Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 1
Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 2

Ghé thăm rừng đước ngập mặn của hộ gia đình anh Đinh Văn Đường, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, anh Đường cho biết gia đình nuôi thủy sản từ những năm 1990. Trước kia, nuôi trong ao hồ nhỏ của gia đình, thâm canh với mật độ thả nuôi lớn, chi phí đầu tư cao do phải mua con giống và thức ăn, nên lợi nhuận rất thấp, bình quân mỗi tháng chỉ được 5-7 triệu đồng. Có những vụ, tôm bị dịch bệnh chết nhiều, thua lỗ nặng.

Từ năm 2018, gia đình anh được Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi phối hợp với dự án GCF (Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam), giao 4 ha đất ngập mặn để trồng rừng. Anh đào các rạch nước xen kẽ, lấy đất đắp thành những dải đất cao, sau đó trồng cây đước thành rừng. Năm 2019, gia đình anh Đường được Dự án GCF hỗ trợ tiền mua con giống thủy sản để thả nuôi dưới các rạch nước trong rừng do gia đình quản lý.

“Từ khi trồng rừng ngập mặn, cản được bão gió, hạn chế xói lở. Dưới tán rừng nuôi tôm, cua, ốc len... theo hình thức quảng canh. Nhờ có tán rừng che nắng, khí hậu mát mẻ, tôm cua có chỗ ém, sinh trưởng tốt hơn. Lại có rong rêu, có tảo làm thức ăn, không tốn chi phí thức ăn, nên lợi nhuận cao hơn. Nuôi tôm cua kết hợp, tôm và cua bể có tính cộng sinh nên khi nuôi chung đều phát triển rất tốt, thích nghi tốt với môi trường ao nuôi, cho năng suất cao hơn so với với nuôi tôm độc canh trước đây”, anh Đường chia sẻ.

Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 3

Theo kinh nghiệm của anh Đường, thường phải thả tôm trước từ 1,5 - 2 tháng, sau đó mới thả cua để tránh hiện tượng ăn nhau giữa 2 loài. Cua được thả nuôi ở mật độ thưa khoảng mỗi m2 thả 1 con, trung bình từ 2 - 3 tháng bổ sung cua giống 1 lần. Khi cua đạt kích cỡ thương phẩm thì thu tỉa. Mỗi tháng, thu hoạch tôm 2 lần vào những ngày con nước (giữa tháng và cuối tháng âm lịch). Hiện, tôm sú loại 20 con/kg bán được giá 180-190 nghìn đồng/kg; tôm thẻ giá 110-120 nghìn đồng/kg; tôm bạc giá 50 nghìn đồng/kg. Với 4 ha rừng ngập mặn nuôi tôm, bình quân mỗi tháng bán tôm được 24 - 28 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 15 triệu đồng. Ngoài con tôm, trung bình mỗi năm thu hoạch từ 150 - 200 kg cua bể, bán được cho thương lái với giá 200.000 đồng/kg, được thêm 40 triệu đồng.

“Nuôi tôm quảng canh, tuy không mất chi phí thức ăn, nhưng phải mua con giống bổ sung và phải thường xuyên thuê người và máy móc về nạo vét rạch. Bởi khi rạch cạn nước, không nuôi tôm được. Mỗi khi triều cường lên, áp lực nước mạnh nên bờ bị vỡ, phải đắp lại. Phải thuê máy múc đào đắp, chứ không thể đắp bằng tay được. Đất và rừng là của Nhà nước, nên mình không được phép chặt, chỉ được nuôi thủy sản làm sinh kế”, anh Đường chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Miễn, 46 tuổi, ở ấp Xưởng Tiện, cũng được giao 4 ha đất rừng ngập mặn. Ngoài nuôi tôm cua, gia đình anh Miễn đang có đàn dê 16 con. Cách đây 3 năm, anh được dự án GCF hỗ trợ tiền mua 4 con dê. Từ những con dê đầu tiên này, anh nuôi cho sinh sản, dê con cứ nuôi đến khoảng 25 kg là xuất bán. Hàng ngày anh hái lá đước làm thức ăn cho dê, nên không mất chi phí thức ăn khi nuôi dê. “Trước kia không có sinh kế, tôi đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi được giao đất trồng rừng ngập mặn, gia đình đã có thu nhập ổn định từ tôm, cua bể, dê... bình quân mỗi tháng được hơn 20 triệu đồng”, anh Miễn tâm sự.

Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 4

Nhắc đến mô hình nuôi thủy sản sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Viên An Đông, ông Lương Huỳnh Hảo hào hứng kể: “Toàn bộ diện tích của 14 ấp trên địa bàn xã đều đang nuôi tôm, cua sinh thái, trong đó có hơn 6.300 ha với 1.203 hộ đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Naturland, ASC, Selva Shrimp của EU, Hà Lan. Hiện nay, toàn bộ diện tích này đã được Tập đoàn Minh Phú và Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm”. 

“Thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm - cua kết hợp dưới tán rừng được xem là hướng đi bền vững cho nông dân. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hóa chất, ít chi phí sản xuất, chất lượng tôm, cua luôn được đánh giá cao. Có thể con tôm sinh thái không vượt bậc về năng suất như các loại hình nuôi khác như tôm thâm canh và siêu thâm canh, nhưng tính ổn định rất cao. Các loại tôm thâm canh có thể khó tiêu thụ, nhưng tôm, cua sinh thái thu hoạch đến đâu đều được mua hết, do chất lượng ngon, lại không có kháng sinh hay bất cứ hóa chất nào”, ông Hảo cho hay.

Theo ông Hảo, ngoài lợi nhuận từ tôm, cua, các hộ dân còn được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Chỉ tính riêng dịch vụ chi trả môi trường rừng, hiện 1.203 hộ này hàng năm được nhận hơn 1,2 tỷ đồng. “Rừng sản xuất giao khoán của người dân hiện nay có thể không cần ban quản lý. Kể từ khi nuôi tôm sinh thái, tình trạng chặt phá cây rừng gần như không còn, thậm chí người dân còn trồng rừng nhiều hơn so với diện tích theo quy định. Hầu hết người dân ở đây đều trồng rừng đước, bởi vì đước là cây cho gỗ, trong khi các cây mắm, bần không thể bán gỗ. Quy định người dân trồng rừng đước phải đủ 12 năm thì mới được phép thu hoạch và phải trồng lại rừng mới. Với một chu kỳ khoảng 12 năm, 1 ha rừng có thể mang về cho người dân từ 150-200 triệu đồng. Đây là của để dành đáng kể”, ông Hảo tâm đắc nói.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với gần 280.000ha. Trong đó, có gần 40.000ha nuôi tôm cua sinh thái dưới tán rừng, hầu hết các trang trại tập trung ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000ha. Trong đó, có khoảng 20.000ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng huyện Ngọc Hiển đến nay có 4.500 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, trong đó có 110 tổ hợp tác sản xuất với 1.413 hộ và 14 hợp tác xã.

Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 5

Ông Nguyễn Hữu Quyền, Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, đồng thời là giám sát dự án GCF, cho biết Dự án GCF được triển khai từ năm 2017 đến năm 2024, với tổng ngân sách 41,9 triệu USD, trong đó tiền từ Quỹ Khí hậu xanh chiếm 29,5 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đóng góp 10,8 triệu USD và nguồn từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) là 1,6 triệu USD. Kết quả cho đến nay, dự án đã hỗ trợ xây dựng được 4.966 ngôi nhà có khả năng chống chịu, trồng và phục hồi được gần 5.000 ha rừng ngập mặn tái sinh tại 7 tỉnh ven biển.

Theo ông Quyền, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, có chiều dài 254km, thường xuyên phải đối mặt với trượt lở đất và xâm nhập mặn. “Với diện tích 3.168ha trồng mới và trồng bổ sung phục hồi rừng do dự án GCF hỗ trợ dọc bờ biển của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao khả năng chắn sóng, bảo vệ đê biển. Diện tích rừng trồng bổ sung và phục hồi này do Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi phụ trách đã tạo ra một “bức tường xanh” bảo vệ bờ biển, Ngoài ra, dự án đã giúp người dân ở Cà Mau thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, với tổng diện tích nuôi 2.000ha”, ông Quyền nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, dự án đã hỗ trợ 11 mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn cho 978 hộ dân đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng xuất khẩu và mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi. Giai đoạn 2023-2024, trong số hộ thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, dự án đã chọn 500 hộ tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản cho tôm sinh thái. Kết quả đã làm tăng giá trị kinh tế của hoạt động nuôi tôm, đồng thời bảo vệ tài nguyên rừng ngập mặn.

Nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng là hình thức nuôi trồng gắn với bảo vệ rừng. Ngày nay, mô hình này còn được coi là giải pháp hấp thụ carbon, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên thế giới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Theo tính toán, từ khối lượng sinh khối rừng phát triển thêm tại Cà Mau trong giai đoạn 2017-2024, đã giảm phát thải trên 1 triệu tấn khí carbon.

Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 6

VnEconomy 02/09/2024 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2024 phát hành ngày 02/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sinh kế bền vững của nông dân Cà Mau: “Tôm cua ôm rừng” - Ảnh 7