Là “tam giác vàng” khởi nghiệp tại ASEAN, vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2023 vẫn sụt giảm rõ rệt
Thuộc Top 3 quốc gia có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi trong ASEAN và đồng thời cũng là một trong những quốc gia có chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) thăng hạng nhanh nhất trong 10 năm qua song năm 2023 lại là năm hết sức khó khăn với các dự án khởi nghiệp sáng tạo…
Báo cáo về thị trường khởi nghiệp Việt Nam 2024 được Kirin Capital công bố mới đây nhận định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ.
HỆ SINH THÁI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO PHÁT TRIỂN MẠNH
Theo báo cáo mới nhất của Chỉ số Đổi mới toàn cầu (GII) năm 2023 vừa qua, Việt Nam là một trong những nước thuộc Top 3 có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi, tích cực so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thể hiện qua tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường cũng như số lượng các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.
Cụ thể, hiện tại Việt Nam đang đứng xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế theo GII, và đồng thời là một trong số những quốc gia thăng hạng nhanh nhất trong 10 năm vừa qua. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng ghi nhận là nước có hệ sinh thái khởi nghiệp đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình – thấp, góp mặt trong số ít ỏi những nước có sự phát triển vượt ngoài sự kỳ vọng của giới đầu tư.
Theo ông Delano Musafer, Giám đốc thị trường vốn APAC thuộc Sở giao dịch chứng khoán New York, Việt Nam đã và đang nổi lên nhanh chóng không chỉ ở châu Á mà còn trên thị trường toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng có chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng cao. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2023, báo cáo cho rằng đây là một năm đầy khó khăn đối với các dự án khởi nghiệp. Tình hình đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sụt giảm rõ rệt về cả giá trị đầu tư cũng như số thương vụ được rót vốn.
KHÓ KHĂN LỚN NHẤT VẪN LÀ DÒNG CHẢY CỦA TIỀN
Cụ thể, theo Kirin Capital, có 3 nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm trên.
Thứ nhất, chịu ảnh hưởng bởi lạm phát khiến cho môi trường lãi suất toàn cầu liên tục tăng cao. Đây là lý do khiến cho “dòng tiền rẻ” mà giai đoạn trước đây có thể dễ dàng huy động được dần bị hạn chế. Đồng thời, trong môi trường lãi suất tăng, những rủi ro tại những dự án khởi nghiệp có khả năng bị khuếch đại, khiến cho các Startup không đạt được những tiêu chí mà các định chế tài chính đặt ra. Điều đó khiến dòng tiền từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp nước ngoài chảy vào Việt Nam cũng chịu chung số phận bị thắt chặt.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam suy giảm, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp đều kém, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu các d ự án kh ởi nghiệp. Sự suy giảm này khiến cho các Startup trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng là sự bất ổn thượng tầng vĩ mô khi các vụ án tham nhũng và thao túng thị trường chứng khoán liên tục diễn ra, trong đó có rất nhiều quan chức và doanh nhân phải đứng trước vành móng ngựa. Tình hình này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trên thị trường.
“Đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư của các quỹ trên thế giới muốn nhảy vào thị trường Việt Nam”, Kirin Capital nhận định.
Trong ba nguyên nhân trên, Kirin Capital cho rằng rào cản lớn nhất mà các dự án khởi nghiệp Việt sẽ còn phải tiếp tục đối mặt trong năm 2024 vẫn sẽ đến từ dòng chảy của tiền.
“Mặc dù Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) khả năng sẽ có những đợt giảm lãi suất trong năm nay, song mặt bằng lãi suất chung trên thế giới sẽ chưa thể giảm trong một sớm một chiều. Do đó, tiền sẽ chảy rất chậm về các thị trường tài chính cận biên như Việt Nam”, báo cáo nhận định.
Tuy vậy, mặt tích cực là tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn luôn là quốc gia nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư nước ngoài, đứng thứ ba trong khu vực chỉ sau Indonesia và Singapore.
Với sự hỗ trợ đầy đủ từ phía Chính phủ, Kirin Capital tin rằng Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một nơi phát triển mạnh mẽ cho những kỳ lân tiềm năng. Theo suy đoán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ có ít nhất 5 kỳ lân công nghệ với mức định giá hơn 1 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tăng gấp đôi giá trị vào năm 2030.