Được biết, anh vốn học kiến trúc, sau đó có thời gian làm công việc của một kiến trúc sư. Vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với hội họa, nhất là lại khởi nguồn là tranh sơn dầu?
Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc, tôi trở thành kiến trúc sư trong một khoảng thời gian, nhưng cảm giác không hợp với môi trường văn phòng, nên tôi quyết định rẽ hướng. Thời điểm đó lại đang là lúc giãn cách vì đại dịch Covid, nên tôi vẽ tranh một phần để xả stress, một phần vì đó là công việc duy nhất mình có thể làm vào lúc đó. Không ngờ, khi đăng tranh lên các nền tảng mạng xã hội thì được mọi người động viên, hưởng ứng rất nhiều, thế là tôi cứ vẽ, rồi vẽ đến giờ.
Trước đó, tôi đã có duyên tiếp xúc với tranh sơn dầu khi còn là sinh viên và nhận thấy mình có cảm xúc với chất liệu này, vừa mượt mà lại vừa mạnh mẽ. Với tôi, sơn dầu mang đến độ bền về thời gian cho bức tranh. Tôi có thể dùng sơn dầu để vẽ tất cả các loại hình và đường nét mà mình mong muốn, đồng thời vẫn lột tả được sự cứng cáp như chất liệu thạch cao.
Anh theo đuổi trường phái hậu ấn tượng. Theo tôi được biết, đây là trường phái đi sâu vào cảm xúc, ý nghĩ… Anh lột tả chiều sâu nội tâm như thế nào khi không được đào tạo bài bản về hội họa?
Tôi nghĩ, hội họa phần nhiều bắt nguồn từ khả năng thiên phú của mỗi họa sĩ, trường lớp là môi trường lý tưởng chính thống để đào tạo nhưng không phải tất cả. Trong một “thế giới phẳng” như hiện nay, mỗi người đều có thể học ở các nền tảng và môi trường khác nhau, và vẫn có rất nhiều họa sĩ thành danh mà không được đào tạo bài bản. Nói tranh là một “bản sao chép” nội tâm hay thế giới tinh thần của tác giả cũng không ngoa. Bất kì ai vẽ tranh cũng đều có thể diễn tả gián tiếp được ít nhất là tâm trạng tức thì tại thời điểm vẽ, chứ không riêng gì họa sĩ được đào tạo bài bản. Vì thế, tôi nghĩ mình chỉ việc vẽ và vẽ tự do nhất có thể, khi đó chiều sâu nội tâm mới có thể in hằn hết lên tranh.
Phải chăng vì có nền tảng kiến thức về kiến trúc nên triển lãm đầu tiên của anh “Kỳ ẩn Việt Nam” là vẽ về các công trình cổ xưa của đất nước?
Đúng hơn là tôi rất đam mê kiến trúc, mà kiến trúc thì liên quan nhiều đến các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa lịch sử. Vì thế, khi bắt tay vào lên ý tưởng cho bộ sưu tập “Kỳ ẩn Việt Nam”, tôi đã tự trả lời các câu hỏi: “Mình là ai? Mình có thế mạnh gì? Mình đam mê gì? Các kiến thức về kiến trúc đã học có giúp ích gì được cho mình không?” Sau khi có các câu trả lời, tôi quyết định chọn vẽ về kiến trúc cổ cho triển lãm đầu tay.
Khi đó, khó khăn lớn nhất là tôi phải tìm hiểu về các câu chuyện xoay quanh mỗi công trình, địa điểm. Có công trình tôi có thể đến tận nơi để vẽ, có công trình tôi chỉ có thể chụp ảnh lại rồi về studio vẽ. Song, cũng có công trình mình phải vẽ theo suy nghĩ của cá nhân vì kiến trúc đã không còn, chẳng hạn như di tích Lưu Cừ và tháp Báo Thiên. Trong 20 bức tranh của bộ sưu tập, tác phẩm gợi nhiều suy nghĩ nhất cho tôi là Nhà rông. Bởi vì đồng bào các dân tộc đã gửi gắm ước nguyện của họ vào hình dáng của mái nhà rông. Mái nhà cong vút lên thể hiện tinh thần kiên cường, bất chấp nghịch cảnh, bất chấp số phận để vươn lên sống… Những điều đó thật sự khiến tôi rung động.
