Thưa bà, lĩnh vực truyền thông, báo chí tại Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức lớn nào khi mà các công nghệ như AI đang chuyển dịch theo hướng ngày càng trở nên phổ biến hơn?
Tháng 3/2023 vừa qua, hơn 100 chuyên gia gồm nhiều nhà sáng lập, CEO các công ty công nghệ lớn nhất như Tesla, Apple, Alphabet và các học giả đã cùng ký vào lá thư của Tổ chức phi lợi nhuận Future of Life Institute kêu gọi tạm dừng phát triển AI trong vòng 6 tháng. Bức thư nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI ngay lập tức tạm dừng ít nhất 6 tháng việc đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4”. Những nguy cơ được nêu trong lá thư là các công cụ mới tiềm ẩn những rủi ro với xã hội và nhân loại, như việc lan truyền tin giả, tin thất thiệt, tự động hóa dẫn đến mất việc làm, đặc biệt là nguy cơ khiến con người “mất kiểm soát nền văn minh của chúng ta”. Họ cũng kêu gọi tạo hệ thống watermark để phân biệt nội dung AI và con người sản xuất.
Theo tôi, đối với lĩnh vực báo chí và truyền thông, xét về khía cạnh tác động của công nghệ truyền thông mà nổi bật nhất là AI hiện nay, điều cần quan tâm nhất là làm thế nào để hiểu được và cập nhật nhanh chóng những biến đổi không ngừng đó để có phương án ứng dụng và ứng phó kịp thời.
Những vấn đề đặt ra hiện nay có thể kể đến như: những lợi ích và cân nhắc về đạo đức, quy định pháp luật về việc sử dụng AI trong sáng tạo nội dung truyền thông; hợp tác giữa con người và công nghệ trong sản xuất nội dung; trải nghiệm cá nhân hóa của người dùng; vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng; những thiên khiến của AI trong nội dung truyền thông; việc lan truyền tin giả, thông tin sai lệch; kể chuyện, viết bài dựa trên dữ liệu; thói quen tiêu thụ sản phẩm truyền thông tăng cường sử dụng AI; tương lai của ngành sản xuất truyền thông...
Cụ thể, sự phát triển các công nghệ AI mà tiêu biểu là chatbot đình đám GPT sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tạo nội dung ở các tòa soạn báo hiện nay, thưa bà?
Cuộc đua Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) nóng lên kể từ đầu năm 2023, khi OpenAI ra mắt ứng dụng ChatGPT và chỉ sau vài ngày đã đạt 100 triệu người dùng, một tốc độ nhanh nhất trong lịch sử. AI đang tạo ra cơn sóng thay đổi mãnh liệt, ảnh hưởng lên hầu như tất cả mọi ngành mà trong đó ngành báo chí, các nhà báo, tòa soạn báo chắc chắn không nằm ngoài nếu không nói là những lĩnh vực đầu tiên bị tác động trong “cơn sóng thần” Generative AI này.
Công nghệ AI đã chuyển từ Generic AI đến Generative AI: chuyển từ các hệ tổng quát rời rạc như nghe, nhìn, đọc, nhận diện cho đến một bài toán thân thiện với con người, ai cũng có thể tiếp cận được.
Xét về sáng tạo nội dung báo chí, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Generative AI không phải là sáng tạo làm thay con người mà nó sẽ giúp sản sinh ra thêm nhiều sản phẩm mới, giải đố, ô chữ, bài viết về các chủ đề tùy chọn. AI giúp các nhà báo làm những công việc phổ thông, đơn giản; tái sử dụng nội dung đã xuất bản theo hướng tổng hợp và/hoặc cá nhân hoá; phân phối thông tin trúng đích, ví dụ như hiển thị gợi ý tin tức theo thuật toán, newsletter cá nhân hoá; từ đó tiếp cận đa dạng công chúng hơn, trúng đích hơn, giúp gia tăng nguồn thu từ các gói trả phí khác nhau… Ngoài ra, còn hỗ trợ nhà báo trong việc fact checking (kiểm tra dữ liệu), so sánh nội dung, phát hiện lỗi sai…
Cũng giống như làn sóng về chuyển đổi số tòa soạn, tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung đa phương tiện cách đây hơn hai năm, tôi nhận thấy với làn sóng lần này, điều quan trọng là mỗi tòa soạn dựa trên điều kiện thực tiễn của mình để có chiến lược phù hợp.
Một xu hướng mà các tòa soạn báo lớn trên thế giới đã thực hiện trong thời gian qua là bán subscribe (lượt đăng ký) và thu phí người đọc. Vậy công nghệ mới nói chung và AI nói riêng sẽ giúp các tòa soạn trên thế giới cũng như Việt Nam thế nào, thưa bà?
Tôi nghĩ các tòa báo có thể nhìn vào một số mô hình thu phí thành công trên thế giới như Financial Times, New York Times, The Washington Post, The Economist để tham khảo.
AI hỗ trợ tạo ra nhiều nội dung hơn về số lượng, các gói sản phẩm đa dạng hơn, sản xuất các bài báo đa phương tiện dễ dàng hơn, nội dung theo hướng cá nhân hóa hơn. Như vậy, sẽ giúp tòa soạn tạo ra nhiều dạng gói trả phí hơn, đáp ứng được các nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng hơn.
