Mang tiền về cho Mẹ - Ảnh 1
Mang tiền về cho Mẹ - Ảnh 2

Năm nay bài “Mang tiền về cho mẹ” đụng chạm tới nhiều vấn đề, ngoài áp lực lên những đứa con thì vấn đề mang tiền về cho cha mẹ dưỡng già đang là trách nhiệm của nhiều thế hệ người lao động ở Việt Nam.

Theo báo cáo về già hóa dân số Việt Nam do Tổng cục Thống kê phát hành tháng 7 năm 2021 dựa trên kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thì năm 2019 Viêt Nam đang có 11,41 triệu người cao tuổi - là những người từ 60 tuổi trở lên theo quy định của Luật Người cao tuổi. Những người cao tuổi đồng thời cũng là những người hết tuổi lao động sẽ sống dựa vào nguồn thu nhập từ lương hưu hay các nguồn khác tự lo được.

Cũng trong tài liệu tổng kết hoạt động năm 2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì trong năm Bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội trong cả nước cho trên 3,2 triệu người. Như vậy bằng phép tính đơn giản có thể thấy có trên 8,2 triệu người cao tuổi không có thu nhập từ lương hưu hay trợ cấp và phải tự lo cho đời sống hưu trí. Phần lớn những người này làm trong khu vực kinh tế tư nhân.

Nhớ về bà tôi, bà từ cô tiểu thư con nhà điền chủ trở thành người phụ nữ tần tảo nuôi cả năm con với một chồng bằng gánh hàng hương ở cửa chợ Rồng Nam Định, về già sống hoàn toàn dựa vào tình thương của con cháu. Bà mất, sự chăm lo cho bà trước đây lại chuyển sang cho cô con bà, một người cao tuổi độc thân không thu nhập hưu trí.

Tôi nghĩ đây không phải là những trường hợp cá biệt, có rất nhiều trường hợp tương tự có thể thấy ở cả họ nội và họ ngoại nhà tôi. Và rất nhiều người trong 8,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu hay trợ cấp xã hội sẽ phải nhặt nhạnh từng mớ rau, quả trứng hay buồng chuối trên mảnh vườn nhà hay đi làm bảo vệ nơi thành phố để kiếm tiền rau gạo nếu không được con cái phụng dưỡng. Thế nên áp lực gửi tiền về cho mẹ là hiện hữu.

Mang tiền về cho Mẹ - Ảnh 3

Xã hội Việt Nam từ lâu đã có truyền thống con cái phải phụng dưỡng cha mẹ và con cái là của để dành, cha mẹ hy sinh cho con cái để mong có được tuổi già an nhàn. Nhưng điều này đang thay đổi. Tôi không tìm được các nghiên cứu về việc con cái phụng dưỡng cha mẹ khi lớn tuổi riêng cho Việt Nam, nhưng những nghiên cứu tại Hàn Quốc – Một xã hội có rất nhiều điểm tương đồng với xã hội Việt Nam về truyền thống nói trên - có thể cho thấy bức tranh. Một điểm tương đồng nữa là hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia tại Hàn Quốc được thành lập năm 1988, chỉ bốn năm trước khi hệ thống tại Việt Nam ra đời.

Một nghiên cứu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (https//eng.kwdi.re.kr) công bố năm 2014 cho thấy chỉ có 31,7% số người được khảo sát cho rằng con cái (và đặc biệt là con trai) cần hỗ trợ cha mẹ về tài chính và tình cảm vào năm 2014 so với tỷ lệ 70,7% vào năm 2002.

Báo cáo cũng cho thấy số người lớn tuổi Hàn Quốc nhận được hỗ trợ tài chính từ con cháu đã giảm từ 40,1% xuống mức 23% trong khoảng thời gian từ 2005 tới 2014. Xã hội càng phát triển, mỗi cá nhân sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn cho thu nhập hưu trí của bản thân, điều này không phải là mới và xu hướng này đang diễn ra tại Việt Nam. Các thay đổi trong Luật Bảo hiểm xã hội 2013 đã thể hiện xu hướng này. Trong nghiên cứu nêu trên của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cũng cho thấy số lượng người Hàn cho rằng mỗi cá nhân phải tự lo cho bản thân khi về hưu đã tăng từ 9,6% lên 16,6% trong giai đoạn 2002-2014.

Gửi tiền về cho mẹ không chỉ còn chỉ là mệnh lệnh của trái tim, nó là sức ép hiện hữu đối với các bạn đang đi làm. Đạo làm con phải vậy để khi về già chúng ta có thể thanh thản. Nhưng sức nặng đang tăng lên trên vai người lao động khi đồng thời phải chăm sóc người già và phải tự chuẩn bị cho tuổi già của bản thân khi đã biết rằng sự trông mong vào con cháu chăm sóc dần trở nên xa vời.

Nhìn lại chúng ta những người đang làm việc và đang được tính trong số 50,7 triệu người trong độ tuổi lao động vào cuối năm 2021, chỉ có 16,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện, thì bức tranh không mấy thay đổi khi cứ 3 người tới khi nghỉ hưu thì lại có 2 người tự lo cuộc sống.

Mặc dù bài “Mang tiền về cho mẹ” và “Đi về nhà” của Đen sẽ còn được phát lại hàng năm trong nhiều năm tới, khả năng để có thể thu xếp được đời sống hưu trí thoải mái hơn so với cha mẹ của thế hệ Y và Z, những người sinh sau năm 1980, đã thay đổi theo xu hướng tốt hơn rõ rệt. Cả khuôn khổ pháp luật và vận động của thị trường đều đang ủng hộ xu hướng này.

Những người của thế hệ Y, với tổng cộng 38,3 triệu người trong độ tuổi từ 20 tới 44 tại thời điểm năm 2022, chiếm 75% số người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam hiện nay, sẽ là những nhân chứng và nhận được những lợi ích đầu tiên từ những thay đổi. Luật Bảo hiểm xã hội 2013 đặt ra các khuôn khổ chặt chẽ hơn để bắt buộc người sử dụng lao động phải nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đặt nền móng cho việc mỗi cá nhân có nhiều hơn các lựa chọn để tiết kiệm cho hưu trí, đặc biệt đối với những cá nhân tự kinh doanh. Thị trường cũng đã có thêm nhiều các sản phẩm tài chính để tiết kiệm và đầu tư cho tuổi già.

Mang tiền về cho Mẹ - Ảnh 4

Trong giai đoạn trước năm 2000, cơ hội để tích lũy, chuẩn bị tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu chỉ có thể là gửi tiết kiệm (với nỗi lo thường trực của việc mất giá đồng tiền), cho vay lấy lãi hay tốt nhất là mua tài sản cho thuê hoặc kinh doanh nhỏ. Thị trường chứng khoán ra đời và sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã thay đổi đáng kể bức tranh khi mang lại cơ hội đầu tư vào các sản phẩm tài chính để tích lũy.

Tuy nhiên điều sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống hưu trí của thế hệ Y và X tại Việt Nam là sự thay đổi về nhận thức, bao gồm cả nhận thức về việc phải tự lo cho hưu trí của bản thân và hiểu biết về các công cụ để đạt được mục tiêu để dành cho tuổi già. Covid-19 đã tác động mạnh tới suy nghĩ để mọi người nhận ra sự cần thiết của sự cân bằng và giá trị của cuộc sống, dẫn tới việc thế hệ Z đang mong muốn được nghỉ ngơi vào tuổi 45 thay vì 65.

Trong một khảo sát gần đây, rất nhiều ý kiến đã cho rằng nghỉ hưu đã thay đổi từ việc làm đủ tuổi theo luật định và sau đó nghỉ ngơi hoàn toàn thành việc dừng làm các công việc chính để kiếm tiền chu cấp cho cuộc sống của bản thân và gia đình sang làm các công việc đúng sở thích hoặc có thể dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn (cùng với thu nhập ít hơn), tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Để chuẩn bị tài chính cho nghỉ hưu theo bất kỳ định nghĩa nào cũng không có cách nào khác ngoài việc tiết kiệm và đầu tư sớm với nguyên tắc đều đặn và kỷ luật qua thời gian. Những thay đổi trong suy nghĩ này đến kịp thời cùng với các công cụ tài chính phù hợp sẽ giúp người lao động có được sự chuẩn bị tốt hơn về tài chính khi nghỉ hưu từ các khoản thu nhập nhận được từ chi trả của Bảo hiểm xã hội hay từ các khoản chi trả từ các quỹ hưu trí tự nguyện.

Và dù gì, Tết Nhâm Dần này, ai cũng muốn có tiền mang về cho Mẹ. Và thật hạnh phúc cho những ai còn Mẹ để làm điều ấy!

Mang tiền về cho Mẹ - Ảnh 5

VnEconomy 31/01/2022 09:00