Vụ Vạn Thịnh Phát: Lách luật, bán khống trái phiếu cho 35.824 trái chủ

Đỗ Mến
Chia sẻ

Thông qua các hợp đồng hợp tác, mua bán trái phiếu, cổ phiếu, các đối tượng thao túng, sử dụng hệ thống, nguồn lực, nhân sự, quy trình làm việc của TVSI và SCB làm công cụ để bán trái phiếu cho người dân...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu khống cho 35.824 trái chủ.

LẬP CÔNG TY “MA”, CHẠY DÒNG TIỀN “KHỐNG”

Theo kết luận, năm 2018, để xử lý khó khăn tài chính cho Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động tiền từ người dân.

Các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tổ chức phát hành đã họp để lên phương án tạo lập trái phiếu, chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.

Trong các năm 2018-2020, các đối tượng sử dụng 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu “khống” gồm Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World, Công ty Setra với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu cho 35.824 trái chủ, thu về hơn 30.869 tỷ đồng.

Kết luận điều tra thể hiện, để phát hành trái phiếu, các đối tượng lập ra các công ty “ma” cho Vạn Thịnh Phát. Riêng nhóm Vạn Thịnh Phát và CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (viết tắt là Công ty SPG) được sắp xếp nguồn tiền từ 8-10 tỷ đồng/1 tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê, tùy vào mức độ tham gia.

Đến ngày 7/10/2022, Vạn Thịnh phát có 1.470 công ty gồm 46 công ty nước ngoài và các công ty khác do Trương Mỹ Lan mua lại và gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên trên các khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Các công ty “ma” sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Vạn Thịnh Phát. Việc tạo dựng công ty “bù nhìn” còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi là “giải quỹ”. Thực chất là cho các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức “hứa chuyển nhượng cổ phần” với mức giá cổ phần được nâng khống lên để rút tiền hoặc chạy “kỹ thuật” các dòng tiền “khống” trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp…

Trong số 4 tổ chức phát hành thì có Công ty An Đông, Sunny World và Quang Thuận có đủ điều kiện về Báo cáo tài chính năm gần nhất có kết quả kinh doanh lãi, có ý kiến kiểm toán chấp thuận toàn phần. Còn Công ty Setra, các đối tượng đã “xử lý kỹ thuật” để sửa báo cáo tài chính và điều chỉnh kết quả kiểm toán.

“LÁCH LUẬT” ĐỂ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

Đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu là Công ty chứng khoán TVSI.

Theo kết luận điều tra, các đối tượng “lách” Nghị định 90/2021/NĐ-CP ngày 14/1/2011 (phát hành trái phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư cá nhân) bằng cách lên phương án để lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa các tổ chức phát hành với các trái chủ sơ cấp, các công ty đối tác... để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, tạo dòng tiền, hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp. Từ đó, các đối tượng hoàn thành việc tạo lập 25 gói trái phiếu “khống” để bán ra cho các nhà đầu tư.

Kết quả điều tra xác định, toàn bộ giao dịch nộp/rút tiền mặt/chuyển tiền liên quan đến dòng tiền trên đều là khống theo phương án “đi lệnh”.

Thông qua các hợp đồng hợp tác, mua bán trái phiếu, cổ phiếu, các đối tượng thao túng, sử dụng hệ thống, nguồn lực, nhân sự, quy trình làm việc của TVSI và SCB làm công cụ để bán trái phiếu cho người dân.

Với vai trò Tổng giám đốc SCB, bị can Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ xây dựng phương án đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên bán hàng tại 239 chi nhánh SCB trên toàn quốc tư vấn, tiếp thị, mời chào khách hàng mua trái phiếu.

SCB và TVSI ký các hợp đồng hợp tác về việc SCB hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu khách hàng để ký hợp đồng mua bán trái phiếu với TVSI – đại diện tổ chức phát hành. 

Sau khi TVSI chuyển tiền về, các đối tượng rút tiền bằng 2 hình thức là rút tiền mặt, đưa xuống hầm cho lái xe của Trương Mỹ Lan là Bùi Văn Dũng để chở về nhà riêng hoặc điểm đến chỉ định hoặc các cá nhân khác; cho các cá nhân được thuê đứng tên ký chứng từ rút tiền mặt, nộp tiền vào các tài khoản chỉ định để dùng vào các mục đích như trả nợ khoản vay, thanh toán thẻ tín dụng…

Với chuỗi hành vi, thủ đoạn trên, các bị can hoàn thành hành vi phát hành trái phiếu khống, bán cho nhà đầu tư, thu về hơn 30.869 tỷ đồng. Đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Cơ quan điều tra xác định có 35.824 nhà đầu tư bị chiếm đoạt tiền.

Cơ quan điều tra đã ủy thác điều tra đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tại 58 tỉnh/thành phố trên cả nước để lấy lời khai của 35.824 bị hại. Có 25.140 hồ sơ ủy thác chuyển về, chiếm tỷ lệ 70,17%. Hiện còn nhiều bị hại chưa đến trình báo.

Quá trình điều tra, Trương Mỹ Lan thừa nhận việc đề ra chủ trương phát hành trái phiếu trái quy định. Số tiền thu được không được dùng vào việc đầu tư, sản xuất kinh doanh mà để xử lý các khoản tài chính cho SCB dẫn đến không có khả năng chi trả.

Bà Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình. Về việc trả nợ cho các trái phiếu, bà Lan đề xuất dùng toàn bộ tiền, tài sản bị kê biên, phong tỏa, thu giữ… Ngoài ra, bà Lan mong muốn những cá nhân/tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động từ trái phiếu phải cùng có trách nhiệm để đảm bảo việc trả hết nợ và lãi cho nhà đầu tư.

LIÊN ĐỚI CHỊU TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TVSI) đã tiếp nhận chủ trương, bàn bạc với bà Lan và các nhân sự cấp cao của SCB, Vạn Thịnh Phát để lên phương án phát hành trái phiếu.

Ông Thành cũng trực tiếp ấn định thông tin, chỉ đạo, điều hành nhân viên Phòng Dịch vụ Ngân hàng (IB) thuộc TVSI phía nam thực hiện tư vấn, phát hành các lô trái phiếu trên.

Mặc dù ông Thành đã chết nhưng kết quả điều tra xác định ông này phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm với bà Lan nên phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền hơn 30.081 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã ngăn chặn giao dịch hơn 8,7 triệu cổ phần của ông Thành và 2 tài khoản ngân hàng số tiền hơn 386 triệu đồng. Người nhà ông Thành đồng ý để công an duy trì các biện pháp trên.

Tương tự, bà Nguyễn Phương Hồng, thành viên HĐQT, cựu Phó Tổng giám đốc SCB đã chết và bị kê biên cổ phần, ngăn chặn giao dịch tài khoản…

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con