Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 1
Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 2

Năm 2023 khép lại với rất nhiều biến động khó lường của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2023, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đầy thức thách, thưa ông?

Suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đến nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam đã khiến năm 2023 trở thành một trong những năm thách thức nhất của thế kỷ XXI, sau hai năm Covid-19 2020 và 2021 vô cùng khó khăn.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Quan hệ thương mại mạnh mẽ của Việt Nam với phần còn lại của thế giới là nguồn sức mạnh và tạo nên sự thành công trong thời gian qua. Đồng thời, sự phụ thuộc vào nhu cầu từ các đối tác thương mại đã đưa Việt Nam vào thế phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2023. Kết quả là, sau năm 2020 và 2021 rất khó khăn, tình hình kinh tế năm 2023 là kém mạnh mẽ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 (thế kỷ XX).

Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là tích cực trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ là khoảng 2,5%, tại khu vực đồng Euro, tăng trưởng kinh tế thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh. Đầu tư công đã tăng khoảng 35% so với năm trước, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Cho dù đây là những kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn đó những thách thức, bao gồm vấn đề cải thiện việc thực hiện đầu tư công, vốn ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 3

Như ông đã nói, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Song, khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn với minh chứng rõ nét là nhiều chỉ số không quá lạc quan?

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Cú sốc bên ngoài này ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đang sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Nhiều công nhân trong lĩnh vực sản xuất rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam mất việc làm và thu nhập của họ bị ảnh hưởng.

Điều này một phần dẫn đến nguyên nhân thứ hai đằng sau những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là do yếu tố trong nước. Tình hình khó khăn mà nhiều lao động Việt Nam gặp phải đã dẫn đến tiêu dùng nội địa giảm tốc, không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 4

Theo ông, đâu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, đặc biệt là hai quý cuối năm khi tình hình được đánh giá cải thiện hơn so với trước?

Giai đoạn cuối năm 2023 chúng ta thấy có dấu hiệu phục hồi kinh tế. Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính.

Thứ nhất, nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi. Hoạt động xuất nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất vào giữa năm 2023 và hoạt động thương mại được cải thiện trong nửa cuối năm.

Thứ hai, các cơ quan chức năng đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với con số tăng đáng kể so với năm 2022. Đầu tư công là yếu tố then chốt vì chúng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, vì vậy cải thiện hơn nữa quản lý đầu tư công là ưu tiên hiện nay của Việt Nam.

Thứ ba, bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8/2023. Tốc độ tăng trưởng này tuy chậm hơn đáng kể so với trước đại dịch Covid-19, nhưng tiêu dùng tư nhân vẫn là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 5

Với nền tảng như vậy, theo ông, điều gì sẽ chờ đợi nền kinh tế Việt Nam năm 2024?

Bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức trong năm 2024. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, bao gồm cả các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ.

Hiệu suất yếu kém sắp tới có thể là kết quả của tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt đang diễn ra hiện nay, điều kiện tín dụng hạn chế và thương mại toàn cầu suy yếu. Rủi ro chính cho năm tới bao gồm: rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột lên giá năng lượng; căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn; hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là Việt Nam phải giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài và ngày càng tận dụng sức mạnh nội tại và năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 6

Với nhiều rủi ro như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% cho năm 2024 có phải là thách thức không, thưa ông?

Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5% cho năm 2024 là đầy tham vọng. Bất chấp suy thoái toàn cầu, nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam có thể dần được cải thiện và chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhẹ nhưng sẽ rất khó đạt được mức 6 hoặc 6,5%, trừ khi nhu cầu, tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa.

Các nhà chức trách có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 7

Theo ông,  Việt Nam có thế mạnh gì để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024? Ông có khuyến nghị gì về tháo gỡ những rào cản đang cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam?

Người dân Việt Nam là nguồn nội lực lớn nhất của đất nước. Công nhân và doanh nhân Việt Nam đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng gấp 7 lần trong 30 năm qua. Để duy trì mức tăng trưởng nhanh chóng này, với môi trường bên ngoài đầy thách thức, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và nâng cao năng suất. Tôi đề nghị tăng gấp đôi nỗ lực phát triển nguồn nhân lực bằng cách nâng cao trình độ của lực lượng lao động, phát triển vốn vật chất thông qua đầu tư công vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng để có thể tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam.

Ngoài ra, dù hy vọng rằng nhu cầu xuất khẩu đối với hàng Việt Nam từ phần còn lại của thế giới sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng sẽ không mạnh như trước và tình hình đầy thách thức này có thể kéo dài trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tận dụng sức mạnh nội tại và thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong nước để biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra thành cơ hội củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế.

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 8

VnEconomy 12/02/2024 08:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thúc đẩy nội lực duy trì mức tăng trưởng nhanh - Ảnh 9