Fast Retailing đạt lợi nhuận vượt ngưỡng nhờ sự trượt giá của đồng Yên
Hồi tháng Bảy, Fast Retailing đã công bố lợi nhuận cao kỷ lục trong quý 3 của năm tài chính 2022 - 2023 (bắt đầu từ 1/9/2022 đến 31/8/2023), qua đó nâng mức lợi nhuận dự báo của cả năm, giữa bối cảnh hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đã phục hồi…
Lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính 2022 - 2023 của công ty mẹ Uniqlo dự kiến sẽ tăng 26% lên 374,6 tỷ Yên (2,52 tỷ USD), theo ước tính trung bình của 12 nhà phân tích do tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG) thu thập. Trong khi đó, Fast Retailing đưa ra con số lợi nhuận dự kiến là 370 tỷ Yên, vượt xa mức 297,3 tỷ Yên của năm ngoái. Cổ phiếu của Fast Retailing cũng đã tăng 22% trong năm 2023, tương đương với mức tăng của chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Kết quả này cho thấy sự trở lại mạnh mẽ ở Trung Quốc, thị trường nước ngoài lớn nhất của Uniqlo tính đến hiện tại. Hoạt động kinh doanh của Fast Retailing ở Trung Quốc bắt đầu khởi sắc vào cuối quý tài chính thứ hai và tăng tốc trong quý tài chính thứ ba, khi các cửa hàng hiện có ở quốc gia này có doanh số bán hàng tăng 40%. Uniqlo hiện có tới 925 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, nhiều hơn cả ở thị trường Nhật Bản. Điều này biến Trung Quốc thành điểm tựa cho công ty mẹ Uniqlo khi thị trường bán lẻ quần áo vài năm gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Japan Times, Fast Retailing là công ty hiếm hoi hoạt động tốt trên thị trường may mặc tầm trung tại Trung Quốc, nơi một số tên tuổi phương Tây như Forever 21 và các thương hiệu thuộc sở hữu của Inditex đã rút lui trong những năm gần đây. Trước đó, Trung Quốc đã là thị trường quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Fast Retailing. Thị trường này chiếm 23% tổng doanh thu và 28% lợi nhuận của công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2022. Theo công ty chuyên về đo lường kinh tế Euromonitor, trong năm 2022, Fast Retailing nắm giữ 1,3% thị phần may mặc tại Trung Quốc.
Trong khi đó, đồng Yên đã giảm khoảng 12% so với đồng USD tại thời điểm này, tạo động lực để các công ty Nhật Bản tăng cường bán hàng ra nước ngoài. Bên cạnh Trung Quốc, Fast Retailing cũng đã tăng cường tập trung vào các thị trường ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hãng bán lẻ Nhật Bản có chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và Giám đốc khu vực của hãng Daisuke Tsukagoshi đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uniqlo vào tháng trước. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng ông đang chuẩn bị kế nhiệm Chủ tịch Fast Retailing Yanai.
Chưa dừng lại ở đó, thương hiệu Uniqlo của Fast Retailing mới đây công bố tìm kiếm thêm đối tác sản xuất ở Ấn Độ để nhanh chóng mở rộng hoạt động sau khi chứng kiến doanh số bán hàng tăng 60% tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Phát biểu tại buổi lễ khai trương cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Mumbai, Tomohiko Sei, Giám đốc điều hành của Uniqlo Ấn Độ cho biết “gã khổng lồ” may mặc Nhật Bản hiện đang hợp tác với hơn 20 nhà máy dệt may ở Ấn Độ, giúp họ có thể đáp ứng yêu cầu của các chính phủ liên bang về nguồn cung ứng tương đương ít nhất 30% dự trữ từ các nguồn địa phương.
Theo hồ sơ gửi lên Bộ các vấn đề doanh nghiệp Ấn Độ, Uniqlo đã đạt lợi nhuận 683 triệu rupee (8,2 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 với doanh thu 6,24 tỷ rupee, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Ông Sei cho biết cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ khá lớn vì dân số “khủng” và tốc độ tăng trưởng kinh tế rất mạnh. Ấn Độ là một thị trường khá quan trọng, không chỉ đối với Uniqlo mà còn đối với tất cả các công ty khác.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Uniqlo Tadashi Yanai hồi tháng 4/2023 cho biết nhà bán lẻ này đang bước vào giai đoạn mở rộng với mục tiêu đạt doanh thu 10.000 tỷ Yên (67,2 tỷ USD) để trở thành công ty “toàn cầu thực sự.” Uniqlo đang nhắm đến mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ Yên trong khoảng 5 năm tới.
Theo tờ Fashion United, lợi nhuận của Fast Retailing gia tăng trong năm nay đã giúp tỉ phú ngành bán lẻ Tadashi Yanai, giữ danh hiệu người giàu nhất Nhật Bản, có thêm 11,8 tỉ đô la Mỹ để nâng giá trị tài sản lên 35,4 tỉ đô la Mỹ. Hồi đầu năm, ông Tadashi Yanai thông báo kế hoạch tăng thêm 40% lương cho nhân viên và quản lý tại Nhật Bản để bằng với thu nhập ở các chi nhánh nước ngoài. Công ty hướng tới việc xây dựng một đội ngũ lao động toàn cầu để có thể triển khai linh hoạt hơn.
“Tôi từng chia sẻ rằng công ty có kế hoạch đưa ít nhất 1/3 nhân viên tại Nhật Bản ra nước ngoài và 1/3 hoặc một nửa số nhân viên ở nước ngoài theo hướng ngược lại, nhằm tạo ra một trụ sở toàn cầu thực sự. Chúng tôi muốn khuyến khích nhân sự của mình thể hiện vai trò tích cực đến thế giới. Tuy vậy, chúng tôi cần phải tăng thu nhập nếu muốn thu hút thêm nguồn nhân lực giỏi,” ông Yanai chia sẻ trong một buổi báo cáo tài chính hồi tháng 4/2023.
Theo giới chuyên gia, trong thời điểm kinh tế suy thoái và người tiêu dùng đề cao yếu tố bền vững như hiện nay, các sản phẩm của Fast Retailing như Uniqlo hay GU trở nên “như cá gặp nước”. Bởi lẽ nếu nhìn vào đám đông người ở nơi công cộng, sẽ rất khó để nhận ra thiết kế nào của Uniqlo, và đó lại chính là sức hấp dẫn của thương hiệu. Quần áo Uniqlo mang đến vẻ thanh lịch, bền vững với thời gian, chất lượng vải cao, người ta có thể mặc đồ Uniqlo năm này qua năm khác, quần áo Uniqlo không bao giờ lỗi mốt so với các loại quần khác trong tủ quần áo của người dùng.
Năm 2004, Uniqlo ra tuyên bố về chất lượng toàn cầu, đó là cam kết ngừng sản xuất hàng hóa giá rẻ, chất lượng vải thấp. Ở thời điểm đó, ông Yanai tuyên bố: "Tôi muốn được đánh giá cao vì cung cấp hàng hóa có chất lượng. Mục tiêu đổi mới sáng tạo được đặt lên hàng đầu trong văn hóa nội bộ của Uniqlo”.
Giờ đây, nhà sáng lập của Uniqlo đã thành công với mục tiêu đưa Uniqlo trở thành thương hiệu châu Á có tầm cỡ toàn cầu với khoảng 3.620 cửa hàng tại 22 quốc gia. Fast Retailing với nhiều thương hiệu mới như Theory, Helmut Lang và J Brand nhiều khả năng sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" với Zara và H&M trong vài năm tới.