Còn với triển lãm sắp tới “Phật ngự tứ linh” thì sao, yếu tố kiến trúc có hiện diện trong tranh nhiều không, thưa anh?
Yếu tố kiến trúc sẽ không xuất hiện trong bộ sưu tập lần này. “Phật ngự tứ linh” sẽ giới thiệu các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Bắt đầu từ sự hình thành nghệ thuật Việt độc lập -Nhà Lý, từ giao ban chính trị, tiếp biến văn hóa và giao lưu hữu thức với nền nghệ thuật Champa, cho đến triều đại phong kiến cuối cùng - Nhà Nguyễn. Các linh thú bắt đầu xuất hiện, hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, có thể thấy trong kiến trúc và điêu khắc, và trở thành một tồn tại gắn liền trong đời sống, tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.
Gọi là “Phật ngự tứ linh” vì các linh thú trong văn hóa Việt có nét khoan hòa, dung dị kín đáo và gần gũi với con người hơn nhờ tín ngưỡng thờ tổ tiên, tiếp thu Phật giáo và Nho giáo. Phật ở đây chính là miêu tả cho thần thái ấy. Ngoài tứ linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng, trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt còn xuất hiện nhiều linh thú khác, kể cả những con vật gần gũi với con người, có thể kể đến như: chó, ngựa, mèo, trâu, voi… Tôi hy vọng, bộ sưu tập sẽ góp một phần nhỏ giúp mọi người biết đến nhiều hơn về các câu chuyện, những sự tích, những quan niệm cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của tộc người Việt và còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Để thực hiện bộ sưu tập “Phật ngự tứ linh”, anh đã “nạp” các kiến thức văn hóa – lịch sử như thế nào khi quá trình tiếp biến văn hóa và giao lưu hữu thức giữa nền nghệ thuật Việt và các nền nghệ thuật của các nước láng giềng đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử?
Rất thú vị, tôi đã dành hơn 1 năm nghiên cứu rất nhiều tài liệu và đi khảo sát thực tế. Ví như đi tới các di tích ở Huế để hiểu về văn hóa nghệ thuật triều Nguyễn, hay Hoàng thành Thăng Long để hiểu về linh thú thời Lý, Trần… Tôi cũng sang Campuchia và Thái Lan để tìm hiểu văn hóa của người Chăm ở các vùng miền. Đọc tư liệu không thôi thì chưa đủ, tôi phải đến tận nơi để sờ tay vào, nhìn ngắm kĩ các chi tiết và các vết hằn thời gian. Khi bạn biết rõ về thứ đang đứng trước mặt mình, kết hợp với không gian địa điểm và dấu ấn thời gian thì cảm xúc mang lại rất khó tả.
Đó không còn là vẽ đẹp đơn thuần của thẩm mỹ mà còn là dấu ấn của thời đại, của sự kiện, của chứng nhân lịch sử. Song song đó là cảm xúc thán phục tài nghệ và thành tựu của tiền nhân hay là câu chuyện về cái cách mà các công trình còn tồn tại được đến bây giờ và chúng ta có cơ hội nhìn ngắm…Nạp kiến thức và nạp thêm trải nghiệm, xúc cảm nữa, đó là cách tôi tạo nên diện mạo cho bộ sưu tập lần này.
Năm nay là năm con rồng, linh vật này có xuất hiện phần lớn trong bộ sưu tập “Phật ngự tứ linh” không?
Dù ở bất cứ thời điểm nào, rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt. Từ câu chuyện truyền thuyết cha rồng Lạc Long Quân lấy mẹ Tiên Âu Cơ sinh ra người Việt, đến việc thủ đô của nước ta có tên gọi đầu tiên: Thăng Long (rồng bay). Vùng Đông Bắc Việt Nam có địa danh Hạ Long (rồng hạ). Đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu được làm nên bởi dòng sông mang tên Cửu Long (chín rồng)…
Vì thế, đương nhiên, trong bộ sưu tập này tôi sẽ vẽ nhiều về hình tượng rồng. Nhưng trong “Phật ngự tứ linh”, tôi muốn truyền tải một nét đẹp khoan hòa trong các linh thú, kể cả với hình tượng rồng thiêng. Tôi nghĩ cách mình chọn đối tượng vẽ đã là một sự ngưỡng mộ của bản thân dành cho tiền nhân. Hy vọng cách mình tìm tòi, nghiên cứu, kể các câu chuyện và điểm mặt gọi tên các linh thú trong văn hóa Việt sẽ chạm đến trái tim của người xem từ đó khơi dậy trong họ sự trân quý đối với di sản của nước nhà.
Có vẻ như anh rất yêu thích đề tài văn hoá Việt Nam? Các bộ sưu tập tiếp theo của anh vẫn sẽ khai thác chủ đề này chứ? Bộ sưu tập “Sunrise & sunset” sẽ ra mắt 2025 đã được định hình chưa?
Ngay từ những ngày đầu, có hai chủ đề mà tôi nghĩ mình sẽ vẽ xuyên suốt trong sự nghiệp là văn hóa và năng lượng. Tôi tin rằng một thế hệ bền vững là một thế hệ hiểu rõ gốc gác của dân tộc mình. Sau “Kỳ ẩn Việt Nam” và “Phật ngự tứ linh”, năm 2025, bộ sưu tập “Sunrise & sunset” sẽ là dòng tranh năng lượng, mong muốn truyền tải những điều tích cực đến với mọi người. Trước những mất mát, khó khăn thực tiễn phải đối diện, con người luôn cần những nguồn năng lượng tích cực để cân bằng nội tại. Đó có thể là năng lượng thiền, năng lượng ngũ hành hay năng lượng bình an…
Anh nghĩ gì về sở thích chơi tranh, sưu tầm tranh của người Việt hiện nay? Liệu có phải khi kinh tế gặp khủng hoảng thì con người lại càng muốn tìm sự “an ủi” trong văn hóa và “đầu tư” vào văn hóa?
Dưới góc nhìn của một tác giả, tôi nhận thấy bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế lại được xem là thời điểm vàng của các nhà sưu tập khi có thể sở hữu các tác phẩm nghệ thuật Việt tương xứng với giá trị. Tuy nhiên, việc sưu tập, nhất là sưu tập nghệ thuật không phải là một vấn đề đơn giản, cả về góc độ thị hiếu nghệ thuật hay đầu tư kinh doanh. Nhiều nhà sưu tập có kinh nghiệm đã chỉ ra một trong những sai lầm “huyền thoại” chính là suy nghĩ phải thật giàu mới có thể trở thành người sưu tập nghệ thuật.
Điều này chỉ đúng nếu đó là tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi mà một tác phẩm nghệ thuật (một bức tranh chẳng hạn) có thể là một tài sản cực lớn. Còn với các nhà sưu tập mới bước vào thị trường. Họ không nhất thiết phải có thật nhiều tiền bởi có nhiều cách sưu tầm như chọn mua các phác thảo, các bản in độc bản hay tranh khổ nhỏ... Tác giả chưa nổi tiếng, tranh chưa được chú ý, giá trị vì thế cũng không cao. Tuy nhiên, theo thời gian, các tác phẩm sưu tập đó có thể sẽ tăng giá trị. Vấn đề chỉ là ở cách nhìn nhận, đánh giá và dĩ nhiên là dựa trên kiến thức, sự hiểu biết về mỹ thuật của nhà sưu tập.
Vậy trong năm Thìn 2024 này anh sẽ vẽ như thế nào?
Tôi nghĩ, tôi sẽ sử dụng nhiều chuỗi màu tương đồng theo gam vàng, hơi hướng pastel, mục đích vừa bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho tiền nhân vì lịch sử nghìn năm văn hiến, vừa trân trọng và hoài niệm, cố gắng giữ gìn và truyền lửa cho người sau. Văn hóa là vậy, sẽ xuôi theo dòng thời đại, tiếp biến và thay đổi liên tục theo cách nghĩ của mỗi người. Và thuận theo tự nhiên, với tôi, vẫn luôn là sự trải nghiệm vững chãi nhất.
VnEconomy 07/02/2024 08:06
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam