Từ đầu năm 2020 đến nay, dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid 19, nhiều hãng hàng không trên toàn cầu phải đối mặt với những khó khăn (thậm chí phá sản) do gần như toàn bộ các chuyến bay bị tạm dừng. Chính phủ các nước đã có những gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, tuy nhiên hầu hết các khoản hỗ trợ này đều phải đánh đổi với những lợi ích kinh tế và xã hội khác.
Tại Việt Nam, tình hình tài chính các hãng hàng không đang trong tình trạng kiệt quệ tài chính, toàn bộ tàu bay nằm im dưới mặt đất, doanh thu sụt giảm; trong khi đó, vẫn phải duy trì các chi phí trả nợ vay, trả nợ các nhà cung cấp dịch vụ và lương cho người lao động…
Gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã có gói hỗ trợ lãi suất tái cấp vốn 0% cho Vietnam Airlines (VNA) trong khi các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways và một số hãng nhỏ khác chưa nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu sẽ miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022 thông qua chiến dịch tiêm vaccine với quy mô lớn nhất lịch sử. Như vậy, thực tế trên đặt ra vấn đề bức thiết, đó là ngay từ bây giờ, phải tìm các giải pháp mang tính tổng thể, cơ cấu lại tình hình tài chính và hệ thống vận hành các hãng bay ở một mức độ sẵn sàng, để ngành hàng không kịp thời hòa nhập khi nền kinh tế phục hồi.
Trong nửa đầu năm 2020, hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways, thua lỗ khoảng 560 triệu USD; với tổng giá trị nợ lên tới 200 tỷ Baht (khoảng 6,2 tỷ USD), trong số đó có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức. Ngày 26/5/2020 hãng đã đệ đơn phá sản lên tòa án nhằm tìm kiếm sự bảo trợ để có thể tiếp tục kinh doanh và tiến hành tái cơ cấu nợ.
Ngày 15/06/2021, Tòa án Thái Lan đã đồng ý phương án tái cơ cấu nợ cho Thai Airways. Theo đó, các khoản nợ được gia hạn, đồng thời miễn lãi chưa thanh toán đối với khoản vay. Dự kiến, số nợ phải tái cơ cấu lên đến 12,9 tỷ USD (~4.000 tỷ Baht). Tuy nhiên, một số chủ nợ sẽ có quyền chuyển đổi khoản nợ của họ thành cổ phần của công ty.
Không chỉ Thai Airways, một loạt các hàng hàng không khác thuộc Hiệp hội Hàng không của Thái Lan (TAA) đã đề xuất chính phủ Thái Lan hỗ trợ 5 tỷ Baht với gói vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ Thái Lan vẫn chưa có hành động nào cụ thể đối với đề xuất này.
Riêng với Đức, Chính phủ nước này bơm tiền dưới hình thức góp cổ phần. Theo đó, khi nhận gói 9 tỷ EUR của chính phủ Đức năm 2020, hãng hàng không quốc gia Lufthansan phải chấp nhận thỏa thuận để chính phủ Đức nắm giữ 20% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất. Lufthansan Group cũng sẽ phải nhường lại một số suất khai thác tại các sân bay trọng điểm của hãng tại Munich và Frankfurt.
Còn tại Pháp và Hà Lan, với Air France và KLM, để nhận được gói cứu trợ trị giá 10,4 tỷ EUR từ chính phủ Pháp và chính phủ Hà Lan, dưới hình thức gói vay trực tiếp và bảo lãnh vay, KLM phải giảm số lượng chuyến bay đêm từ trung tâm chính của đất nước tại Schiphol và lượng khí thải CO2 của xuống 50% vào năm 2030.
Air France sẽ phải cắt các chuyến bay ngắn để tạo thuận lợi cho ngành đường sắt, cũng như đáp ứng mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 còn 50% vào năm 2024. Như vậy, khi đưa ra gói cứu trợ này, chính phủ Pháp sẽ có thể phần nào đó cân bằng lợi ích giữa ngành hàng không và ngành đường sắt, cũng như buộc hãng hàng không quốc gia phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm với môi trường.
Tại Mỹ, Chính phủ đưa ra gói cứu trợ 50 tỷ USD để hỗ trợ cả những hãng tư nhân, gồm United Airlines, Delta Airlines, Alaska Airlines, Jet Blue Airways và Southwest Airlines. Trong đó, 25 tỷ USD để trả lương nhân viên (không hoàn lại) nhằm đảm bảo việc làm cho nhân viên hàng không tới tháng 9/2020 và 25 tỷ USD dưới dạng cho vay với quyền chuyển đổi thành cổ phần công ty với các mức giá theo thỏa thuận từ trước. Khoản hỗ trợ này phân bổ không đồng đều giữa các hãng. Cuối tháng 3/2021, Chính phủ Mỹ hỗ trợ 12 tỷ USD cho hãng hàng không American Airlines nhằm khắc phục khó khăn bởi Covid-19.
Một số trường hợp khác như Bồ Đào Nha, Chính phủ đầu tư 1,2 tỷ EUR vào TAP Airlines (hãng hàng không quốc gia) để tăng vốn chủ sở hữu nâng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 72,5%.
Singapore, tháng 3/2021, Chính phủ đã đưa ra gói cứu trợ 19 tỷ SGD từ ngân sách quốc gia để hỗ trợ Singapore Airlines. Với Hàn Quốc, Chính phủ đã hỗ trợ tổng cộng 40 nghìn tỷ Won (~36 tỷ USD) để giải cứu 7 ngành chủ chốt (bao gồm hàng không). Cuối tháng 4/2021, các ngân hàng do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu 100% (gồm Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc) đã cung cấp khoản vay ưu đãi gần 2,35 tỷ USD cho 2 hãng hàng không là Korean Air và Asiana Airlines.
Chính phủ các nước đều dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình hoạt động và triển vọng của ngành hàng không cũng như của các hãng hàng không lớn của quốc gia. Trong đó, điểm nổi bật nhất là Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp, vào thị trường hàng không mà chỉ cung cấp những gói hỗ trợ ngắn hạn (ngoài việc cho phép giãn, hoãn thuế, giảm phí, kích cầu…) để doanh nghiệp khắc phục những khó khăn bất khả kháng do Covid-19 dưới dạng khoản vay ưu đãi (nguồn vốn từ ngân sách) và/hoặc góp vốn cổ phần với tư cách là nhà đầu tư, cổ đông góp vốn (sau một thời gian sẽ thoái vốn).
Đồng thời, các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện một số điều kiện nhất định như: (i) cơ cấu lại, tiết giảm chi phí; (ii) tiết kiệm nguyên nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu ít ô nhiễm môi trường, giảm phát thải; (iii) giữ việc làm, lương cho nhân viên.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại các tổ chức tín dụng đã có nhiều biện pháp cụ thể hỗ trợ VN trong khủng hoảng Covid-19.
Tình hình hỗ trợ VNA đến cuối tháng 7/2021 như sau:
(i) Các chính sách, biện pháp liên quan đến tái cấp vốn cho VNA, đó là: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 194/NQ-CP ngày 31/12/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hay còn được gọi là gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua nhằm hỗ trợ VNA bao gồm:
NHNN thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng sau khi cho VNA vay có tài sản bảo đảm để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với số tiền tối đa không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%, thời hạn tái cấp vốn tối đa 364 ngày và được tự động gia hạn 2 lần, tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không được muộn hơn ngày 31/12/2021.
(ii) Chấp thuận cho VNA tăng vốn 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và giao SCIC thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo quy định của Luật Chứng khoán và Nghị quyết 135 của Quốc hội.
Ngoài ra, (iii) trong dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho VNA phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Đến ngày 26/7/2021, tiến độ triển khai hỗ trợ VNA như sau:
Gói tín dụng 4.000 tỷ đồng đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý và đã được triển khai từ ngày 7/7/2021 giữa VNA với 3 NHTM (gồm SeA Bank; Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Sài Gòn - Hà Nội (SHB)) sẽ giải ngân hết trong tháng 7/2021. VNA sử dụng gói tín dụng này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân; và không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN ngày 05/4/2021 cho mục đích này.
Phương án tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng cho VNA đang được triển khai, phấn đấu hoàn tất thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào cuối quý III/2021.
Các chính sách, biện pháp khác hỗ trợ VNA nói riêng và ngành hàng không nói chung, bao gồm: (i) Giảm 50% giá cất - hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa; (ii) Áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định; (iii) Áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm phí, lãi vay, tháo gỡ khó khăn về vốn (theo Thông tư 01, 03 của Ngân hàng Nhà nước và giãn, hoãn thuế theo Nghị quyết 41 và 52 của Chính phủ).
Hiện tại, ngành hàng không Việt Nam có 3 hãng hàng không nội địa lớn gồm VNA, VietJet Air, Bamboo Airways và ACV, VATM (ngoài ra còn có Pacific Airlines, Vasco là công ty con của VNA, Vietravel gần như chưa hoạt động sau khi thành lập đầu năm 2021).
Theo số liệu thống kê và báo cáo của các doanh nghiệp, chỉ tính riêng 3 hãng hàng không này cùng với ACV, VATM đã có tới 4 vạn cán bộ, nhân viên, tạo ra doanh thu 180.000 tỷ đồng năm 2019. Riêng về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 22.000 tỉ đồng thuế và phí/năm. Doanh thu năm 2020 của 3 hãng hàng không lớn đạt khoảng 63 nghìn tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù ghi nhận dấu hiệu phục hồi (phân khúc vận tải hành khách tăng 1,9%; vận tải hàng hóa tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nội địa, trong khi khách quốc tế vẫn giảm mạnh (giảm gần 98% so với cùng kỳ năm 2020); ngành hàng không nhìn chung còn đối mặt với nhiều khó khăn do (i) làn sóng dịch thứ tư diễn biến phức tạp, ngành hàng không phải dừng/hạn chế vận chuyển hành khách đến các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…; (ii) sự phục hồi trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do hiệu ứng nền thấp của 6 tháng đầu năm 2020, khi so sánh với 6 tháng đầu năm 2019, mức sụt giảm của ngành hàng không vẫn rất lớn (vận tải hành khách giảm 40%, vận tải hàng hóa giảm 26%); (iii) Việc phong tỏa, giãn cách xã hội, chưa mở cửa lại đường bay quốc tế để phòng chống dịch còn kéo dài trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam còn thấp (đến hết ngày 25/7/2021, chỉ gần 5% dân số Việt Nam đã được tiêm 1 mũi vaccine).
Theo đó, trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của các hãng tiếp tục sụt giảm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không khoảng 36 nghìn tỷ đồng. VNA dự kiến số lỗ lên đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và lỗ khoảng 14.5000 tỷ đồng cả năm 2021. Hiện nay, đã có một số hãng hàng không phải tạm cho một số cộng tác viên nghỉ việc, thậm chí nợ lương của phi công, tiếp viên.
Trong bối cảnh đó, vào cuối tháng 6/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ cụ thể:
Thứ nhất, sớm áp dụng “hộ chiếu vaccine”: đề xuất Chính phủ nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine; có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Thứ hai, thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng: Bên cạnh việc tái cấp vốn cho vay VNA (4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%), đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000-6.000 tỷ đồng tương tự như VNA, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác (Vietjet, BamBoo), căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng, để hỗ trợ thanh khoản.
Thứ ba, đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng 25 nghìn tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 4%, thời hạn 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.
Thứ tư, giảm thuế, phí: đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế (từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 VND/lít) cho các hãng hàng không đến hết tháng 6/2022. Hiện mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng cho năm 2021 là 2.100 đồng/lít, tương đương mức giảm 30%...
Dự báo VNA và ngành hàng không còn tiếp tục gặp khó khăn kéo dài, nhằm tháo gỡ các khó khăn về vốn, từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết khó khăn ngành hàng không trong đại dịch, chúng tôi có bốn kiến nghị như sau:
Thứ nhất, về quan điểm và cách tiếp cận việc giải quyết khó khăn hiện nay của VNA và ngành hàng không, Chính phủ, bộ, ngành, các doanh nghiệp hàng không và các tổ chức tín dụng cần thống nhất quan điểm và xác định việc hỗ trợ VNA vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp linh hoạt, giải quyết và xét tới tính hiệu quả, hợp lý của vấn đề; xác định việc cứu trợ ngành hàng không là cần thiết, cấp bách nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực trong giao thương, du lịch, đầu tư và tiêu dùng, đồng thời đảm bảo duy trì việc làm cho lực lượng lao động của ngành và các ngành liên quan.
Thứ hai, về nguyên tắc hỗ trợ, Chính phủ, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và ngành hàng không nói riêng, đảm bảo đúng quy định pháp luật (có giải pháp đặc biệt, linh hoạt trong bối cảnh bất khả kháng), đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Thứ ba, về phương thức hỗ trợ, (i) Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo đúng tiến độ và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong triển khai giải ngân gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng và giải pháp tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng đối với VNA như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; (ii) Xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm; (iii) Xem xét cho phép SCIC đầu tư vốn dạng cổ phần và sẽ thoái vốn khi doanh nghiệp đã ổn định; (iv) Xem xét giảm một số thuế, phí phù hợp (ngoài việc thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ và Thông tư 03, 04 của Ngân hàng Nhà nước).
Thứ tư, về điều kiện hỗ trợ: Để được nhận hỗ trợ, Chính phủ và các cơ quản lý liên quan cần yêu cầu, quy định bắt buộc các doanh nghiệp hàng không phải đáp ứng được những điều kiện ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi các điều kiện này giúp cho các doanh nghiệp và toàn ngành nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp xu thế hàng không quốc tế: (i) Cam kết giữ nhân viên, tái cấu trúc hoạt động, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường theo khuyến cáo của IATA, đổi mới quản trị điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh...; (ii) các điều kiện dài hạn và mang tính bền vững: gia tăng các hoạt động có trách nhiệm của ngành hàng không đối với môi trường và xã hội; giảm mức phát thải carbon, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập.