Góc khuyết trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Giới phân tích nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn thiếu cơ sở dữ liệu để định giá trái phiếu, dẫn đến dòng vốn lớn, đặc biệt từ các định chế tài chính quốc tế còn chần chừ chảy vào thị trường Việt Nam…
Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI, đánh giá quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn quá nhỏ nếu so với GDP và so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo bà Giao, ở các thị trường phát triển, kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế là thị trường trái phiếu. Thị trường này luôn có quy mô lớn hơn thị trường cổ phiếu và tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, thị trường trái phiếu vẫn ở giai đoạn sơ khai nên doanh nghiệp lệ thuộc tín dụng ngân hàng. Với việc vay vốn qua hệ thống ngân hàng càng ngày càng khó khăn vì những quy định chặt chẽ theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam phải hội nhập, bà Giao cho rằng các cơ quan quản lý và thành viên thị trường cần gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự tin đưa vốn vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
“Để đánh giá một trái phiếu, quỹ đầu tư như chúng tôi phải có ít nhất một nhóm chuyên gia gồm 5-7 người bao gồm chuyên viên phân tích, quản trị rủi ro, pháp chế; sau đó mới trình hội đồng đầu tư quyết định. Nên thực sự nhà đầu tư cá nhân nếu muốn tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ đọc bản cáo bạch do doanh nghiệp công bố sẽ rất khó đưa ra quyết định đầu tư”, bà Giao nói.
ĐỊNH GIÁ TRÁI PHIẾU CHỦ YẾU DỰA TRÊN KINH NGHIỆM
Phát biểu tại một tọa đàm về trái phiếu doanh nghiệp mới đây tại Hà Nội, bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, cho biết trong quá trình quản lý danh mục trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các công ty bảo hiểm toàn cầu, họ luôn hỏi về tỷ lệ chậm trả hay xác suất vỡ nợ của các mã trái phiếu doanh nghiệp.
Bởi vì khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam thì các định chế nước ngoài cũng phải tuân thủ những quy định nội bộ của họ trong quản trị rủi ro. Một trong những công cụ để quản trị rủi ro hiệu quả chính là xác suất vỡ nợ.
“Dữ liệu này không chỉ giúp nhà đầu tư quyết định việc mua trái phiếu ban đầu mà họ sẽ theo dõi trong suốt quá trình nắm giữ trái phiếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chỉ có các ngân hàng thương mại tính được xác suất vỡ nợ đó và họ chỉ sử dụng nội bộ”, bà Kim Anh chia sẻ.
Đại diện một số quỹ đầu tư cho biết đến nay, đa số các tổ chức tại Việt Nam vẫn định giá trái phiếu dựa trên kinh nghiệm thị trường, kinh nghiệm tích lũy từ các thương vụ đã làm hoặc tham khảo ý kiến đồng nghiệp chứ không có số liệu chuẩn.
Chẳng hạn, trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thì biên độ rủi ro khoảng 4%; nếu doanh nghiệp rủi ro hơn thì con số này có thể là 5% hay 6%. Nhưng những con số đó hầu như dựa trên kinh nghiệm.
“Rủi ro khi định giá trái phiếu dựa trên kinh nghiệm là có nhiều tình huống nhà đầu tư bị thiếu thông tin; tình trạng bất đối xứng thông tin giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành là phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn một vấn đề nữa là giao dịch Repo (hợp đồng mua lại nhằm cơ cấu nợ - PV) hay giao dịch giữa các bên liên quan với tổ chức phát hành rất nhiều; dẫn đến giá trái phiếu được công bố trên HNX không phải là giá chuẩn”, bà Dương Kim Anh cho biết; đồng thời, bà nhấn mạnh nếu nhà đầu tư chỉ nhìn vào giá trên HNX để tham chiếu thì đương nhiên sẽ ra quyết định sai.
CƠ SỞ DỮ LỆU CHƯA SẠCH VÀ SÂU
Theo ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính (FiinGroup), phương pháp chuẩn hóa để ước lượng lợi nhuận và rủi ro là nền tảng để xây dựng một danh mục đầu tư trái phiếu hiệu quả và bền vững. Ngoài mức lãi suất danh nghĩa/tuyệt đối, nhà đầu tư nên tham khảo thêm dữ liệu về tỷ suất đến ngày đáo hạn (YTM), chênh lệch tỷ suất (Credit spread) với các lớp tài sản khác hoặc trong từng trái phiếu cụ thể, cũng như xác suất chậm trả để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và khẩu vị rủi ro.
