

Trong một diễn đàn năng lượng, ông từng nói nếu không phát triển điện hạt nhân thì Việt Nam không thể tiến đến năng lượng xanh và sạch. Ông có thể phân tích rõ hơn khi đưa ra quan điểm này?
Điện hạt nhân là nguồn năng lượng cần thiết cho Việt Nam trong tương lai, thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật, công nghiệp, đặc biệt nguồn năng lượng này không phát thải CO2, góp phần tăng trưởng phát triển xanh, bền vững.
Ngoài ra, khi không còn điện than thì Việt Nam cần phát triển điện hạt nhân để thay thế, làm nguồn điện nền ổn định cho các công nghệ xanh khác phát triển.
Trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã bổ sung đưa nguồn điện hạt nhân với công suất đạt khoảng từ 6.000-6.400 MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030-2035. Quan điểm của Viện về vấn đề này thế nào, thưa ông?
Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh. Tuy nhiên, quy hoạch đưa vào bao nhiêu cần có cơ sở khoa học và tính toán đầy đủ. Cùng với đó phải tính đến định hướng phát triển, làm điện hạt nhân với đối tác nào cũng như công nghệ nào sẽ sử dụng, bởi mỗi nước có một loại công nghệ khác nhau và khác về mức công suất. Khi đã quyết định làm điện hạt nhân, thì phải làm để đạt được một số lượng lò nhất định và đáng kể, để đạt được mục tiêu đặt ra và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân bền vững, kinh tế.

Vậy theo ông, với thực tế Việt Nam ở thời điểm hiện nay, chúng ta cần phải triển khai bao nhiêu lò là phù hợp?
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là đơn vị tư vấn, nghiên cứu công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Theo tôi, muốn phát triển điện hạt nhân, Việt Nam cần phải xác định được chúng ta đang có gì, có thể làm được gì. Trong thời gian qua, đặc biệt từ 2010-2016, Việt Nam đã chuẩn bị, xây dựng năng lực cho vấn đề này.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy năng lực của Việt Nam để triển khai thực hiện vấn đề này còn hạn chế, nên ở thời điểm hiện nay chúng ta chỉ có thể triển khai 2-4 lò. Trong giai đoạn sau, Việt Nam cần xây dựng một chương trình phát triển điện hạt nhân đầy đủ, bài bản và dài hạn hơn.
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ trương phát triển điện hạt nhân của Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến và an toàn, đã được kiểm chứng trên thế giới (đã xây dựng và vận hành tại nước khác).
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng công nghệ điện hạt nhân cho giai đoạn bắt đầu phải là công nghệ III+ đã được triển khai xây dựng ở nhiều nơi trên thế giới, có công suất lắp đặt lớn, đảm bảo nhu cầu điện năng cho Việt Nam trong thời gian đầu.
Trong giai đoạn trước đây, chúng ta cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nhân lực cho xu hướng này, có nghĩa những gì Việt Nam đang có về con người và cơ sở hạ tầng đều liên quan công nghệ lò công suất lớn, tiên tiến, an toàn thế hệ III+.

