Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 1
Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 2

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành (NCIF), Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (kéo dài từ quý 2/2021).

“Hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc vẫn đang khắc phục những hệ lụy nghiêm trọng của Covid-19 tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từng bước dần quay trở lại tình trạng bình thường mới”, ông Thắng nói.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 3

Bên cạnh cơ hội “bắt nhịp” với đà phục hồi của kinh tế thế giới, sự dịch chuyển của dòng đầu tư FDI, triển vọng thương mại từ các FTA, tăng trưởng thời gian tới, theo ông Trần Toàn Thắng, sẽ phải đối mặt với 6 yếu tố bất định, có thể kéo lùi tăng trưởng.

“Đó là rủi ro từ biến động giá cả từ thế giới, sự leo thang của chi phí logistics và định hình chuỗi ngày càng gia tăng, sự chuyển dịch các dòng vốn trong nước, nguy cơ nợ xấu, áp lực ngân sách và phục hồi lao động”, ông Thắng nói.

Cụ thể, trước việc giá dầu, giá kim loại và lương thực, thực phẩm tăng phi mã trong thời gian qua, đại diện NCIF cho rằng lạm phát sẽ là một trong những áp lực lớn của nền kinh tế.

Theo tính toán của NCIF, đà tăng của giá dầu thế giới lan tỏa tới các ngành sẽ rất lớn, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới 1 điểm phần trăm lạm phát của Việt Nam. Trong khi đó, biến động của giá kim loại sẽ ảnh hưởng khoảng 0,2 điểm phần trăm tới lạm phát, bởi đó là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp.

“Đối với Việt Nam, lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật. Vì vậy, cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn trong thời gian tới”, ông Thắng khuyến nghị và dự báo lạm phát năm 2021 sẽ dao động từ 2 – 2,5% và năm 2022 có thể lên tới 4%.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 4

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã khiến kinh tế TP.HCM “rơi thẳng đứng”, giảm 25%. Việc khống chế dịch quá ngặt nghèo, thậm chí theo nhiều tờ báo quốc tế là ngặt nghèo nhất thế giới và quá dài ở các trung tâm kinh tế đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao.

“Mặc dù chúng ta đã có sự chuyển hướng trong cách phòng chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine lên mức cao nhất thế giới nhưng với nền tăng trưởng thấp, chính sách hỗ trợ quy mô nhỏ, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực, khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế… thì quá trình quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng có thể sẽ bị “lỡ nhịp” so với khu vực và thế giới”, ông Thành nhận định.

Trước triển vọng khó có thể phục hồi nhanh trong quý 4/2021, cũng như đầu năm 2022, NCIF dự báo tăng trưởng quý 4/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.

“Đây là mức tăng trưởng rất thấp trong nhiều năm trở lại đây của Việt Nam. Do đó, nền kinh tế rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế, hỗ trợ cho quá trình phục hồi”, ông Thắng nhấn mạnh.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 5

Trong đợt giãn cách lần thứ tư, doanh nghiệp gặp phải ba yếu tố bất ngờ, vì vậy, khả năng ứng phó, thích ứng cực kỳ khó khăn so với những lần trước đây, gây những con số về thiệt hại, tổn thất nặng nề.

Thứ nhất, tốc độ lây lan của đại dịch với biến chủng mới, xảy ra ở những trung tâm kinh tế lớn, tưởng như những nơi có hệ thống y tế còn khả năng phòng chống dịch rất tốt.

Thứ hai, các giải pháp Chính phủ chính quyền các địa phương đưa ra nhiều khi quá mức cần thiết, với sự giãn cách kéo dài chưa từng có. Nhiều chỉnh sách, chỉ thị đưa ra trong thời gian ngắn, không đủ tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán, lại thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp và người dân thực sự bối rối, không biết hành động ra sao.

Thứ ba, giá cả tăng lên, chi phí đội lên rất lớn, chi phí tuân thủ phòng chống Covid trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Những chi phí này đánh rất nặng vào khả năng tài chính của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, số lượng doanh nghiệp kiệt quệ lớn hơn, trải rộng trên tất cả các loại hình khác nhau.

