Thưa ông, thời gian vừa qua có hiện tượng nhiều cổ phiếu “rác”, doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng xào nấu báo cáo tài chính đánh lừa nhà đầu tư, như cổ phiếu họ Louis hay FLC ngang nhiên tồn tại trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, cổ phiếu ROS thuộc họ FLC còn ung dung vào rổ VN30. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài luôn dành một tỷ lệ ngân sách nhất định cho cổ phiếu thuộc nhóm VN30. Nếu ông là các quỹ này, ông sẽ nói gì?
Tôi sẽ làm hai việc ngay lập tức. Đầu tiên, tôi phải tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình bởi vì tôi bỏ tiền vào và đang thiệt hại, thua lỗ vì doanh nghiệp gian dối, tăng vốn ảo. Nếu có đầy đủ minh chứng thì chắc chắn tôi sẽ khởi kiện. Quyết định thứ hai là tôi sẽ ngưng không đầu tư nữa vào thị trường Việt Nam vì quyền lợi của tôi hoàn toàn không được bảo vệ.
Một công ty muốn niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải trải qua một quá trình thẩm định rất kỹ càng và nghiêm ngặt. Về mặt hồ sơ sổ sách, những thông tin tài chính mà công ty kiểm toán không bảo lãnh, loại trừ, nhấn mạnh là những dấu hiệu đáng ngờ của một cổ phiếu rác. Các đơn vị tư vấn và đặc biệt cơ quan quản lý hoàn toàn có thể dựa vào dấu hiệu này để thẩm định doanh nghiệp trước khi lên sàn. Hoặc, chỉ cần những cán bộ thẩm định hồ sơ có chuyên môn phân tích báo cáo tài chính thôi thì sẽ thấy các dấu hiệu đáng ngờ. Ví dụ như tăng vốn trong thời gian rất ngắn, hoặc là hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền thực.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý không thể nào từ chối trách nhiệm của mình về mặt hậu kiểm. Bởi vì doanh nghiệp đăng ký vốn khống tăng vốn ảo trước khi lên sàn có thể thuộc trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng sau khi lên sàn là trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán.
Các quy định về công bố công khai thông tin, thanh tra, hậu kiểm cũng đã rất rõ ràng và đầy đủ. Nếu cơ quan quản lý thực hiện đúng và có trách nhiệm thì không thể lọt những vụ án lớn như ROS hay ITA gần đây.
Nếu như trên thị trường chứng khoán không có các cổ phiếu chất lượng mà chỉ có cổ phiếu trên trung bình một chút, thậm chí có nhiều cổ phiếu “rác” thì thị trường Việt Nam chỉ thu hút được những quỹ đầu tư mang tính chất đầu cơ.
Trong 2-3 năm trở lại đây, khi tình hình kinh tế thế giới bất ổn, các quỹ đầu tư cũng ồ ạt rút vốn về nước của họ. Như vậy, chúng ta không đạt được cái mục đích quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là huy động nguồn vốn rẻ và chất lượng cho doanh nghiệp trong nước.
Theo ông, có những lỗ hổng nào trong cơ chế kiểm soát khiến nhiều cổ phiếu rác vẫn ung dung lên sàn để trục lợi?
Chúng ta hay nói kiểu dân dã là luật có kẽ hở. Nhưng thật ra, luật không có kẽ hở nào đâu. Chỉ có những người cố tình, không tuân thủ pháp luật hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật để lừa đảo nhà đầu tư.
Để con voi có thể lọt qua lỗ kim thì không chỉ có con voi hay lỗ kim có vấn đề mà nó là cả một quy trình, thông qua rất nhiều cơ quan, nhiều đơn vị kiểm tra, giám sát.
Đối với việc kiểm tra, giám sát, chỉ cần mỗi người thực hiện đúng chức năng chuyên môn với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì sẽ không để lọt cổ phiếu “rác”.
Chúng ta phải xem vấn đề nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai để xử lý đúng người đúng tội.
Thị trường của chúng ta cũng rất non trẻ, mới từ năm 2000 đến nay và vận hành theo hướng vừa làm vừa xây. Thường là thị trường đi trước và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát đi sau. Nếu nhìn vào những vụ việc mà chúng ta đã xử lý trong thời gian vừa rồi thì tôi đánh giá còn khiêm tốn so với toàn bộ quy mô của thị trường.
Nếu Nhà nước làm mạnh quá, hình sự hóa tất cả các vụ việc có vấn đề thì sẽ cản trở sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm chặt thì thị trường sẽ phát triển nóng và là cơ hội cho những bộ phận doanh nghiệp trục lợi, lừa đảo. Vì vậy, chúng ta phải cân đối hai việc này.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải làm nghiêm, chặt chẽ, minh bạch để đảm bảo rằng trong thời gian ngắn nhất chúng ta sẽ nâng hạng được thị trường. Lúc đó, chúng ta mới thu hút được những nguồn vốn sạch, nguồn vốn lớn, nguồn vốn đầu tư giá trị. Đây chính là lời hứa của chúng ta với các nhà đầu tư tổ chức lớn và chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng chảy máu nguồn vốn như trong 2 năm vừa qua.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm của các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập khi để “voi lọt qua lỗ kim” như ông vừa đề cập?
Trên thị trường, việc doanh nghiệp làm đẹp báo cáo tài chính bằng cách ghi nhận trước một khoản doanh thu hoặc chưa ghi nhận một khoản lỗ. Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán độc lập với chức năng chuyên môn, phải tư vấn được cho doanh nghiệp nên làm như thế nào để đạt được yêu cầu cả việc công khai, minh bạch của pháp luật đồng thời đạt được mục tiêu kinh doanh, huy động vốn của doanh nghiệp.
Chắc chắn, các công ty kiểm toán có uy tín thì họ từ chối không kiểm toán và không bảo lãnh cho những công ty có vấn đề, hoặc là họ sẽ bảo lãnh một phần, không cam kết bảo lãnh cho những thông tin mà họ không chắc chắn. Đó là những công ty chuyên nghiệp, có trách nhiệm.
Còn nhiều doanh nghiệp kiểm toán khác, có thể do năng lực chuyên môn chưa tới hoặc tinh thần trách nhiệm không cao, sẽ tiếp tay cho những cổ phiếu “rác” lên sàn.
Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, ai, cơ quan/tổ chức nào bảo vệ nhà đầu tư khi họ trót sa bẫy mua phải cổ phiếu “rác”, cổ phiếu của các doanh nghiệp hình nộm?
Về bản chất, thị trường chứng khoán cũng như các thị trường hàng hoá khác, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quản lý toàn bộ thị trường trên đấy, hiểu nôm na như ban quản lý chợ. Cơ quan quản lý không thể đứng ra bảo lãnh cho nhà đầu tư hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành.
Như vậy, đầu tiên nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình. Cơ quan kiểm tra, giám sát sẽ chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động của thị trường và đảm bảo thị trường đạt được các yếu tố công khai, minh bạch thông qua đấu giá và quan hệ cung cầu.
Cơ quan giám sát của Nhà nước hoặc các cơ quan thi hành pháp luật sẽ kiểm tra, giám sát khi xuất hiện các yếu tố bất thường, có dấu hiệu lừa đảo hoặc, có yếu tố mà có thể khởi tố hình sự. Chính vì vậy, ngoài việc cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ thị trường thì nhà đầu tư cũng phải bảo vệ chính mình thông qua các quyết định đầu tư khôn ngoan.
Ở góc độ nhà đầu tư, nếu được tư vấn cho cơ quan quản lý để tăng tính minh bạch, tăng chất lượng cho thị trường thì ông sẽ có những kiến nghị gì?
