“Nghị định 65 không siết điều kiện chào bán mà chỉ tăng cường minh bạch trong việc công bố thông tin, để bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Đúng là sẽ có những ảnh hưởng khi Nghị định 65 đi vào thực thi. Cụ thể, để thực hiện quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thêm một số công việc khác, dẫn đến tăng chi phí phát hành nhưng điều này cần phải chấp nhận, để thiết lập thị trường trái phiếu minh bạch hơn trong tương lai. Dù vậy, những doanh nghiệp nào trước đây đã công bố thông tin một cách minh bạch và công khai, nhất là đối với những doanh nghiệp có những dự án tốt, có tình hình tài chính tốt và tình hình sản xuất kinh doanh tốt, vẫn tiếp tục dễ dàng phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý, không thể coi kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất mà sẽ phải tính toán các kênh hiệu quả khác.
Mặt khác, chắc chắn khi thay đổi chính sách sẽ tác động đến nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp. Khi đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ sụt giảm, thế nhưng, cùng với việc minh bạch thông tin trên thị trường, chuẩn hóa các quy định về phát hành trái phiếu và việc thiết lập thị trường thứ cấp, tôi nghĩ rằng thị trường sẽ thu hút thêm một bộ phận nhà đầu tư mới mà thị trường dài hạn hướng đến, đó là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có tổ chức.
Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ tiếp tục “gỡ” các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp như phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư. Khi mở ra một kênh đầu tư mới từ các quỹ này, vừa tháo gỡ khó khăn vào trong hoạt động của các quỹ đầu tư, vừa tạo ra một lực cầu mới trên thị trường.
Bởi khi nhà đầu tư nhận thấy thông tin thị trường minh bạch ở mức độ cao hơn, thanh khoản trái phiếu phát hành gia tăng và việc tuân thủ quy định của pháp luật của các chủ thể trên thị trường tốt hơn, sẽ dần chuyển hướng lựa chọn sản phẩm đầu tư này. Đó là mục tiêu tốt hơn trong dài hạn mà chúng ta sẽ hướng đến, thay vì chỉ tập trung phát hành trái phiếu thu hút các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ”.
“Tôi tính ra, với sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu khoảng 30%/năm thì chỉ 6 năm sau dư nợ của thị trường sẽ đạt 11,6 triệu tỷ đồng. Tức là nó rất lớn và gần như thay thế được vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Thế mà chúng ta không dồn toàn bộ công sức vào đây, xây dựng nền tảng pháp lý, phát triển các định chế trung gian để mà xây dựng thị trường trái phiếu thì chúng ta còn trông cậy vào cái gì để phát triển vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế?
Quy định về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là nội dung tôi đánh giá cao nhất trong Nghị định 65.
Nó rất hay ở chỗ, vừa là thông lệ quốc tế vừa phù hợp với thị trường tài chính Việt Nam. Chứ “tây” là họ bắt xếp hạng tất. Thời gian chấp hành quy định này bắt đầu từ 1/1/2023, tức là chúng ta có một khoảng thời gian để chuẩn bị. Tôi hy vọng vào chỗ này nhất. Đây là quy định có tầm nhìn dài hạn cho một thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định trong tương lai.
Vừa rồi tôi có tiếp cận tài liệu xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings thì tôi thấy họ làm kỹ khủng khiếp. Tôi là người thiết kế ra hệ thống xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại nhưng bây giờ, các ngân hàng có khi cũng phải đi đào tạo lại mới có thể xếp hạng như họ.
Chúng ta vững tin rằng nếu các công ty của Việt Nam được xếp hạng tín nhiệm hàng năm, rồi được các tổ chức xếp hạng theo dõi định kỳ thì đó là nền tảng để phát triển thị trường vốn tốt nhất.
Bây giờ chúng ta cứ lo có làm được không, xếp hạng có chuẩn không? Tôi cho rằng không nên cầu toàn. Đừng nghĩ rằng chúng ta không làm được. Chúng ta cứ cập nhật quy trình hàng năm, chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá triển vọng của doanh nghiệp…Chưa thể đạt ngay đến thông lệ quốc tế nhưng dần dần sẽ hoàn thiện.
Hy vọng rằng 3-5 năm sau, chúng ta có thể vững tin… thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ phát triển, thị trường vốn của chúng ta “bay” bằng 2 cánh chứ bây giờ mới đang “bay” trên một cánh. Nếu được như vậy, trong 10 năm tới, tôi đánh giá thị trường vốn trung, dài hạn của Việt Nam là thị trường triển vọng và tiềm năng nhất trong khu vực”.