Một tổn thất khác về mặt tâm lý, là tinh thần kinh doanh, niềm tin kinh doanh cũng bị suy giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Nhiều doanh nghiệp loay hoay không biết phục hồi ra sau, tương lai như thế nào.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 6

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành 4 gói hỗ trợ với giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, giá trị thực ước tính của các gói hỗ trợ chỉ khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,94% GDP) do ngân sách bố trí không đủ, chậm triển khai, quy trình phức tạp khiến người dân khó tiếp cận…

Năm 2021, mặc dù doanh nghiệp và người dân còn khó khăn hơn do tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, nhưng giá trị giải ngân mới chỉ đạt khoảng 117 nghìn tỷ đồng.

“Trong khi quy mô gói hỗ trợ nhỏ so với các quốc gia thì tốc độ gói hỗ trợ của Việt Nam lại chậm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của người dân và doanh nghiệp sau giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19”, ông Thắng bày tỏ.

Vì vậy, để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng 5-6% trong năm 2022 cũng như giai đoạn 2021-2025, ông Trần Toàn Thắng đề nghị tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh xã hội, trong đó nghiên cứu đưa ra chiến lược phối hợp giữa an sinh xã hội và và kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 7

Trong suốt ba tháng đóng cửa, đầu ra doanh nghiệp thiệt hại đến 50-70%. Trong đợt dịch vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều bất ngờ. Nếu doanh nghiệp không có kịch bản tốt chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn, nếu không có dự phòng, dự trữ tốt gần như kiệt quệ về tài chính. Trước đây, chúng ta có một suy nghĩ lạ lùng là cho phép thông thương sản xuất nhưng đóng đầu ra, đóng hết cửa hàng khiến doanh nghiệp không bán được hàng, mất nguồn thu. Như vậy, thông thương sản xuất là vô nghĩa.

Doanh nghiệp đủ tiềm lực tiếp cận khách hàng quốc tế như Sunhouse lại vướng nhiều cơ chế, khách hàng gặp nhiều khó khăn trong đi lại, thăm quan nhà xưởng. Bên cạnh đó, dù khó khăn vì dịch bệnh nhưng năm 2020, Sunhouse vẫn đón cơ hội, đầu tư hai nhà máy để xuất khẩu đi Mỹ khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2021 nhưng khả năng tiếp cận mặt bằng, thủ tục hành chính vô cùng phức tạp.

Vì vậy, cải cách thể chế vô cùng quan trọng với doanh nghiệp. Nếu như không tăng được năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thì sẽ mọi chuyện sẽ vô nghĩa, vì doanh nghiệp nội địa muốn tham gia thị trường quốc tế hay nội địa sẽ không thể phát triển lâu dài. Hiện nay, cơ chế, chính sách phải đi sâu vào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, ắt sẽ thâm nhập được thị trường toàn cầu. Nếu bị cản trở bởi chính sách do Chính phủ đưa ra sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ, thành phố đưa ra nhiều cuộc gặp đưa ra kiến nghị tháo gỡ nhưng đều vẫn vướng mắc. Gốc rễ là do cơ chế. Cần tạo động lực cho cán bộ nhà nước dám xả thân. Mọi người đều biết mục đích phải có động cơ, cán bộ mới làm thủ tục chậm chạp. Phải có cơ chế cởi trói cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thủ tục hành chính tăng năng lực cạnh tranh.

Thị trường xuất khẩu hiện đứng trước cơ hội nghìn năm có một tại Nga, Mỹ, Mexico, Ấn Độ… Sunhouse đang tranh thủ cơ hội bằng cách chuẩn bị mặt bằng. Xây dựng nhà máy mất 3-6 tháng, cơ hội vàng trong 1-2 năm nữa, doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng cơ hội này, cơ quan nhà nước cùng đồng hành, giúp doanh nghiệp bắt kịp cơ hội gia tăng xuất khẩu, gia tăng năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 8

Bên cạnh đó, đại diện NCIF cho rằng các gói hỗ trợ tiếp theo cần tập trung vào việc giảm giá điện, thuế môi trường trong xăng dầu, chi phí giao thông BOT; tiếp tục hỗ trợ chi phí giữ lao động của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và lớn; và sử dụng các biện pháp gián tiếp, như nới room tín dụng cho một số ngân hàng kèm theo điều kiện hạ lãi suất dài hạn…

Đặc biệt, trong bối cảnh “bung” ra các gói hỗ trợ, ông Trần Toàn Thắng cho rằng cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn; kiểm soát nợ xấu và phòng ngừa nợ xấu.

Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc chuyển các gói hỗ trợ sang một chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế cho thấy tính quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt Covid-19.

“Tuy nhiên, để nền kinh tế phục hồi và bắt nhịp với đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, vấn đề hiện nay của chúng ta là phải đặt nền móng tốt về thể chế, hạ tầng, lao động cho giai đoạn tăng tốc 5 năm tới”, ông Thành nhận định.

Song vị chuyên gia lưu ý, bên cạnh chính sách tiền tệ, Việt Nam cần mở rộng chính sách tài khóa thông qua giải pháp giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng.

“Bởi chúng ta mới triển khai chính sách giãn, giảm, hoãn thuế… nhưng thực tế trong hai năm qua, doanh nghiệp không hoạt động và không có nguồn thu nên hiệu quả chính sách không nhiều. Đặc biệt, có thể cân nhắc mở rộng thâm hụt, vay mượn quốc tế… để tăng chi hỗ trợ người dân”, ông Thành nêu quan điểm.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 9

Dưới tác động tiêu cực của đại dịch, thu nhập người dân giảm sút, tiêu dùng yếu. Doanh nghiệp trước đây phấn khởi với tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa/thành lập mới là 0,6/1, nghĩa là 1 doanh nghiệp thành lập mới thì chỉ 0,6 doanh nghiệp đóng cửa nhưng hiện nay tỷ lệ này lên tới 1/1. Trước nhiều sang chấn, tồn dư vì đại dịch nên việc phục hồi lại là cấp thiết. Tuy nhiên, chương trình phục hồi cần mang tính tổng thể, gắn với kế hoạch 5 năm, gắn với chương trình cải cách và chương trình phòng chống dịch bệnh hoà quyện với nhau, không thể tách rời.

Chương trình phục hồi muốn khả thi cũng cần làm rõ mục tiêu, đối tượng phục hồi để hỗ trợ. Hiện mới tập trung hai đối tượng, người dân, doanh nghiệp thiếu khoảng trống lớn về đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, cần đưa ra lĩnh vực ưu tiên thời gian tới như y tế là trụ cột quan trọng, giáo dục, kinh tế xanh…

Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo chương trình cân nhắc tác động đến yếu tố vĩ mô, trong trường hợp có gói hỗ trợ 500.000 tỷ đồng sẽ tăng GDP 3% nhưng áp lực nợ công, nghĩa vụ trả nợ Chính phủ vẫn trong ngưỡng an toàn. Có những thời điểm, chúng ta phải chấp nhận tăng ngưỡng hỗ trợ, sau đó có kế hoạch kiềm chế lại. Thế giới cũng như vậy, năm 2019, nợ công 84% GDP toàn cầu nhưng đến nay lên đến 100%, thâm hụt ngân sách 3,4% GDP, nhưng đến nay gần 10% GDP. Tất nhiên, chúng ta không thả nổi. Khi nền kinh tế phục hồi, thu thuế tốt hơn, cán cân sẽ cải thiện tốt hơn.

Đáng lưu ý, cần phối hợp chính sách, không chỉ chính sách tài khoá mà tổng hoà, liên quan đến chính sách kích cầu, phát triển kinh tế xanh… Cần thiết kế chính sách sát hơn, cần tính toán dự toán sát hơn. Hiện nay, dự toán chương trình phục hồi 800.000 tỷ đồng nhưng nhiều bộ, ngành chưa cho thông tin đầu vào. Đầu tư công vài trăm ngàn tỷ, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội phê duyệt, chắc gì giải ngân hết. Hay hỗ trợ lãi suất khoảng 700.000 tỷ đồng về dư nợ tín dụng, Chính phủ bỏ ra khoảng 10.000 tỷ hỗ trợ lãi suất… Thực chi, ước chi 400.000-500.000 tỷ đồng, trong 2 năm chứ không phải trong 1 năm, vì vậy, cần tính toán và công khai minh bạch.

