Du lịch chữa lành: trở thành xu hướng lâu bền
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh gia tăng đã khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, mong muốn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống...
Khái niệm về sức khỏe (wellness) trong du lịch dần được mở rộng hơn từ cuối năm 2021, khi bệnh tật vật lý không còn là mối quan tâm duy nhất. Sức khỏe tâm lý, tinh thần, cảm xúc dần trở thành yếu tố mà mọi người, nhất là người dân đô thị sẵn sàng bỏ tiền (thậm chí nhiều tiền) để có được. Trong báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu được công bố vào cuối năm 2021, Viện Sức khỏe toàn cầu (GWI) dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe từ năm 2020 đến năm 2025 là 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.
NHU CẦU CÂN BẰNG CẢM XÚC
Ngày càng có nhiều điểm đến chăm sóc sức khỏe ở mọi nơi trên thế giới, xuất phát từ việc người tiêu dùng liên tục bị buộc phải đối phó với căng thẳng trong công việc và dịch bệnh. Du lịch chữa lành được định nghĩa bao gồm việc kết hợp các liệu pháp chăm sóc cơ thể và spa với khoa học (ví dụ như tư vấn) và tinh thần (ví dụ như yoga, thiền định), hỗ trợ toàn diện cho sức khỏe thể chất (ví dụ như thực đơn ăn kiêng).
Theo ông Andrew Gibson, nhà đồng sáng lập Wellness Tourism Association, ngành công nghiệp du lịch chữa lành không còn là xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành định hướng phát triển dài hạn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho sức khỏe, đem đến cho du khách cảm giác bình yên khi đi du lịch. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Wellness Tourism Association, 76% người được hỏi cho biết họ muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe và 55% nói rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý.
Các spa tập trung vào các dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, “một kèm một” như massage và chăm sóc da mặt, đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm ngoái. Theo một báo cáo của Viện Sức khỏe toàn cầu được công bố vào tháng 12/2021, các spa khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã giảm 42% doanh thu, trong khi các trung tâm spa độc lập giảm 37%. Nhưng bước sang năm 2022, với những thay đổi theo hướng chữa lành, báo cáo cho biết dự kiến lĩnh vực spa sẽ tăng trưởng 17% hàng năm cho đến năm 2025.
Chris Kam, Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu của Omnitrak chuyên thực hiện các cuộc khảo sát du lịch quốc gia, cho biết những gì mọi người muốn từ một kỳ nghỉ đang thay đổi. Trung bình, với 6 USD chi tiêu cho du lịch thì 1 USD thuộc về thị trường wellness cho thấy nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến tinh thần và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn đã trở thành xu hướng tất yếu.
KÍCH CẦU VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG
Trên thế giới, các khách sạn và khu nghỉ hướng đến chăm sóc tâm lý bắt đầu xuất hiện với sự đầu tư khổng lồ, phổ biến nhất là ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Mexico, Pháp, Hy Lạp. Những trung tâm du lịch này chủ yếu tập trung vào quá trình gắn kết cơ thể con người với tâm trí, hướng tới du lịch bền vững và sử dụng các liệu pháp như: âm nhạc, hội họa; chăm sóc, nuôi thả động vật; trò chuyện nhóm, thiền… Nhìn chung, mỗi nơi sẽ có một cách thức tiếp cận riêng, nhưng đều hướng đến trải nghiệm nghỉ dưỡng cùng thiên nhiên, kết hợp giá trị bản địa và các dịch vụ chăm sóc thân – tâm - trí.
Theo khảo sát của Wellness Tourism Association, 76% người được hỏi cho biết họ muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe và 55% nói rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý.
Bên cạnh những liệu trình ngắn hạn, những dịch vụ trị liệu cũng cung cấp các liệu trình kéo dài từ 3 đến 14 ngày. Từ đó kéo khách hàng ở lại trải nghiệm lâu hơn so với khoảng thời gian lưu trú ngắn hạn phổ biến trước đây. Mặt khác, đặc thù của gói trị liệu là tính lặp lại. Một chu kỳ trị liệu như chăm sóc, tái tạo, phục hồi sức khỏe có thể kéo dài từ 3 – 12 tháng, định kỳ mỗi tháng 1 – 2/lần. Như vậy, khi sử dụng dịch vụ trị liệu, bắt buộc khách hàng phải quay trở lại nhiều lần hơn để đạt hiệu quả cao nhất. Điều này giúp các điểm đến tạo ra hiệu ứng kích cầu, thúc đẩy phát triển mạng lưới khách hàng rộng lớn, tăng trưởng bền vững theo thời gian.
Thực tế cũng đã chứng minh, các khách sạn có đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thu về doanh thu cao hơn trung bình 43% so với các khách sạn không có dịch vụ này (dữ liệu từ HotStarts). Trong một báo cáo của trung tâm nghiên cứu SRI International, khách quốc tế trải nghiệm du lịch wellness chi tiêu nhiều hơn 65% khách thông thường, khách nội địa, cao gấp 2,5 lần. Bên cạnh đó, trong vòng 5 năm qua, châu Á dẫn đầu về cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch wellness.
Tại Ấn Độ, lĩnh vực du lịch y tế năm 2020 ước tính trị giá 5 - 6 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là y học cổ truyền với các phương pháp trị liệu tâm lý lâu đời. Tour chữa lành của Ấn Độ từ miễn phí cho đến có tính phí với mức giá có thể lên tới 10.000 USD/tuần. Thái Lan cũng là quốc gia đang làm tour trị liệu tâm lý gần như tốt nhất thế giới. Ngành trị liệu tâm lý tại nước này còn có các dịch vụ chữa trị cho người nghiện, bao gồm nghiện game, nghiện công việc, nghiện rượu... Giá một tour điều trị tại các resort hạng sang lên đến 16.000 USD/tháng.
Nhìn lại Việt Nam, mô hình kinh doanh du lịch trị liệu tại Việt Nam còn ít sản phẩm trong khi sản phẩm lại thiếu tính đặc sắc, nên chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Nhiều chuyên gia nhận định, loại hình du lịch chữa lành chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức do những nhầm lẫn với các loại hình khác, đặc biệt là với loại hình du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch tâm linh. Các sản phẩm du lịch chữa lành ở Việt Nam cũng chưa đa dạng và chuyên nghiệp, mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ nhỏ lẻ chứ chưa có các hoạt động chuyên đề. Ngoài ra, phát triển du lịch chữa lành hiện nay còn xa rời với cộng đồng dân cư bản địa, khách du lịch chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng mà thiếu đi các hoạt động tìm hiểu và gắn kết với người dân địa phương.
Để du lịch chữa lành có thể phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Sự liên kết giữa hai ngành sẽ giúp xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa các dịch vụ, quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch. Chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước... sẽ là những yếu tố quyết định thành công của du lịch chữa lành tại Việt Nam.