Lạm phát giá thực phẩm tại châu Âu tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu
Lạm phát kỷ lục đang diễn ra tại châu Âu do xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá của không chỉ các mặt hàng năng lượng tăng, mà nhiều loại lương thực, thực phẩm tại EU cũng tăng giá rất mạnh. Diễn biến này đang tạo cơ hội cho nông sản châu Á nói chung, nông sản Việt Nam nói riêng tăng xuất khẩu vào thị trường này...
Theo báo cáo do Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên Minh châu ÂU (EU) công bố ngày 1/7, thì giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 8,6% trong tháng 6. Mức tăng giá tiêu dùng tại khu vực này một tháng trước là 8,1%.
Lạm phát của khu vực đồng Euro tăng kỷ lục trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực leo thang. Trong đó, giá năng lượng tăng vọt ở mức 41,9% trong một năm qua vì tác động từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN ĐƯỢC GIÁ
Tại EU, trong lĩnh vực thực phẩm, bột mỳ tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước, lên 52,3%. Nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng cao, như: giá sữa tăng 31,3%; giá đường tăng 25%, giá trứng tăng 14,2%, giá thịt lợn tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Eurostat, trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm mặt hàng lương thực tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong khu vực đồng Euro.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản tại châu Âu đang tăng giá do xung đột giữa Nga và Ukraine cùng những đòn cấm vận thương mại gần đây gây ra tình trạng gián đoạn, thậm chí đứt gãy nhiều tuyến thương mại quan trọng của châu Âu.
Cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Giá cá ngừ tại thị trường châu Âu cũng tăng vọt do giá xăng dầu tăng mạnh đã làm tăng chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ. Giá tôm, giá cá hồi đang tiếp tục tăng kể từ đầu năm 2022 nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp.
Nhờ giá cá tra, tôm, cá ngừ… xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU tăng cao, đã giúp xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về trên 5,76 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP
VASEP nhận định, việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở EU đang tạo “cơ hội vàng” để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở 2 thị trường này.
Nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg.
Giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn tăng mạnh hơn, đã lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ thường chỉ đạt 2,9-3,1 USD/kg
Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” (ngày 7/7) đã nhấn mạnh châu Âu là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tại châu Âu đang tăng rất mạnh, do khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu.
Theo ông Công, trong tất cả nhóm hàng, rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất. “Mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu”, ông Trần Văn Công thông tin.
Các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh đang được ưa chuộng tại châu Âu, bởi người dân khu vực này đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
“Vừa qua, các doanh nghiệp quy mô lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại đã làm tốt công tác chế biến sản phẩm để thâm nhập thị trường châu Âu. Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon…”, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu lưu ý.
NÔNG SẢN VIỆT VẪN CHIẾM THỊ PHẦN ÍT TẠI EU
Cũng tại Diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty international Fresh Group chuyên phân phối các mặt hàng nông sản tại EU chia sẻ: Hiện tại, sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.
Theo ông Khang, những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe của thị trường này về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Trên thực tế, công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.
"Nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang được cân bằng theo hướng tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Ngoài ra, việc phải làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà kéo dài do đại dịch khiến mọi người ngại đi ăn ở ngoài dẫn tới nhu cầu về thực phẩm chế biến lớn hơn”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Do đó, ông Khang bày tỏ mong muốn: Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra bối cảnh thế giới hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, sẽ giúp cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng cao trong thời gian tới.
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%.
Hai thị trường được ông Nam chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô.
“Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban SPS-WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nhấn mạnh.