Đáng lưu ý, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải toả ách tắc tồn tại, sẽ đem lại nguồn lực lớn cho phát triển. Khâu thực thi cũng cần rõ ràng, củng cố tăng sức chống chịu hệ thống nói chung và sẽ có cách đưa về quỹ đạo bình thường hơn từ năm 2024.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 10

Suy nghĩ về tương lai, tôi đề cập đến 3 định hướng và 4 chú trọng. Về 3 định hướng, thứ nhất, chúng ta nên xem lại GDP không thể và không nên là biện pháp hoàn chỉnh để đánh giá năng lực, sức mạnh của nền kinh tế. Trên thế giới, đề cập đến khái niệm vốn tự nhiên. Tổng giá trị dịch vụ vốn tự nhiên 144 nghìn tỷ USD, trong khi GDP chỉ là 100 nghìn tỷ USD. Dragon Capital cùng trường Đại học Fulbright đang nghiên cứu về vấn đề này.

Thứ hai, cần có sự cam kết về đầu tư hạ tầng cơ sở, thúc đẩy số hoá, giảm ảnh hưởng xấu từ biến đổi khí hậu. Năm 2020, các thiệt hại do biến đổi khí hậu lên đến 2,8% GDP. Nếu không có chương trình tích cực hạn chế thiệt hại có thể lên tới 4,8% GDP vào năm 2030 và thiệt hại đến năm 2050 là 5,9% GDP, tương ứng 68 tỷ USD.

Thứ ba, không để ai bỏ lại phía sau trong áp dụng chương trình “xoá mù chữ” về tài chính, nâng cao nhận thức trong người dân về khái niệm cơ bản về tài chính.

Đối với 4 chú trọng, một là, cách đây 10 năm trên thị trường chứng khoán chỉ có 5 doanh nghiệp có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD.

Hai là, phát triển nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho sự phát triển do nguồn vốn cho phát triển tại Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn.

Ba là, chú trọng hệ thống phi tài chính trong hoạt động đầu tư, tập trung đo lường chất lượng doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở số lượng.

Bốn là, quy trình quản trị rủi ro. Chúng ta thấy rõ qua giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp nào không có văn hoá quản trị rủi ro là những doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất. Mỗi năm, trong cuộc họp dành ít nhất 20% thời gian bàn bạc về quản trị rủi ro.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 11

Dưới góc nhìn tài chính bền vững, GS. Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của UNDP khuyến nghị Việt Nam tập trung vào các chính sách nhằm tăng cường cung cấp tài chính dài hạn cho đầu tư công và tư nhân nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng là Covid-19, biến đổi khí hậu, và những tác động lâu dài của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Duy trì tỷ lệ đầu tư cao sẽ là yếu tố chính giúp quốc gia ứng phó với khủng hoảng, trong đó, Chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định. Ngay cả những quốc gia có thị trường tài chính sâu rộng như Mỹ và Đức, đã thành lập các thể chế công như ngân hàng phát triển và quỹ phúc lợi quốc gia để cung cấp vốn dài hạn cho các nhóm dự án đầu tư và người vay cụ thể thông qua cho vay trực tiếp, bảo lãnh khoản vay và các công cụ khác”, chuyên gia UNDP cho biết và đề nghị Việt Nam cần ưu tiên cải cách các ngân hàng phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Mặc dù “tiền” là vấn đề rất khó khi áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công… rất lớn song để có thể “vượt nguy, tận cơ”, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế quy mô lớn,

“Nhưng vấn đề là gói này chảy vào đâu, chảy như thế nào và chảy lúc nào. Quản trị và giám sát chương trình phục hồi rõ ràng, minh bạch sẽ giúp Việt Nam tránh được rủi ro”, ông Thành khẳng định.

Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? - Ảnh 12

VnEconomy 09/11/2021 15:55