“Nghị định 65 yêu cầu doanh nghiệp phát hành báo cáo định kỳ 6 tháng/lần phải có kiểm toán. Nếu trước kia doanh nghiệp tự báo cáo thì nay kiểm toán phải ký xác nhận vào đấy, tức có xác nhận bên thứ ba trung gian độc lập, khách quan kiểm soát.
Ngoài ra, Nghị định 65 cũng quy định thêm trách nhiệm của các tổ chức, người đại diện sở hữu trái phiếu. Trước kia, một nhà đầu tư cá nhân bình thường thì làm gì đủ khả năng để thực hiện việc đó.
Như vậy, ngoài nhà đầu tư và nhà phát hành thì thị trường đã có bên thứ ba. Bên thứ ba này có nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát việc thực thi của các bên trong quá trình triển khai hợp đồng mua bán trái phiếu.
Đôi khi, việc có bên hỗ trợ, giám sát cũng rất tốt cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nhiều khi bản thân doanh nghiệp cũng không hề muốn vi phạm, thế nhưng trong rất nhiều trường hợp họ vô tình vi phạm. Vậy nên cơ chế kiểu này sẽ giúp doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết tốt hơn.
Nhìn lại thị trường trái phiếu cách đây hơn chục năm, khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đi phát hành trái phiếu quốc tế, hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài dày cộp. Trong đó có rất nhiều các điều kiện đi kèm, nếu vi phạm bất kỳ điều khoản nào như nợ trên vốn chủ sở hữu chẳng hạn (anh vay tôi thì trong kỳ đó anh phải duy trì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tối đa 3 lần chẳng hạn) quá 3 lần thì phải trả tiền, trái phiếu lập tức đáo hạn ngay.
Thực tế, tôi từng hỏi một trường hợp phải mua lại trái phiếu hồi đó, họ nói rằng hợp đồng quá dày nên không đọc hết các điều khoản, tức không phải doanh nghiệp cố tình vi phạm. Do đó, nếu đưa các quy định minh bạch như ở Nghị định 65 vào hợp đồng thì cũng giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn”.
“Riêng về năng lực tài chính, Nghị định 65 yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có 2 tỷ đồng tiền mặt và duy trì tiền trong tài khoản 180 ngày. Như vậy, cơ hội lách luật cực kỳ khó. Tôi nghĩ sẽ không có tình trạng nhà đầu tư không có tiền, tìm cách lách để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp bằng cách chạy tiền qua đêm, nộp vào rồi rút ra như trước kia.
Đương nhiên, Nghị định 65 không chỉ yêu cầu về nguồn lực về tài chính mà còn yêu cầu nhà đầu tư cá nhân có chuyên môn, yêu cầu về thu nhập kê khai thuế. Chúng tôi cũng đang khảo sát xem với quy định phải có 2 tỷ đồng trong tài khoản thì có còn dư địa cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường hay không? Mặc dù không thể khảo sát trên toàn bộ thị trường nhưng qua phân tích số liệu từ đội ngũ phân phối, các công ty chứng khoán thì chúng tôi phát hiện thực ra nhu cầu vẫn còn nhiều.
Thật ra nói đến từ “chuyên nghiệp” thì hơi khó hình dung, chỉ nên gọi đó là những nhà đầu tư “đủ điều kiện” về tiềm lực tài chính, đủ chuyên môn phân tích, đủ năng lực tự đưa ra quyết định…
Tuy nhiên, trước mắt, các rào cản kỹ thuật, các điều kiện đối với nhà đầu tư cá nhân sẽ ảnh hưởng cầu trái phiếu trong ngắn hạn. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2022, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 32% tổng khối lượng trái phiếu đang lưu hành. Khi Nghị định 65 được ban hành thì rất khó có thể kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 20% khối lượng trái phiếu lưu hành chứ đừng nói đến 32%. Điều này khiến thị trường lo lắng, nhất là trong bối cảnh thông tin về đáo hạn trái phiếu xuất hiện dồn dập.
Điểm tích cực là vừa rồi, các doanh nghiệp cũng tự nguyện mua lại trái phiếu trước hạn, nhà đầu tư bất ổn tâm lý sau vụ Tân Hoàng Minh nên cũng bán sớm trái phiếu và chính vì thế các công ty chứng khoán nhảy vào kinh doanh kỳ hạn trái phiếu. Những động thái này giúp giảm bớt đáng kể áp lực đáo hạn trái phiếu”.
“Từ trước đến nay cũng đã có các quy định là chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia thị trường này. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ khác có thể chưa thực sự đáp ứng các điều kiện này nhưng bằng một cách nào đó thì vẫn tham gia thị trường, Nghị định 65 đã đưa ra những tiêu chí chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, có rất nhiều đối tượng tham gia thị trường và cũng có thể là trong tương lai sẽ có những đối tượng tìm cách “lách luật” để làm sao vẫn có thể phát hành hay phân phối được những trái phiếu riêng lẻ đến cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo đó tôi nghĩ, sân chơi chính của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải là trái phiếu được phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, hiện tại lượng trái phiếu phát hành ra công chúng có khối lượng rất nhỏ. Năm ngoái hay 8 tháng đầu năm nay thì khối lượng phát hành chỉ bằng chưa đến 5% tổng khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ thôi. Chính vì thế mà thời gian qua các nhà đầu tư đã tìm đến kênh trái phiếu riêng lẻ.
Tới đây, tôi mong rằng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng được khai thông để làm sao cho hàng hóa phát hành qua kênh này nhiều hơn và nhà đầu tư có thể lựa chọn được đúng trái phiếu phù hợp với họ. Từ đó họ và các đối tượng tham gia thị trường cũng không phải tìm cách để “lách luật” nữa.
Đối với tiêu chí phải có 2 tỷ đồng danh mục chứng khoán và phải duy trì trong một thời gian 180 ngày của Nghị định 65, ở một góc độ nào đó sẽ làm cho việc chứng minh nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực chất hơn.
Thế nhưng, về mặt lâu dài thì tôi nghĩ gốc rễ vẫn là ở chỗ Luật Chứng khoán, cần phải sửa những định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ thực chất hơn. Bởi trên thực tế, có những nhà đầu tư không phải là chỉ có hai tỷ đồng, họ có thể có mười tỷ đồng, thậm chí là vài chục tỷ hoặc vài trăm tỷ đồng nhưng trên thực tế họ lại chưa đầu tư chứng khoán bao giờ.
Vậy nên tôi cũng hy vọng rằng trong thời gian tới có thể sửa quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp một cách thực chất hơn để bao gồm tất cả những nhà đầu tư, mặc dù có thể họ không đầu tư chứng khoán trước đây nhưng họ lại rất có năng lực tài chính thì họ cũng có thể được tham gia thị trường”.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được chia thành hai loại: phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Nếu trong trường hợp không đủ điều kiện để mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư vẫn có thể tham gia thị trường bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành công chúng.
Ngoài ra, còn một cách để nhà đầu tư bình thường có thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đó là mua chứng chỉ quỹ trái phiếu.
Hiện tại Nghị định 65 quy định, không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức. Quy định này chủ yếu để cho nhà đầu tư được xác định chuyên nghiệp tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Họ phải tự hiểu làm gì để tránh rủi ro, mất mát cho bản thân.
Đồng thời, Nghị định 65 cũng quy định, việc huy động vốn và mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty quản lý quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Như vậy, nhà quản lý đang cấm ở đây là cấm việc góp vốn để mua trực tiếp trái phiếu, chứ không cấm việc đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ trái phiếu.
Theo tôi, đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ trái phiếu có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên, quỹ thường có vốn rất lớn, đầu tư theo cả danh mục nên nếu có xuất hiện một vài trái phiếu bị rủi ro thì cũng không bị mất toàn bộ. Trong khi, nếu là nhà đầu tư cá nhân, nguồn vốn có hạn thì chỉ mua được một vài mã trái phiếu, rủi ro cao hơn (rủi ro ở đây tức là sự biến động lợi nhuận).
Tiếp nữa, người quản lý các quỹ đầu tư thường là người có kinh nghiệm, kiến thức, năng lực cao trên thị trường. Do đó, họ sẽ lựa chọn cho chúng ta danh mục về cơ bản mang tính bền vững và hiệu quả hơn so với tự nhà đầu tư lựa chọn.
Tất nhiên, trước khi xuống tiền ở đâu thì nhà đầu tư cũng cần phải tìm hiểu, nghiên cứu. Mua quỹ trái phiếu cũng vậy. Trước khi mua, nhà đầu tư phải lên web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem danh sách công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư được cấp phép là những công ty nào. Hoặc có thể vào trực tiếp web của các công ty quản lý quỹ xem công ty đó được cấp phép số bao nhiêu, ai cấp phép, cấp phép như thế nào.
Đặc biệt, đối với một số app bán chứng chỉ quỹ trái phiếu, nếu app đó không có giấy phép, không được phép quản lý quỹ thì rất rủi ro và nhà đầu tư phải lập tức tránh xa”.
VnEconomy 04/10/2022 06:00