Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 1
Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 2

Trong 10 năm đầu, sau khi kết thúc chiến tranh, là một giai đoạn khó khăn khôn lường, nhà báo Nguyễn Quốc Uy, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhớ lại: “10 năm sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vẫn loay hoay với mô hình kinh tế kế hoạch hóa duy ý chí của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, cộng với trở lực từ thế bị bao vây, cấm vận, khiến Việt Nam đã nghèo lại nghèo hơn, thậm chí lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội”.

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 3

Tình trạng bế tắc về kinh tế đã xảy ra ở hầu khắp các tỉnh thành trong nhiều năm sau ngày thống nhất. Đảng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, để từng bước khắc phục những sai lầm, yếu kém. Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã tạo bước đột phá về tư duy kinh tế và khởi xướng công cuộc đổi mới.

“Quyết định đổi mới năm 1986 giúp mọi thành phần kinh tế phát triển, sau đất nước mở cửa đón luồng gió mới từ các nhà đầu tư nước ngoài, đó là những quyết sách có ý nghĩa sống còn đối với thể chế chính trị và nền kinh tế của nước ta”,  nhà báo Nguyễn Quốc Uy nhận định.

 Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình là một trong những nhân chứng được trải nghiệm đầy đủ, sâu sắc và toàn diện những cung bậc thăng trầm của kinh tế đất nước trong khoảng 50 năm trở lại đây.

Ông Báo là học sinh giỏi của tỉnh Thái Bình, được tuyển thẳng vào trường cấp III. Nhưng chưa kịp học xong thì cuộc chiến bước vào giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất, ông Báo cũng như nhiều người bạn thời đó đã buông sách vở bước vào quân ngũ. Chiến sĩ Trần Mạnh Báo được biên chế thành lính Sư đoàn 320 chiến đấu giải phóng Quảng Trị. Trước khi vào chiến trường lần 2, ông viết thư về cho bố mẹ: “Đêm nay con sẽ vượt vĩ tuyến 17 và con sẽ không viết thư nữa, đây là lá thư cuối cùng trước khi con rời miền Bắc. Nếu quỹ đạo đi của con khép kín thì con sẽ trở về. Còn quỹ đạo của con không... thì coi như con đã hiến dâng cho đất nước...”.

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 4

May mắn hơn nhiều đồng đội, ông Báo trở về với 2 Huân chương chiến công và một thân thể nhiều thương tích, hỏng một bên mắt trái.  30/4, ngày chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn thống nhất, anh thương binh Trần Mạnh Báo cũng như hàng triệu người dân đều phấn khởi, tự hào và chờ đợi một thời kỳ mới tươi đẹp của đất nước sẽ sớm mở ra, những khó khăn, vất vả của cuộc chiến đằng đẵng sẽ vĩnh viễn lùi xa. Ông Báo hồi tưởng: “Tôi luôn tự hỏi, vì sao một đất nước nông nghiệp mà người dân không đủ gạo ăn? Vì sao người nông dân Việt Nam nổi tiếng cần cù, vẫn coi tấc đất tấc vàng mà bây giờ đến nỗi ruộng đồng xơ xác, hoang hóa. Cả trại giống Đông Cơ mà tôi sắp nhận cũng xập xệ như thế này. Lúa má chả ra lúa má, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu không có”. Còn ruộng thì lầy, thụt, máy làm đất phải thuê của trạm cơ khí. Nhưng thuê máy thì phải kèm theo một công nhân lái máy. Để “ông công nhân” này làm được việc phải có hai nữ nhân viên đi phục vụ, một cô  nấu cơm, cô kia thì lo xăng dầu.

