Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo của các sàn Forex

Chia sẻ

Hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là "chơi Forex"...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Công an thành phố Hà Nội, việc tham gia vào các sàn Forex hiện nay vừa rủi ro vừa vi phạm pháp luật. Do đó, cơ quan này đã chính thức phát đi cảnh báo với người dân.

Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra. 

Hiện nay Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Đồng thời, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật.

THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO TINH VI

Thống kê của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội cho biết, hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là "chơi Forex".

Phương thức hoạt động của các sàn Forex là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".

Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản.

Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

 

Khi tham gia chơi Forex trái phép tại Việt Nam, người chơi không những phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ mà còn có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật.

Theo lời của nhân viên tư vấn, các dự án, mô hình hệ thống này đều được giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài, là các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện các giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, 15 - 30%/tháng, trên số tiền đầu tư.

Cùng với đó, các sàn Forex được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng.

Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, "đánh cháy" tài khoản của khách hàng (làm hết tiền trong tài khoản khách hàng).

Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỉ đồng). Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền.

Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền...

VỪA RỦI RO VỪA VI PHẠM PHÁP LUẬT

Về cơ bản, những người tham gia giao dịch Forex thường được gọi là traders. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, traders vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra.

Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối. Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sàn Forex sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, người có hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối có thể bị xử lý hành chính từ phạt cảnh cáo đến 30 triệu đồng.

Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. Bởi vậy, người tham gia "chơi Forex" được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp.

Bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn Forex trái phép.

Bên cạnh đó, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp. Do đó, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo.

"Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, Forex do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự lập để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự", Công an Hà Nội khuyến cao. 

 

Căn cứ khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh, môi giới ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép quy định hoạt động sẽ bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng.

Trường hợp nhân viên môi giới hay sàn Forex sử dụng các chiêu trò gian dối, khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền có thể bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo Điều 290, hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản từ 50 - 200 triệu đồng… thì phạt tù từ 02 - 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 300 đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.

Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm, nếu chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng.

Ngoài ra, tội này còn quy định về hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm, có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con