Intel bán lại mảng chip cho công ty Hàn Quốc với giá 9 tỷ USD
Thương vụ này đồng nghĩa với sự dịch chuyển của Intel khỏi lĩnh vực vốn có tầm quan trọng lịch sử đối với hãng này
Intel đã đạt thỏa thuận bán lại phần lớn mảng sản xuất chip cho công ty Hàn Quốc SK Hynix với giá 9 tỷ USD, tờ Wall Street Journal cho hay. Thương vụ này đồng nghĩa với sự dịch chuyển của Intel khỏi lĩnh vực vốn có tầm quan trọng lịch sử đối với hãng.
Mảng chip của Intel sản xuất các sản phẩm chip nhớ flash NAND chủ yếu sử dụng trong những thiết bị như ổ cứng, USB và camera. Trước đây, việc rút khỏi mảng chip đã từng được Intel tính đến do giá chip nhớ trên thị trường suy giảm.
Intel được biết đến nhiều nhất với tư cách nhà sản xuất bộ vi xử lý máy tính, nhưng gốc rễ của tập đoàn này nằm ở lĩnh vực chip nhớ. Khi mới thành lập vào thập niên 1960, Intel là một công ty sản xuất chip. Sau đó, cạnh tranh gay gắt từ ngành công nghiệp điện tử nở rộ của Nhật Bản buộc Intel phải mở rộng hoạt động.
Thị trường chip nhớ toàn cầu sụt mạnh vào năm 2018 do dư thừa nguồn cung, sau đó bắt đầu phục hồi vào cuối năm ngoái. Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, nhu cầu máy tính và server tăng mạnh do nhiều người phải làm việc ở nhà, dẫn tới nhu cầu chip nhớ càng tăng thêm. Giới phân tích dự báo thị trường chip NAND sẽ vững vàng trong mấy năm tới do nhu cầu lưu trữ dữ liệu tăng ở mức cao.
Tuy nhiên, hồi tháng 4 năm nay, Tổng giám đốc (CEO) Bob Swan của Intel nói rằng tập đoàn phải tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn hơn từ mảng NAND và phát tín hiệu rằng Intel có thể hợp tác với một công ty khác để đạt được mục tiêu như vậy.
Vào tháng 3, Giám đốc tài chính (CFO) George Davis của Intel nói rằng cho dù thị trường chip nhớ đang tăng trưởng tốc nhờ sự xuất hiện của nhiều trung tâm dữ liệu lớn, "chúng tôi vẫn chưa tạo ra được mức lợi nhuận như mong muốn".
Trước đó, vào tháng 1, Intel đã giảm hoạt động ở mảng sản xuất chip nhớ bằng cách bán lại cổ phần trong một liên doanh cho hãng Micron Technology với giá khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là một liên doanh tập trung vào công nghệ chip tiên tiến hơn có tên 3D XPoint.
Intel, tập đoàn có vốn hóa thị trường khoảng 230 tỷ USD, đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn do bị các đối thủ nhỏ hơn giành giật thị phần. Giá cổ phiếu Intel năm nay đã giảm khoảng 10%, so với mức tăng 30% của PHLX Semiconductor Index - một chỉ số đo giá cổ phiếu các hãng chip.
Giữa lúc Intel trầy trật ở mảng chip, thị phần của hãng đối thủ Advanced Micro Devices (AMD) trên thị trường CPU máy tính cá nhân đã tăng vượt mức 17% trong quý 1 năm nay, lớn hơn gấp đôi so với cách đây 5 năm, theo dữ liệu của Mercury Research. Intel nắm giữ gần như toàn bộ thị phần còn lại trên thị trường CPU.
Thị trường chip nhớ toàn cầu đã rung chuyển vì những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn sự nổi lên của ngành công nghệ Trung Quốc. Washington đã áp lệnh cấm bán các linh kiện và công nghệ Mỹ cho Huawei, hãng công nghệ lớn nhất của Trung Quốc. Tháng trước, hãng chip nhớ Nhật Bản Kioxia phải trì hoãn vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vì điều kiện thị trường bất lợi.
SK Hynix cho biết Intel sẽ bán lại cho công ty Hàn Quốc này toàn bộ mảng NAND, bao gồm nhà máy ở Đại Liên, Trung Quốc. Nhà máy ở Đại Liên là cơ sở sản xuất chip lớn duy nhất của Intel ở Trung Quốc, nên việc nhà máy được bán lại cho Hynix khiến sự hiện diện của Intel tại nước này giảm mạnh.
Intel sẽ giữ lại Optane, đơn vị chuyên về công nghệ chip hiện đại của hãng.
Ngành công nghiệp chip toàn cầu đang ở trong một làn sóng sáp nhập, khi một số công ty tìm kiếm quy mô lớn hơn và mở rộng danh mục sản phẩm để hỗ trợ một số lượng ngày càng lớn các vật dụng hàng ngày được kết nối Internet.
Tháng 7 năm nay, Analog Devices nhất trí mua lại Maxim Integrated Products với giá hơn 20 tỷ USD. Tháng 9, Nvidia Corp. nhất trí chi 40 tỷ USD để mua lại hãng thiết kế con chip Anh Arm Holdings. Đầu tháng này, Wall Street Journal đưa tin AMD đang đam phán mua lại hãng đối thủ Xilinx.
Hynix SK, công ty có những khách hàng lớn như Apple và Huawei, hiện đang đứng vị trí thứ tư về thị phần trên thị trường chip nhớ NAND toàn cầu và chỉ đứng sau Samsung về chip nhớ DRAM.
Trên thị trường chip nhớ flash NAND, Samsung đang dẫn đầu với thị phần 31,4%, tiếp theo là Kioxia với 17,2%, SK Hynix với 11,7%, và Intel và Micron mỗi hãng với 11,5%.
Sau khi mua lại mảng chip của Intel, SK Hynex sẽ nắm thị phần 23,2%, rút ngắn khoảng cách thị phần với đối thủ đồng hương Samsung.