.

Câu chuyện kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chắc chắn không phải một doanh nghiệp nào có thể thực hiện được. Do vậy, tôi rất mong đợi sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp, sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Nhà nước và chúng ta cần có cả sự góp sức từ người tiêu dùng”.

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 9

VnEconomy 10/06/2024 14:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2024 phát hành ngày 10/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kiên định mục tiêu phát triển xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn ESG - Ảnh 10