Về chuyên môn, chúng tôi tách biệt rất rõ ràng giữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết và việc kinh doanh chứng khoán trên sàn. Việc mua, bán cổ phiếu trên sàn liên quan nhiều tới tâm lý hành vi. Những gì liên quan đến hành vi nhiều khi không có lý do từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thị trường cũng có nhiều nhóm nhà đầu tư. Nhóm thứ nhất là những người đầu tư giá trị, họ quan tâm đến những công ty bền vững, có tương lai, làm ăn minh bạch, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn, có chiến lược… Nhóm thứ hai là những nhà đầu cơ. Nhóm đầu cơ chuyên tìm kiếm những cơ hội từ rủi ro và họ luôn nghĩ rằng trong nguy thì có cơ. Khi cổ phiếu có xu hướng lên, họ chỉ cần xen vào một khúc ở giữa thôi.
Mua cổ phiếu lúc đang tăng nóng và nhảy ra khi có dấu hiệu sụp đổ. Thuật ngữ chuyên môn gọi là những nhà đầu tư tạo thêm sự nhiễu loạn cho thị trường.
Đây là một thực tế khách quan của thị trường, không thể mong ai cũng là nhà đầu tư giá trị... Sự tương tác của tất cả những nhóm nhà đầu tư này trên thị trường hình thành cung - cầu; hình thành giá và khiến thị trường sôi động như hiện nay.
Tất cả những nhà đầu tư này tương tác với nhau… Vì vậy, trách nhiệm của nhà quản lý và cơ quan quan sát thị trường là thúc đẩy thị trường công khai, minh bạch và tuân theo quy luật cung cầu.
Ngay cả bản thân tôi là nhà đầu tư, tôi cũng không trông mong khoản đầu tư của tôi được bảo vệ không lỗ. Cái đó không đúng, bởi vì đầu tư thì có thắng có thua. Chỉ mong, những gì doanh nghiệp hứa với nhà đầu tư thì họ phải đáp ứng được. Những vấn đề gì mà cơ quan quản lý hứa với nhà đầu tư là thúc đẩy thị trường công khai, minh bạch, rõ ràng thì phải đạt được. Kết quả mà nhà đầu tư nhìn thấy từ hành động của cơ quan quản lý nhà nước phải là số trường hợp vi phạm bị xử lý; sự thăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh “bàn tay hữu hình”, quyền lực từ Nhà nước, thì thị trường cũng có sức mạnh không nhỏ, góp phần tăng chất cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở góc nhìn này, ông có chia sẻ gì với các nhà đầu tư?
Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ lệ rất cao trên thị trường. Tuy nhiên, hầu như các nhà đầu tư cá nhân bỏ tiền ra nhưng lại không có trách nhiệm gì lắm với khoản đầu tư của mình. Nhiều khi nhà đầu tư bỏ tiền ra mua cổ phiếu nhưng không quan tâm đến hội đồng quản trị là ai, ai là người dẫn dắt doanh nghiệp, chiến lược của họ như thế nào? Nhà đầu tư chỉ trông mong vào một điều duy nhất là tôi mua cổ phiếu này xong thì có tin gì ra và tin đấy có giúp cho giá cổ phiếu tăng không? Nếu có tin xấu chẳng hạn thì thôi bán tháo, nhảy ra khỏi thị trường. Như vậy không phải là đầu tư thực thụ.
Nếu là nhà đầu tư, chúng ta có quyền kiểm soát, giám sát doanh nghiệp thông qua đại hội cổ đông nhưng các nhà đầu tư cá nhân hiện nay không nghĩ đến điều đó. Bởi vì chúng ta cứ nghĩ mình là nhà đầu tư nhỏ lẻ nên thường xuyên bỏ qua quyền kiểm tra, giám sát của mình cho một vài thành viên chủ chốt…
Rõ ràng, theo quy định của luật thì càng là cổ đông lớn càng cần phải kiểm tra, giám sát. Vậy nên, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ phải thể hiện được vai trò kiểm tra, giám sát của mình, phải tương tác liên tục với hội đồng quản trị, ban kiểm soát… trước khi yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát giúp mình.
VnEconomy 21/09/2022 13:00