Ông Việt chỉ ra 4 lợi ích của đường cong lãi suất đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nợ nói chung.
Thứ nhất, nhà đầu tư cá nhân có thể đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn nhờ việc hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào người tư vấn.
Thứ hai, nhà đầu tư tổ chức có thể bắt đầu triển khai và ứng dụng các mô hình theo chuẩn quốc tế trong hoạt động đầu tư và quản trị rủi ro, cũng như tận dụng thanh khoản trên thị trường thứ cấp để điều chỉnh danh mục kịp thời và hoạt động theo quản trị danh mục đúng nghĩa thay vì làm theo thương vụ riêng lẻ như hiện nay.
Thứ ba, tổ chức tư vấn có thể sử dụng tham chiếu làm cơ sở cho việc tư vấn nhất là mức lãi suất phát hành cho khách hàng của họ cũng như hỗ trợ cơ sở gia tăng hiệu quả hoạt động dựng sổ và tìm kiếm nhà đầu tư cho một lô trái phiếu cụ thể.
Thứ tư, doanh nghiệp phát hành: có thể tham khảo làm cơ sở cho tối ưu chiến lược vốn và hỗ trợ xác định lãi suất phát hành một cách phù hợp, phù hợp với khẩu vị đầu tư của nhóm nhà đầu tư mà họ nhắm đến.
Tuy nhiên, hiện nay định giá trái phiếu gặp phải thách thức không nhỏ do dữ liệu giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường thứ cấp còn thiếu chiều sâu; độ bao phủ của xếp hạng tín nhiệm còn thấp, chưa kể đến sự thiếu hụt hàng loạt thông tin phi tài chính làm cơ sở đánh giá cho nhà đầu tư.
Do đó, đại diện một số quỹ đầu tư cho biết thị trường rất cần những bên thứ 3 độc lập thu thập, xử lý dữ liệu, đưa ra đường cong lãi suất chuẩn để thị trường tham chiếu dựa trên cơ sở dữ liệu là cung – cầu thật của thị trường.
"Xếp hạng tín nhiệm, đường cong lãi suất giúp nhà đầu tư biết được mình nên mua ở giá nào, thỏa thuận lãi suất với tổ chức phát hành như thế nào và quản trị được rủi ro sau đầu tư. Với công ty bảo hiểm còn có ý nghĩa giúp doanh nghiệp lên chiến lược phân bố tài sản cho cả năm. Đường cong lãi suất có thể giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hay quỹ đầu tư xây dựng các kịch bản cho kế hoạch kinh doanh năm sau".
Theo đại diện các công ty quản lý quỹ, để nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân yên tâm tham gia thị trường trái phiếu, điều đầu tiên là cần mở rộng độ bao phủ của xếp hạng tín nhiệm. Cùng với kết quả xếp hạng tín nhiệm loại A hay B, tương đương với xác suất vỡ nợ là bao nhiêu, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ tính toán phần bù rủi ro để giúp nhà đầu tư hình dung ra trái phiếu xếp loại A thì tương đương lãi suất 7%, còn loại B thì phải 10-11%/năm chẳng hạn; từ đó dần hình thành đường cong lãi suất làm tham chiếu cho thị trường định giá trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Trịnh Quỳnh Giao cho biết việc ra quyết định ban đầu chỉ chiếm 30%, còn quản lý sau đầu tư quyết định tới 70% khả năng thành công của khoản đầu tư. Quá trình 3 năm, 5 năm nhà đầu tư cầm trái phiếu và quyết định bán ra như thế nào để ghi nhận lợi nhuận hoặc thậm chí phải cắt lỗ luôn phải có cơ sở định lượng. Do đó, kết quả xếp hạng tín nhiệm, đường cong lãi suất được cập nhật liên tục sẽ giúp nhà đầu tư quyết định tiếp theo nên làm gì.
BA NÚT THẮT CẦN THÁO GỠ TRÊN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
Theo các chuyên gia, để quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng bền vững thì cần giải quyết cùng lúc 3 vấn đề là tăng cung, cầu và phát triển các định chế trung gian.
Thứ nhất, liên quan đến nguồn cung, hiện nay tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng rất thấp. Giới phân tích và thành viên thị trường chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do thủ tục cấp phép tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nay quá lâu...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2024 phát hành ngày 26/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam