Nghe nói chị đã từng có thời gian gắn bó với ngành dệt may khá lâu, vậy lý do gì khiến chị chuyển sang làm việc trong ngành du lịch?
Quê tôi ở miệt vườn Bến Tre, năm 1995 tôi đặt chân đến Sài Gòn để học đại học. Ra trường, tôi có 8 năm gắn bó làm việc trong ngành may mặc. Rồi không hiểu vì duyên cớ gì, một doanh nhân nước ngoài nảy ra ý mời tôi hợp tác làm du lịch. Chưa có kinh nghiệm gì trong ngành này, lại tiếp xúc với toàn giao dịch quốc tế, lúc đầu tôi thấy áp lực nên cũng ngần ngại.
Tuy nhiên, khi đó những ký ức về sông nước tuổi thơ, về những con người địa phương chân chất, hiền hòa… dường như sống lại, tôi thực sự muốn làm điều gì đó cho quê hương mình. Tôi đứng trước con sông Sài Gòn để suy ngẫm, rồi chợt nhận ra con sông này rất đẹp, kết nối trung tâm TP.HCM đi về thượng nguồn Bình Dương, Củ Chi và Hồ Dầu Tiếng, rất dễ dàng cho việc khai thác tuyến đường sông tham quan lịch sử về nguồn; hay là đi về rừng ngập mặn Cần Giờ để hòa mình với thiên nhiên; đi về Đồng bằng sông Cửu Long để giao lưu với người dân địa phương... Thế là tôi nhận lời.
Lúc mới khởi nghiệp, công ty chỉ có hai chiếc canô nhỏ. Cứ hai tháng lại đóng mới thêm chiếc canô từ tăng doanh thu, không mấy chốc công ty có 17 chiếc, trong đó có mấy chiếc thế hệ mới trị giá 4 tỷ đồng/chiếc... Mọi việc cứ vậy dần tốt đẹp lên.
Khách đi du lịch đường sông thường đến từ quốc gia nào? Một sản phẩm du lịch như thế nào sẽ khiến họ sẵn sàng “rút ví”, thưa chị?
Khách đi tour đường sông gồm đủ các nước trên thế giới, nhưng phần lớn tập trung ở thị trường khách châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Singapore. Đối tượng khách tham gia du lịch đường sông theo một chương trình đầy đủ thường là khách có đam mê sông nước, thích trải nghiệm và có ngân sách chi trả. Nhóm khách “Tây balô” ít khi tham gia tuyến này, vì chi phí từ 1,6 triệu đến 25 triệu đồng/khách, tùy theo sản phẩm.
Với chúng tôi, một sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao là sản phẩm hội đủ các điều kiện như sau: tàu bè đạt chuẩn, điểm đến hấp dẫn, thức ăn ngon và hướng dẫn viên giỏi, đủ kiến thức để truyển tải thông điệp và trả lời mọi thắc mắc của khách trong suốt hành trình. Bên cạnh đó, bộ phận chăm sóc khách hàng luôn bên khách để nắm bắt nhanh những phản hồi tích cực và tiêu cực, đồng thời có cách xử lý vấn đề và cải thiện dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Đây là một tiến trình cho việc quảng bá và cam kết thực hiện đúng như những miêu tả về chương trình, cùng với những nét riêng, những trải nghiệm khác lạ và “đáng tiền” mà du khách không thể có khi tham gia tour đường bộ.
Năm 2024, số lượng khách quốc tế mà công ty đã đón có tăng mạnh so với năm 2023 không chị?
Năm 2023, công ty đã đón 16.000 khách. Năm 2024, công ty chào đón 23.000 lượt khách, dự kiến đến năm 2025 dịch vụ của chúng tôi sẽ tăng trưởng với khoảng 30.000 khách/năm. Vừa “vi vu” sông nước, vừa được nghe câu chuyện lịch sử, vừa nhìn thấy toàn cảnh đời sống - sản vật bản địa, du khách rất hào hứng.
Có những lần chúng tôi “bí mật” đón thái tử, bộ trưởng, tỷ phú ở vùng Trung Đông, nhưng khi họ được chiêm ngưỡng cuộc sống bình dị tại Việt Nam thì đều tỏ ra phấn khởi, thích thú như những khách du lịch bình thường. Thật lòng, chúng tôi rất có cảm xúc khi được phục vụ những vị khách như vậy ngay chính trên dòng sông quê hương.
Ưu thế về diện tích đường sông lớn, là đô thị lớn, mặt khác đã có những chiến lược phát triển cụ thể, thế nhưng câu chuyện phát triển du lịch đường sông ở TP.HCM dường như vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức?
Câu chuyện về bến bãi, về cơ chế quản lý đối với các phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch đường sông là đề tài mà nhiều cơ quan truyền thông đã tham gia bàn luận thời gian gần đây. Với quan điểm cá nhân tôi, rõ ràng TP.HCM đang thiếu nghiêm trọng về bến bãi giữa điểm đi và điểm đến, các doanh nghiệp đường sông phải loay hoay để tìm ra câu chuyện vận hành và quá nhiều chi phí đã làm giá thành, khó cạnh tranh với các sản phẩm đường sông khác cùng khu vực.
Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng giao thông đường thủy, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thì một yếu tố khiến du lịch đường sông TP.HCM chưa phát triển được như kỳ vọng liên quan đến suy giảm chất lượng môi trường sông nước. Dưới góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng cần có thêm nhiều bến tàu đạt chuẩn để mở nhiều tuyến đường sông liên kết giữa trung tâm TP.HCM với các khu vực lân cận, góp phần cho ra mắt và đa dạng hóa nhiều sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao. Ngoài ra, TP.HCM cũng cần có cầu phao hợp lý với quy mô và sức chứa tương ứng với các tàu cập bến để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
Làm du lịch đường sông thường cũng sẽ gắn với du lịch cộng đồng. Điều này cũng giúp tận dụng nhiều ưu thế sẵn có tại Đồng bằng sông Cửu Long phải không, thưa chị?
Mới đây, chúng tôi vừa tổ chức cho một đoàn khách di chuyển bằng canô xuất phát từ bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM, xuyên qua tỉnh Long An, xuống đến chợ nổi Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đến nơi, du khách đi vòng vòng dưới sông, lên vườn trái cây, nghe kể chuyện vùng sông nước này. Hái trái cây xuống, du khách được chỉ cách cầm tay bóc ăn y hệt như nông dân. Buổi trưa, ghé vào gia đình một người dân để dùng bữa ngay dưới hiên nhà. Bếp vẫn sử dụng 100% củi đun nấu cơm, chiên xào, khách xuống tận bếp xem luôn...
Chỉ vậy thôi, nhưng du khách cảm nhận được cách làm dịch vụ du lịch thật thà của người dân miệt vườn dân qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ... Du lịch đường sông thường sẽ gắn kết với du lịch nông thôn, cũng như đưa du khách tìm hiểu về văn hóa bản địa, nên việc cả làng cùng gắn kết làm du lịch cộng đồng là nét mới và cần phát huy để đa dạng sản phẩm, đồng thời giới thiệu văn hóa và ẩm thực địa phương đến với du khách gần xa.
Nếu trò chuyện với một công ty khởi nghiệp, chị sẽ có lời khuyên gì cho một công ty đón khách quốc tế sử dụng dịch vụ đắt tiền trên sông nước TP.HCM?
Trước tiên, tôi sẽ kể lại thực tế ở công ty tôi, đó là làm du lịch đường sông có cái khó của nó. Chỉ cần gãy một lá chân vịt, phải thay mới trị giá 130 triệu đồng, thay máy mới là 600 triệu đồng. Địa hình trên sông có vô vàn chướng ngại vật có thể va vào, nên canô có thể hỏng bất cứ lúc nào. Công ty hoạt động lĩnh vực dịch vụ, phân khúc thị trường là khách có khả năng chi tiêu cao. Khách bước chân xuống canô là phải cảm thấy được phục vụ một cách chuyên nghiệp nhất, mọi hành động, cử chỉ đều phải “chạm” đến trái tim của du khách, thì mới “ghi điểm”.
Thế nên, lời khuyên của tôi là tàu bè phải đạt chuẩn, phù hợp với từng sản phẩm đường sông, nhân sự phải được huấn luyện kỹ và thường xuyên được rèn luyện thêm trong suốt quá trình phục vụ khách. Phương châm phục vụ “chạm đến trái tim” là một hành trình không dễ dàng chút nào, đòi hỏi tập thể công ty phải kiên trì thực hiện dài lâu.
Nếu không phải là với Công ty Les Rives, một chuyến du lịch hoàn hảo với chị sẽ là như thế nào?
Vẫn là con sông Sài Gòn yêu thương, là cầu nối giao thương cho các chuyến hàng vận tải thủy từ trung tâm đi các tỉnh thành, từ các cảng container khổng lồ vượt đại dương sang nước bạn. Vẫn là con sông Sài Gòn mang các du khách xuôi ngược trên các con tàu nhỏ thực hiện các chuyến du ngoạn trên sông trong vài giờ để có thể thấy được hệ thống sông ngòi TP.HCM kết nối chằng chịt. Trên bất cứ kênh rạch nào, cũng có những lịch sử văn hóa địa phương và cảnh vật đặc trưng kết nối cả đường sông lẫn đường bộ.
Tôi từng tham gia trải nghiệm khám phá 20 hang động tại Quảng Bình, trong đó có Sơn Đoòng; từng trải nghiệm trên con tàu Icon of the Sea của Mỹ... Nhưng với tôi, tuyệt vời nhất vẫn là hành trình từ sông Sài Gòn đi dọc dòng “Mê Kông con” đến “Mê Kông mẹ”, thấy cánh đồng xanh ngút mắt, ghé vào vườn được người dân mời ăn các loại trái cây. Vẻ đẹp làng quê Việt Nam trù phú mang tới cảm giác thanh bình và “chữa lành” vô cùng.
VnEconomy 26/01/2025 06:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194