UBND TP. Hà Nội sẽ phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất từ tháng 5/2023
Từ ngày 1/5/2023, chủ thể chịu trách nhiệm phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất là UBND TP. Hà Nội và UBND cấp huyện trên địa bàn…
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi Điều 1 Quyết định 19/2019/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 của UBND TP quy định thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội sẽ phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần, cho cả thời gian thuê đối với trường hợp thửa đất, hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng quy định trong Bảng giá đất hiện hành của thành phố) từ 30 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt giá khởi điểm đấu giá các trường hợp còn lại.
Trước đó, tại Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với trường hợp thửa đất, hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng quy định trong Bảng giá đất hiện hành của thành phố) từ 30 tỷ đồng trở lên.
Chủ tịch UBND TP phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt giá khởi điểm đấu giá các trường hợp còn lại.
Như vậy, theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND, từ ngày 1/5/2023, chủ thể chịu trách nhiệm phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đã chuyển sang thành UBND TP. Hà Nội và UBND cấp huyện trên địa bàn.
Liên quan đến giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, tại hội thảo khoa học: Đấu giá quyền sử dụng đất-Khoảng trống pháp lý và đề xuất giải pháp, tổ chức tại Trường đại học Luật Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, những quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn thi hành pháp luật về xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất cho thấy còn nhiều bất cập.
Trong đó, khung giá đất của Nhà nước hiện chỉ bằng khoảng 30% khung giá đất thị trường. Tại nhiều địa phương, khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng 30-60% giá đất thị trường. Điều này dẫn đến bất cân xứng về lợi ích giữa đối tượng giao đất, thuê đất Nhà nước với đối tượng bị thu hồi, bồi thường với giá thấp, dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, xin cho, gây khó khăn, ách tắc trong thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất.
Việc khung giá đất thấp hơn so giá thị trường còn là một trong những bất cập của cơ chế hai giá đất. Việc điều chỉnh tăng giá đất qua các giai đoạn rất đúng nhưng với mức tăng cao nhất – khoảng 50% tại TP.HCM và Hà Nội vẫn chưa thể tiệm cận được giá thị trường. Việc điều chỉnh khung giá đất dần tiệm cận giá thị trường mới là cần thiết.