Hiện nay trên thị trường đã có công nghệ Deepfake có khả năng tạo ra các tin tức giả, thậm chí là các cuộc phỏng vấn giả. Vậy các công nghệ như vậy sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến nghề báo? Các tòa soạn báo cần làm gì để đối phó với mặt trái của các công nghệ như vậy?
Nhìn chung sự phát triển các công nghệ này, nếu con người không biết cách kiềm chế và quản trị nó, thì sẽ bị phụ thuộc, bị nó “qua mặt” và hậu quả có thể là khá nghiêm trọng. Công nghệ Deepfake, tin giả, tin thất thiệt nói chung, hay việc lợi dụng data để cố tình đánh lạc hướng vấn đề (báo cáo giả), cùng với những vấn đề mang tính xã hội, văn hóa khác như sự bất bình đẳng về tiếp cận thông tin trên các nền tảng Internet hiện nay, các định kiến, thiên kiến về chính trị, về giới, về sắc tộc… hiện đều đáng lo ngại nếu như có những con người, tổ chức lợi dụng các công nghệ đó vào mục đích xấu.
Các liên minh chống tin giả đã được lập ra, nhiều tòa soạn ở Việt Nam cũng đã ứng dụng và cho ra sản phẩm kiểm chứng thông tin, nhưng theo tôi là chưa đủ. Tin giả lan truyền trên mạng mới là nguy cơ lớn.
Tuy nhiên, tôi đặt niềm tin vào báo chí chính thống. Nhà báo là những người hành nghề chuyên nghiệp, họ có nghiệp vụ kiểm chứng thông tin, có quy trình sản xuất tin bài một cách bài bản, giảm thiểu tối đa nguy cơ truyền tin giả.
Công chúng nên tìm đến báo chí chính thống, ngoài ra công chúng cần chú ý kiểm tra nguồn gốc thông tin trên mạng xã hội, kiểm tra các nguồn và cách chúng được đưa vào bài báo; không chỉ đọc tiêu đề bài viết mà cần tiếp nhận tin tức từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong bối cảnh bùng nổ các công nghệ mới như hiện nay, những người làm báo cần chuẩn bị những kỹ năng gì để “không bị bỏ lại phía sau”, thưa bà?
Theo tôi, các nhà báo, nhà truyền thông cần chủ động trong một số việc, dành thời gian tìm hiểu về công nghệ AI trong các tòa soạn. Chúng ta cũng cần duy trì các tiêu chuẩn đạo đức, như: kiểm tra tính xác thực của thông tin cung cấp bởi AI; minh bạch về việc có hay không sử dụng AI trong sản phẩm của mình...
Tôi nghĩ chúng ta luôn cần tò mò và cởi mở với các công nghệ và cách tiếp cận mới. Việc sử dụng Generative AI vẫn đang ở giai đoạn đầu và còn nhiều điều cần tìm hiểu về cách sử dụng để nâng cao hoạt động báo chí. Mục tiêu cuối cùng của báo chí vẫn là kể những câu chuyện hấp dẫn, có ý nghĩa xã hội để cung cấp thông tin và thu hút độc giả.
Nếu chia sẻ hình dung của mình về viễn cảnh của một nền báo chí hiện đại khi mà chuyển đổi số và các công nghệ mới được ứng dụng rộng khắp, bà sẽ nói gì?
Quá trình chuyển đổi số và những làn sóng kéo theo là xu hướng không thể đảo ngược được. Mọi thứ thay đổi quá nhanh khiến con người choáng ngợp. Nhưng khả năng ứng biến và tư duy học tập, đổi mới của bộ não mỗi cá nhân và sự bền bỉ, khả năng đáp ứng của tổ chức, tòa soạn báo cũng sẽ tăng dần lên, hiệu quả và nhanh chóng hơn sau mỗi biến chuyển lớn, kiểu như sau đại dịch Covid-19 hay sau những thảm họa thiên nhiên lớn...
Với làn sóng ChatGPT và AI nói chung lần này, theo tôi, bằng cách tìm hiểu về AI và cách sử dụng AI trong báo chí, các nhà báo có thể duy trì tính cạnh tranh và vẫn sẽ chủ động. Việc sử dụng AI trong báo chí không phải là sự thay thế cho khả năng phán đoán và sáng tạo của con người, mà chỉ là một công cụ để nâng cao những phẩm chất này.
Mặc dù việc sử dụng AI có vẻ gây ra những khó khăn nhất định với nghề báo, nhưng cần nhận thức rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi và tương lai của báo chí sẽ ngày càng gắn liền với công nghệ. Điều quan trọng là nhà báo cần duy trì cam kết về tính chính xác, tính toàn vẹn trong cách kể chuyện; họ có thể nắm bắt các cơ hội mà AI mang lại và cần tiếp tục sản xuất báo chí chất lượng cao.
Trong đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện của Swinburne Việt Nam, chúng tôi luôn chú trọng cập nhật những xu hướng truyền thông và công nghệ mới nhất vào trong chương trình đào tạo và các hoạt động nghiên cứu. Chúng tôi cũng đang xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng trở thành nơi nghiên cứu và là diễn đàn trao đổi về những vấn đề cập nhật liên quan đến những đổi mới trong ngành truyền thông đa phương tiện, truyền thông số hiện nay.
VnEconomy 21/06/2023 09:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam