“Ông trùm” hàng hiệu Pháp vừa giành ngôi giàu nhất thế giới là ai?

Hoài Thu
Chia sẻ

Ông Bernard Arnault, 73 tuổi, là nhân vật lâu năm trong các xếp hạng giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống ông Musk hay nhiều tỷ phú ồn ào khác, tỷ phú Pháp ít khi xuất hiện trước công chúng và không hoạt động trên mạng xã hội...

Tỷ phú Bernard Arnault - Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú Bernard Arnault - Ảnh: Bloomberg

Ông Bernard Arnault, tỷ phú đứng sau “đế chế” thời trang xa xỉ LVMH của Pháp, ngày 13/12 đã vượt qua ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, trở thành người giàu nhất thế giới trong xếp hạng Bloomberg Billionaire Index. Theo xếp hạng này, từ trước tới nay nay chưa có người Pháp hay người châu Âu nào có khối tài sản lớn nhất hành tinh.

Ông Arnault, 73 tuổi, là nhân vật lâu năm trong các xếp hạng giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống ông Musk hay nhiều tỷ phú ồn ào khác, tỷ phú Pháp ít khi xuất hiện trước công chúng và không hoạt động trên mạng xã hội.

Dù LVMH tượng trưng cho sự xa hoa với 75 nhãn hiệu từ Dom Perignon, Christian Dior đến Tiffany & Co., ông duy trì cuộc sống kín tiếng ở quê nhà, nơi việc phô trương sự giàu sang thường bị coi thường.

Năm nay, thị trường biến động khiến tài sản của vị tỷ phú Pháp giảm khoảng 7,2 tỷ USD nhưng con số này không đáng kể so với mất mát của các tỷ phú công nghệ trong danh sách người giàu nhất thế giới. Đó là nhờ nhu cầu ổn định của người tiêu dùng với thời trang cao cấp sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Ông Arnault hiện sở hữu tài sản 171 tỷ USD, đẩy ông Musk xuống vị trí thứ hai với 164 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaire Index.

Năm ngoái, tập đoàn LVMH, có trụ sở tại Paris, đạt doanh thu 68 tỷ USD – tăng mạnh sau khi giảm sâu năm 2020 do đại dịch. Gia đình ông Arnault hiện nắm giữ khoảng 48% cổ phần công ty này, với 64% quyền biểu quyết.

Sinh ra ở Roubaix, miền bắc nước Pháp vào năm 1949, ông Arnault tốt nghiệp trường kỹ thuật hàng đầu Polytechnique. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại công ty của gia đình, Ferret Savinel, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp. Tới năm 1981, ông tới Mỹ và đầu tư vào phát triển bất động sản. Tuy nhiên, chỉ ba năm sau đó, ông trở về Pháp và bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực hàng xa xỉ với việc mua lại Boussac Saint-Freres – một công ty dệt phá sản đang sở hữu một viên ngọc quý: thương hiệu Christian Dior. Ngay sau khi tiếp quản, ông Arnault đã bán hầu hết các hoạt động kinh doanh khác của công ty và dùng tiền thu về để mua cổ phần kiểm soát tại LVMH. Tập đoàn LVMH khi đó có hai công ty chính là Louis Vuitton và Moet Hennessy, sáp nhập vào năm 1987.

Trong vòng 3 thập kỷ sau đó, vị tỷ phú Pháp đã biến LVMH trở thành một “đế chế” hàng xa xỉ, chuyên bán rượu champagne, rượu vang, rượu mạnh, thời trang, đồ da, trang sức, nước hoa và mỹ phẩm tại hơn 5.000 cửa hàng trên toàn cầu. Ông đã nhanh chóng nắm bắt rằng Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường quan trọng và quyết định mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên ở Bắc Kinh vào năm 1992.

Hiện có vốn hóa thị trường gần 389 tỷ USD – lớn nhất châu Âu, đầu năm nay LVMH đã nâng giới hạn độ tuổi của giám đốc điều hành (CEO). Điều này cho phép ông Arnault tiếp tục điều hành tập đoàn tới năm 80 tuổi và cũng là dấu hiệu cho thấy vị tỷ phú chưa có ý định nghỉ hưu.

Nhằm tránh khỏi sự soi mói của công chúng, hồi tháng 10, tỷ phú Pháp cho biết đã bán máy bay cá nhân. Trước đó, nhiều tài khoản trên Twitter đã theo dõi máy bay của các tỷ phú để chỉ trích họ về việc gây ra phát thải carbon và đây trở thành một chủ đề “nóng” ở Pháp tới mức một số chính trị gia đã đề xuất cấm hoặc đánh thuế máy bay cá nhân.

Trở lại với LVMH, dù thành công chủ yếu nhờ các thương vụ thâu tóm thành công, tập đoàn này và tỷ phú Arnault cũng từng nhiều lần thất bại. Ông từng thua cuộc trước Francois Pinault, một “ông trùm” thời trang khác ở Pháp, trong thương vụ mua lại Gucci. Ngoài ra, ông chủ LVMH cũng không thành công khi cố gắng thâu tóm Hermes International, nhà sản xuất túi Birkin thuộc sở hữu của gia đình giàu có nhất nước Pháp. Một thành viên của gia tộc Hermes đã gọi ông Arnault là “con sói trong bộ đồ cashmere” vì cách ông cố gắng tiếp quản công ty của gia đình họ.

Tỷ phú này hiện xây dựng một đế chế riêng bên trong LVMH. 5 người con từ hai cuộc hôn nhân của ông hiện đều nắm giữ các vị trí điều hành tại tập đoàn này hoặc các công ty con. Con trai cả của ông, Antoine Arnault, 45 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Christian Dior SE, công ty niêm yết thuộc LVMH. Động thái này đã làm dấy lên những đồn đoán về người kế vị tại tập đoàn.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con