Vì làm theo công điểm, nên có anh công nhân đẩy hai xe phân đạm ra đồng, lừa lúc không có ai, anh ấy ủn tất xuống trạm bơm. Thế là xong, đem bao về, hợp tác xã tính cho hai công. Cái kiểu làm việc gian dối, thiếu trung thực đó xảy ra rất nhiều, ở khắp nơi. Ông Báo dành nhiều đêm viết đề án khoán sản phẩm tới từng hộ nông dân để mong vực dậy một trại giống vốn có rất nhiều tiềm lực để phát triển. Thời đó, cách làm của ông Báo được cho là mạo hiểm vì phá rào, đi ngược chủ trương tập thể làm chủ.

Trại giống Đông Cơ (nơi ông Báo công tác rồi sau này làm lãnh đạo) gần như ngay lập tức hồi sinh, từng bước chuyển mình. Dưới sự chèo lái của anh hùng lao động Trần Mạnh Báo cùng cộng sự, đến nay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thời đó đã trở thành một  công ty cung cấp giống cây trồng vững mạnh, cung cấp nhiều loại giống lúa chất lượng cao, có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 5

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam, diện mạo mới của đô thị lớn nhất cả nước này đã thực sự đổi khác. Mặc dù là thành phố  chịu nhiều tổn thất đã phải đương đầu với vô vàn thử thách, khó khăn để bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn mình trở thành một trung tâm lớn của cả nước về nhiều mặt, một đô thị đặc biệt với nhiều khát vọng vươn cao.

Vào tháng 11/2006, Intel - một doanh nghiệp lớn nhất của nước Mỹ  đã công bố khoản đầu tư một tỷ USD để xây dựng một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip hiện đại tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Đến nay, dự án này vẫn là khoản đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam. Việc Intel tuyên bố đầu tư vào Việt Nam năm 2006 đã giúp đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử. Sự xuất hiện của Intel cũng đánh dấu cho bước tiến thu hút các dự án FDI với trị giá đầu tư lên tới hàng tỷ USD vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế thành phố bình quân tăng trưởng 7,72%/năm, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước.

Hiện nay, nhiều khó khăn lớn hậu đại dịch Covid-19 cản trở sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM trong quý 1/2023 ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành. Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023 do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 1/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn nhìn nhận: 3 năm qua kinh tế TP.HCM liên tục biến động phức tạp. Do hội nhập sâu, rộng nên thành phố chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới và trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng chia sẻ, doanh nghiệp TP.HCM đang kỳ vọng và giữ niềm tin vào các giải pháp mới của thành phố và Chính phủ trong việc xúc tiến, đẩy mạnh đầu tư công vào thời gian tới. Đầu tư công mạnh mẽ sẽ giúp cho doanh nghiệp gỡ khó những tồn tại, đặc biệt là ngành xây dựng trong vấn đề hàng tồn kho và nhân công.

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 6

Nhìn lại hành trình của “con tàu kinh tế” Việt Nam 48 năm sau ngày đất nước thống nhất, thực sự là một chặng đường dài với những khó khăn lớn, những “khúc cua tử thần” liên tục, gần đây nhất là những thách thức do Covid -19 để lại.

Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay là nhất thời và trong giai đoạn ngắn. Với tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm và sự đồng lòng, đoàn kết sẵn có, Việt Nam có thể tự tin vượt qua nhiều đợt sóng dữ, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Năm 2022, năm hậu đại dịch đầu tiên, GDP của Việt Nam tăng 8,0%, đạt tốc độ nhanh nhất trong 25 năm qua. Trong quý 1 năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 57.000  doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại hết sức kịp thời từ đầu năm 2022, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 7

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam  tính đến ngày 20/4/2023 đạt gần 8,88 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ (bao gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài). Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ); 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ) với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ nhưng tăng 1,7 điểm phần trăm so với 3 tháng đầu tháng năm và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm). Có tới 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là địa điểm đầu tư năng động nhờ sự ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, ADB đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 như mục tiêu Chính phủ đặt ra, và tăng trưởng tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 8

VnEconomy 30/04/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2023 phát hành ngày 01-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thống nhất non sông nuôi khát vọng hùng cường - Ảnh 9