Đề xuất Quốc hội bố trí gần 11.000 tỷ đồng, sớm đóng mạch đường Hồ Chí Minh
Để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải cho rằng cần thêm khoảng 10.770 tỷ đồng để đầu tư tiếp 3 dự án thành phần, trong đó, ưu tiên đầu tư trước 2 dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn...
Bộ Giao thông vận tải vừa thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh dài 2.744 km, không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác, có điểm đầu từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu 2 làn xe, được khởi công xây dựng vào năm 2000.
Đến nay, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành 2.362/2.744 km, đạt 86,1%, và khoảng 258 km tuyến nhánh. Hiện dự án đang triển khai đầu tư 211 km. Còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải cho rằng cần thêm khoảng 10.770 tỷ đồng để đầu tư tiếp 3 dự án thành phần.
Cụ thể, thứ nhất, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (Thái Nguyên - Tuyên Quang) dài khoảng 28,5 km với tổng mức đầu tư 1.774 tỷ đồng.
Thứ hai, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (Phú Thọ - Hòa Bình) dài 87,5 km với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng.
Thứ ba, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (Kiên Giang) dài khoảng 55 km với tổng mức đầu tư 3.796 tỷ đồng.
Trong 3 dự án trên, Bộ Giao thông vận tải đề xuất ưu tiên đầu tư trước 2 dự án là Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn.
"Đây là hai dự án có ý nghĩa giáo dục truyền thống, lịch sử, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có dự án đi qua”, Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Bộ Giao thông vận tải thay mặt Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 2 dự án trên.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ nối thông toàn tuyến theo đúng Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến sang hình thức đầu tư công.
Kết quả nghiên cứu cho thấy do nhu cầu vận tải thấp và có các Quốc lộ 32, 21A đi song hành nên phương án tài chính không khả thi, cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án lên đến khoảng 52% nhưng thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài đến 25 năm. Trong khi đó, theo Luật Đối tác công tư (PPP), vốn góp của Nhà nước không quá 50% tổng mức đầu tư dự án.
Dự án đường Hồ Chí Minh hiện hoàn thành 2.362/2.744 km, mới đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Như vậy, đến năm 2022 mục tiêu thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành. Tiến độ thực hiện dự án không bảo đảm theo phân kỳ đầu tư quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư để nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe, hình thành trục dọc Bắc - Nam thứ 2 để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hỗ trợ xóa đói giảm nghèo khu vực phía Tây.