Theo ông, Việt Nam đang có những nền tảng, thế mạnh thuận lợi nào để phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, bền vững?
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, từ hàng chục năm trước Việt Nam đã tính đến vấn đề điện hạt nhân và chuẩn bị lực lượng khi cử cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, Việt Nam đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009. Tuy nhiên, năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án.
Đến ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hoá chủ trương này.
Chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân nhằm tạo bước phát triển mới. Trong bối cảnh hiện nay, tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững, đưa khoa học, công nghệ và ngành công nghiệp đất nước phát triển lên tầm cao mới.
Tôi cho rằng điều thuận lợi quan trọng nhất trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đó là chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của người dân.
Ngoài ra, người Việt Nam đam mê nghiên cứu, khám phá, rất giỏi các môn khoa học tự nhiên. Do đó, người Việt hoàn toàn có thể làm tốt khoa học kỹ thuật, đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như cho điện hạt nhân, năng lượng nguyên tử. Khi phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ phát triển khoa học kỹ thuật và các ngành công nghiệp.
Không những thế, Việt Nam có quan hệ hợp tác quốc tế, đối tác tốt với các nước đang phát triển điện hạt nhân và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước này, cũng như của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đây là những thuận lợi để Việt Nam có thể triển khai dự án điện hạt nhân.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi, theo ông, đâu là những khó khăn đặt ta trong quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam?
Việc Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân sau 8 năm tạm dừng, kể từ năm 2016, là một cơ hội tốt cho ngành hạt nhân. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân, đòi hỏi Việt Nam phải có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý, vận hành, năng lực khoa học, công nghệ, sản xuất công nghiệp tốt hỗ trợ cho việc bảo đảm chất lượng trong triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân. Trong đó, nhân lực là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng, bảo đảm sự thành công của dự án và cần phải được quan tâm đi trước một bước.
Vấn đề quan trọng nhất khi phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là yếu tố con người, phải đào tạo nhân lực giỏi để có thể tham gia vào triển khai, vận hành dự án. Việt Nam cần phải có những chuyên gia hàng đầu về điện hạt nhân nếu muốn phát triển điện hạt nhân bền vững.
Tôi cho rằng nhân lực là chìa khóa để phát triển điện hạt nhân thành công, hiệu quả và bền vững. An toàn điện hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm các nhà máy điện hạt nhân vận hành an toàn, hiệu quả, kinh tế. Vấn đề an toàn điện hạt nhân chủ yếu liên quan đến yếu tố con người.
Cùng với đó, Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng pháp quy hạt nhân… Những thách thức khác của điện hạt nhân như vốn đầu tư lớn, hay chất thải phóng xạ, chúng ta sẽ tìm lời giải cùng với các đối tác và theo kinh nghiệm của các nước đã có điện hạt nhân.

Như ông vừa chia sẻ, một trong những thách thức lớn nhất khi phát triển an toàn hiệu quả dự án điện hạt nhân chính là vấn đề nhân lực và năng lực. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng nhân lực hạt nhân bao gồm 3 mảng chính.
Thứ nhất, nhân lực để làm việc tại các nhà máy của chủ đầu tư. Muốn có nguồn nhân lực này cần phải đào tạo đại học và đào tạo các khóa chuyên ngành sau đại học, huấn luyện… Để đào tạo được một đội ngũ nhân lực vận hành lò cần thời gian khoảng 10 năm. Nhiệm vụ này chúng ta sẽ giải quyết cùng các đối tác, tận dụng tối đa năng lực và điều kiện đào tạo trong nước đang có hiện nay.
Thứ hai, nguồn nhân lực nghiên cứu triển khai, có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này để hiểu biết về công nghệ và an toàn hạt nhân. Đội ngũ này cần triển khai lâu dài, đi theo chương trình điện hạt nhân, tuy nhiên chưa cấp bách như nhóm nhân lực trên.
Thứ ba, nhân lực của cơ quan pháp quy về hạt nhân. Thông thường ở các nước, nguồn nhân lực của cơ quan pháp quy hạt nhân được lựa chọn từ các nhà máy, chủ đầu tư dự án, nhân lực trong triển khai nghiên cứu, ứng dụng, những cán bộ đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm triển khai thực tế, nắm chắc luật pháp để có thể theo dõi, giám sát thực hiện an toàn.
Để có được các nguồn nhân lực này, tôi cho rằng một chương trình chung tổng thể quốc gia, quy định rõ ràng cụ thể là rất quan trọng. Việc đào tạo nguồn nhân lực phải kết hợp cả đào tạo trong nước và nước ngoài. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm đào tạo nhân lực từ các nước đang phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân, các nước vừa mới xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Hiện nay, Việt Nam đang hướng xây dựng năng lực nghiên cứu về điện hạt nhân để đồng hành cùng chương trình điện hạt nhân một cách an toàn, bền vững trong tương lai.

Chủ trương phát triển điện hạt nhân sẽ mở ra cơ hội, xây dựng năng lực cho nhiều ngành công nghiệp. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những cơ hội này với các ngành kinh tế ở Việt Nam?
Điện hạt nhân là rất đặc thù và việc đảm bảo an toàn là quan trọng nhất. Việc thi công triển khai dự án phát triển điện hạt nhân đòi hỏi tuân thủ theo một quy trình rất chặt chẽ.
Trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân sẽ mở ra cơ hội xây dựng năng lực, giúp phát triển khoa học, công nghệ và nhiều ngành công nghiệp khác như thiết kế, tư vấn, công nghiệp cơ khí, vật liệu, luyện kim để tham gia vào quá trình chế tạo thiết bị.
Ngoài ra, điện hạt nhân cũng là cơ hội xây dựng phát triển năng lực cho lĩnh vực điều khiển tự động, điều khiển lò; lĩnh vực hóa học, xử lý nước nhà máy điện hạt nhân…
Đây là nền tảng góp phần thúc đẩy phát triển đất nước. Thực tế ở 32 nước có nền công nghiệp điện hạt nhân đều là các nước phát triển, có mức thu nhập trung bình trên đầu người cao, đã trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và công nghiệp. Phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần nâng cao năng lực trong nước, đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh, sạch cho phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình.
Theo ông, trong quá trình phát triển dự án điện hạt nhân, Việt Nam có thể tham gia vào những khâu nào?
Trong triển khai dự án, Việt Nam sẽ cố gắng tiếp thu nhiều nhất công nghệ tiên tiến. Tôi cho rằng Việt Nam có thể dần từng bước tham gia quá trình xây dựng, sản xuất thiết bị (từ dễ là các thiết bị phụ trợ đến phức tạp hơn đòi hỏi công nghệ cao).
Cùng với đó từng bước đào tạo nguồn nhân lực trong nước để có thể làm chủ quá trình, nắm bắt, hiểu biết về công nghệ và thiết kế, tính toán phân tích và giám sát an toàn…
Việt Nam cũng sẽ triển khai dự án trên cơ sở kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Theo kinh nghiệm của các nước khi triển khai một công trình điện hạt nhân, đơn vị tổng thầu sẽ bắt đầu từ khâu thiết kế cơ sở, tiếp theo thiết kế kỹ thuật, triển khai xây dựng để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất.
Trong ngành hạt nhân, không thể có chuyện một công ty làm thiết kế cơ sở, rồi chuyển thiết kế cơ sở đó cho công ty khác tiếp tục triển khai thiết kế kỹ thuật. Vì điện hạt nhân liên quan đến an toàn. Thiết kế đảm bảo an toàn phải dựa trên những nguyên tắc và triết lý nhất định, xuyên suốt toàn bộ quá trình thiết kế từ đơn giản đến phức tạp và triển khai xây dựng.
Trong quá trình hợp tác với các nước chuyển giao công nghệ, triển khai dự án, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào các mảng chúng ta có năng lực, đồng thời sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực trong nước để dần dần từng bước nội địa hóa.

Hiện nay, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được xây dựng hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới đây nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Những vấn đề mới, điện hạt nhân được quy định thế nào trong dự án luật này, thưa ông?
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang rất tích cực triển khai xây dựng, tham vấn, hoàn thiện dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Các cơ quan soạn thảo đang nỗ lực để có một dự án luật chất lượng góp phần phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam được thuận lợi. Một trong những vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất trong sửa đổi dự án luật đó là tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân, phát triển điện hạt nhân an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, dự án luật cũng có những quy định về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, tài nguyên môi trường…
Là nơi hội tụ, tập trung đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thể hiện vai trò thế nào trong tham mưu, tư vấn, nghiên cứu công nghệ và phát triển an toàn cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, hướng tới dần làm chủ công nghệ, thưa ông?
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, hiểu công nghệ và an toàn, hỗ trợ hình thành đội ngũ các chuyên gia giỏi về lĩnh vực này để đồng hành trong quá trình phát triển, đảm bảo an toàn, bền vững.
Vai trò, sứ mệnh của Viện nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác, trong đó, điện hạt nhân là một mảng quan trọng. Tôi cho rằng khi Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân thì chúng ta phải xây dựng đội ngũ nhân lực, năng lực triển khai.
Với năng lực của mình, Viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia đào tạo đội ngũ quản lý, vận hành, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, sản xuất công nghiệp tốt hỗ trợ cho việc bảo đảm chất lượng trong triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.

VnEconomy 09/04/2025 10:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 7/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308
