Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 2

Xuất khẩu đang có xu hướng giảm tốc trong tháng 9 khi giảm 14,6% so với tháng trước. Ông nhận định như thế nào về con số sụt giảm này và kim ngạch ngành nào có xu hướng giảm mạnh?

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,6% so với tháng 8 nhưng nếu so sánh với tháng 9/2021 vẫn tăng 9,9%, tương ứng tăng 2,68 tỷ USD. Xuất khẩu tháng 9 giảm theo tính chu kỳ (tháng 9 luôn thấp hơn tháng 8) với số ngày làm việc ít hơn. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là lạm phát trên thế giới vẫn ở mức cao, do đó, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại. Cùng với đó, đồng USD tăng lên mức khá cao trong tháng 9 cũng hạn chế xuất nhập khẩu.

Chi tiết hơn, xuất khẩu tháng 9 giảm 5,1 tỷ USD so với tháng 8, trong đó một số ngành hàng chủ lực giảm khá sâu. Cụ thể, dệt may đạt 2,72 tỷ USD, giảm mạnh 31,9% (tương ứng giảm 1,28 tỷ USD) sau khi đạt đỉnh vào tháng 8 với 4 tỷ USD; giày dép các loại đạt 1,79 tỷ USD, giảm 21,9% (tương ứng giảm hơn 500 triệu USD); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% (tương ứng giảm 300 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,99 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 1,1 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 4,15 tỷ USD, giảm 7,7% (tương ứng giảm gần 350 triệu USD).

Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 3

Với việc sụt giảm mạnh của các mặt hàng chủ lực, trong những tháng còn lại của năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo là rất khó khăn. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến kết quả xuất khẩu của cả năm 2022?

Qua theo dõi cho thấy, kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng như dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt, hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh, xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong 9 tháng ước tính đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 73,32 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 41,64 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 31,68 tỷ USD). Như vậy, trong tháng 9 cả nước ước xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7-8%.

Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 4

Tuy nhiên, trong quý 4/2022, kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng phải vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức như: tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2 kéo dài đến nay và chưa có dấu hiệu kết thúc, tác động xấu đến thị trường năng lượng, tài chính, đẩy giá nguyên liệu đầu vào và lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tăng cao.

Bên cạnh đó, các nước vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các xu hướng trong dài hạn về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon…; thay đổi hành vi đầu tư, tiêu dùng; nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu; thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế… Điều này tạo rất nhiều khó khăn, thách thức trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong tăng trưởng, ổn định vĩ mô và các lĩnh vực xã hội, đời sống người dân, doanh nghiệp. Tất cả những biến số khó lường này có thể gây một số tác động đến kết quả xuất khẩu hàng hóa cuối năm.

Cụ thể, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro khi có thể bị huỷ đơn hàng hoặc bắt buộc phải giảm giá xuất khẩu hàng hóa để thu hồi lại vốn; dòng tiền quay vòng vốn chậm.

Riêng đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây vào thị trường Trung Quốc, chúng tôi đánh giá sẽ là đối tượng tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn nhất do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tăng cường kiểm soát bệnh dịch, hạn chế tối đa việc qua lại biên giới đối với người và phương tiện vận tải, hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến lo ngại hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan chậm, số lượng nhỏ giọt, chi phí thông quan tăng và nhiều thời điểm bị gián đoạn do phía bạn phát hiện ca bệnh.

Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 5

Tổng cục Hải quan sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nào để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm, thưa ông?

Để tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là số hóa, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Thông qua việc rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa, các bước/trình tự quy trình thủ tục hải quan được tối ưu hóa, tạo thuận lợi tối đa cho người khai hải quan nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Thứ hai, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua việc chấp nhận chứng từ dưới dạng điện tử thay chứng từ giấy; tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản; phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tiết lượng hàng hóa, phương tiện tránh ùn tắc tại các cửa khẩu; xây dựng phần mềm cảnh báo ùn tắc tại các cửa khẩu.

Thứ ba, tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực, bố trí công chức ăn nghỉ tại cơ quan đảm bảo thông quan 24/7, đảm bảo làm việc liên tục bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính để thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và các thủ tục quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp đảm bảo hoạt động thông quan liên tục, kịp thời, đúng quy định.

Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 6

Ngoài ra, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu năm 2022 với các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính nhằm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Hải quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 và thay thế Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và các Thông tư hướng dẫn.

Đồng thời, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng tái thiết kế hệ thống vụ hải quan theo hướng hải quan phi giấy tờ, hải quan số, hải quan thông minh; tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực, hiệu quả của trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát về hải quan; nâng cấp cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo hướng chuyển đổi số.

 

Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 7

VnEconomy 03/11/2022 10:00